(VTC News) – Thâm hụt thương mại ở Hoa Kỳ đã thu hẹp do giá dầu thô giảm mạnh và nhu cầu suy yếu đã giúp cắt giảm chi phí nhập khẩu.
Khoảng cách thâm hụt đã thu hẹp xuống còn 48,6 tỉ USD từ 50,1 tỉ USD vào tháng 4, theo ước tính trung bình trong một cuộc khảo sát của tờ Bloomberg News.
Việc thiếu hụt nhân công tại Hoa Kỳ đã khiến cho Cục Dự trữ Liên bang nới lỏng chính sách tiền tệ và làm dịu bớt mức chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời giảm bớt nhu cầu nhập khẩu các hàng hóa khác ngoài dầu.
Thâm hụt thương mại ở Mỹ đã thu hẹp nhờ giá dầu đi xuống |
Trong khi đó, sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều dẫn tới việc các ngân hàng trung ương từ châu Âu tới Trung Quốc cắt giảm lãi suất trong tháng này và tuyên bố các gói kích thích kinh tế mới, có thể là nguyên nhân làm giảm việc mua hàng hóa xuất xứ từ Mỹ.
Ông Kevin Cummins, nhà kinh tế tại UBS Securities LLC ở Stamford, bang Connecticut cho biết: “Thâm hụt thương mại thu hẹp một chút phản ảnh sự tăng trưởng chậm trong nền kinh tế toàn cầu. Có những áp lực trong việc xuất khẩu, đặc biệt là việc xuất khẩu vào thị trường châu Âu đang suy yếu. Giá nhiên liệu giảm và người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu, sẽ dẫn đến việc nhập khẩu hàng hóa sụt giảm”.
Việc nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ cũng đã giảm do nhu cầu suy yếu |
Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ tại Washington trong ngày hôm nay sẽ cho thấy con số chính xác về việc thu hẹp thâm hụt thương mại. Cũng trong ngày 12/7, một báo cáo khác từ Bộ Thương mại có thể chỉ ra doanh số bán hàng tháng 5 tăng trưởng chậm hơn các tháng trước đó do các doanh nghiệp dự trữ chờ khi nhu cầu tăng cao. Dự trữ tồn kho tăng 0,3% sau khi đã tăng 0,6% vào tháng 4.
Giá dầu ‘tụt dốc’ cũng có thể là một nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu của Mỹ giảm. Dầu Brent giao dịch trên sàn kỳ hạn châu Âu ICE ở London đã giảm xuống còn 101,87 USD/thùng vào cuối tháng 5, từ mức rất cao 128,4 USD/thùng trong tháng 3. Kể từ đó, giá dầu gần như liên tục dao động theo chiều hướng đi xuống.
Cùng lúc đó, Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ, đã điều chỉnh giảm giá nhiên liệu lần thứ 3 kể từ tháng 5 vào ngày 11/7, giúp giảm bớt chi phí cho các nhà máy và người sử dụng phương tiện, trong khi đe dọa đối với lợi nhuận tại các nhà máy lọc dầu.
“Trung Quốc đang tìm kiếm cách thức để thúc đẩy tăng trưởng đầu tư hợp lí”, thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu trong một tuyên bố chính thức được đăng tải trên website của chính phủ ngày 11/7.
Các nhà kinh tế hi vọng báo cáo của chính phủ ngày 12/7 sẽ cho thấy việc mở rộng tổng sản phẩm quốc nội trong quý 2 ở mức chậm nhất trong 3 năm gần đây. Riêng đối với mảng kinh doanh sản phẩm phương tiện vận tải hành khách, doanh số tại đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã tăng trong tháng 6 – tháng thứ 4 liên tiếp, vượt qua dự đoán của các chuyên gia.
Ông Joseph Tanious, nhà chiến lược tại quỹ JPMorgan, nơi giám sát 394 tỉ USD đầu tư, trả lời phỏng vấn của báo chí: “Người Trung Quốc nhận thức được việc tăng trưởng là chậm, nhưng không như ở Mỹ, họ có thể làm rất nhiều điều thông qua biện pháp tài chính và tiện tệ để kích thích nền kinh tế của mình”.
Thúy Hạnh
Bình luận