Gần một tháng nay, chợ Bà Rén (xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) vắng hẳn bầu không khí chộn rộn, tấp nập người mua - kẻ bán.
Nụ cười từ đó cũng dần tắt lịm trên gương mặt của tiểu thương lẫn chị em phụ nữ hành nghề bồng heo ở ngôi chợ độc nhất vô nhị trên dải đất hình chữ S.
Heo rớt giá, cả chợ lao đao
Một ngày cuối tháng 3, tôi trở lại ngôi chợ có cái tên rất lạ và cũng rất đỗi thân thương, chợ heo Bà Rén.
Lần gần đây nhất tôi ghé chợ cách đây khoảng 2 tháng, vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Hôm ấy, mưa bay lất phất. Thế nhưng, riêng ở khu chợ chỉ bán một loại mặt hàng duy nhất là heo, bầu không khí luôn ngập tràn tươi vui.
Phiên chợ cuối năm ai nấy đều “trúng mánh”. Các tiểu thương hân hoan với “mẻ” heo “kỷ lục” với xấp xỉ 4 nghìn con xuất bán vào Nam, ra Bắc.
Chị em hành nghề bồng heo cũng thỏa mãn niềm vui dù bồng bế heo mỏi cả đôi chân và nhừ hai tay.
Tôi nhớ như in cảm xúc sung sướng trào dâng trong hơi thở hổn hển của chị Nguyễn Thị Hạnh (48 tuổi) – người ôm chú heo cuối cùng còn lại trong rọ lên cân rồi nhận số tiền công 300 nghìn đồng tiền công bồng heo hôm đó, nhiều hơn hẳn so với những ngày thường nhờ số heo bồng tăng vọt.
Chị Hạnh chỉ là một trong số hàng chục chị em đang hành cái nghề suốt nửa thập kỷ tạo nên nét độc đáo ở chợ heo lớn nhất Việt Nam.
Chợ heo hoạt động theo thể thức cân cả người lẫn heo. Khối lượng của chú heo sẽ được xác định sau khi lấy tổng trọng lượng trừ cho cân nặng của người bồng heo.
Ấy vậy mà hôm nay gặp lại, tôi cảm nhận rõ vẻ buồn rầu, ủ rũ hiện hữu trên gương mặt của chị.
Buông tiếng thở dài, chị Hạnh ta thán: “Bận bịu như hồi cuối năm, tuy vất vả nhưng mừng rớn vì bồng càng nhiều heo thì thù lao nhận được càng nhiều. Rảnh chân, rảnh tay như bây chừ buồn lắm. Trung bình một ngày, tui với mấy em chỉ kiếm được chừng 30-40 nghìn đồng do ít heo để bồng”.
Đó là tình cảnh của người bồng heo, còn với các tiểu thương gắn bó cùng nghiệp bán buôn ở chợ heo cũng lao đao không kém.
Mòn mỏi chờ thương lái từ trong TP.HCM ra vận chuyển heo vào Nam tiêu thụ, bà Tâm (người buôn heo có tiếng ở chợ Bà Rén) luôn trong tâm thế bồn chồn, đứng ngồi không yên.
Bà Tâm chia sẻ, dạo cận Tết, thương lái từ TP.HCM, Đà Nẵng đánh xe tải xếp thành hàng dài ken đặc bên hông chợ để chờ chực thu mua heo đưa đi tiêu thụ.
“Ấy vậy mà một tháng đổ lại đây, các thương lái ở xa tìm đến chợ trong cảnh lác đác, thậm chí có ngày vắng bóng. Số lượng heo tập trung về chợ giảm sút đáng kể.
Từ con số dao động trong khoảng 2-3 nghìn con, hiện tại, một ngày chợ chỉ bán trên dưới 500 con. Sức bán cùng sức mua giảm thấy rõ”, bà Tâm nói.
Theo các tiểu thương ở chợ, nguyên nhân khiến cả chợ lao đao cũng bởi “cơn bão” mang tên dịch tả lợn Châu Phi.
“Dịch tả lợn chưa bùng phát ở Quảng Nam, thế nhưng chính tâm lý hoang mang của người tiêu dùng đã kéo theo việc họ e ngại khi sử dụng các sản phẩm từ heo.
Mặc dù chất lượng heo ở chợ luôn được đảm bảo nhờ công tác ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh bằng phương án khử trùng, tiêu độc, thế nhưng chúng tôi vẫn gặp khó trong việc tiêu thụ heo”, một tiểu thương cho hay.
Mua rất nhiều nhưng bán chẳng bao nhiêu
Heo ế ẩm, những chiếc bội ngày thường chất heo theo đó cũng trống trơn và được chất đống các góc chợ.
Trước cổng, hàng chục xe máy của những người buôn heo nhỏ lẻ cũng “chôn chân” dầm mưa dãi nắng từ sáng tới chiều.
Vừa dựng chân chống xe và nhẹ nhàng hạ đặt chiếc rọ chứa 4 chú heo con xuống đất, chị Lê Thị Tình – người phụ nữ chuyên thu mua heo con ở địa phương rồi mang ra chợ bán sỉ lắc đầu ngao ngán trước khung cảnh vắng vẻ ở chợ.
Chị Tình tâm sự, hai hôm nay, chị đi buôn heo trong cảnh “mang đến lại mang về”.
“Cũng 4 chú heo này, 2 ngày qua, tôi chở ra chợ từ tinh mơ để bán rồi lại ngậm ngùi mang về. Với tình hình chợ ế ẩm như hôm nay, chắc có lẽ tôi lại phải chở heo về chuồng.
Chẳng ai ngờ, từ ngưỡng 80 nghìn đồng/kg, giờ giá heo con giờ chỉ còn 40 nghìn đồng/kg. Bán với cái giá này thậm chí lỗ cả vốn nên tôi đành nuốt nước mắt chờ ngày giá heo lên”, chị Tình bộc bạch.
Khốn khổ hơn, bà Nguyễn Thị Tám đang “ôm” đàn heo lên tới 50 con và ngày qua ngày mỏi mắt ngóng trông thương lái tới đặt mua.
Sau khi chốt giá bán 3 chú heo sữa, bà Tám lắc đầu ngao ngán.
“Tôi phải bán tống bán tháo với hy vọng thu hồi đồng vốn được chừng nào hay chừng nấy.
Thực sự quá đắng cay bởi dù đã hạ giá bán xuống chỉ còn 38-40 nghìn đồng/kg, số lượng heo sữa bán ra cũng chỉ vỏn vẹn vài ba con. Đúng là mua rất nhiều nhưng bán chẳng bao nhiêu”, bà Tám than vãn.
Bà Tám vừa dứt câu, tôi chợt nhớ lời chị Hạnh chia sẻ trong ngày cận Tết. Với nội dung đại ý rằng, vào năm Kỷ Hợi này, những chị em hành nghề bồng heo như chị sẽ gặp thật nhiều may mắn.
Nào ngờ, niềm hy vọng ấy thoáng dốc bị dập tắt bởi “cơn bão” mang tên dịch tả lợn Châu Phi. Để giờ đây, những phụ nữ bồng heo như chị Hạnh hay các tiểu thương ở chợ heo lớn nhất Việt Nam đang khóc ròng trong cảnh bán buôn ế ẩm vì heo rớt giá.
Bình luận