Theo Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, từ đầu tháng 12 đến nay, khoa này đã đã tiếp nhận 24 ca nhập viện vì bị rắn cắn.
Tăng gấp đôi so với tháng trước, trong đó có tới 90% là rắn lục đuôi đỏ. Số người bị rắn độc “tấn công” tăng đột xuất khiến người dân vùng lũ lo lắng.
Theo các bác sĩ Khoa nội tổng hợp - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, số người nhập viện do rắn cắn sau lũ lụt tăng đột xuất, chủ yếu là vùng nông thôn. Nguyên nhân được cho là do lũ, nước ngập hang nên có cả trường hợp rắn bò vào nhà dân để cắn người.
Như trường hợp thai phụ Lê Thị Phụ (42 tuổi, trú xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) chỉ còn vài ngày nữa là sinh con nhưng bàn chân đang sưng tấy, bầm tím vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi xuống bếp ngày 29/12, khi nước lũ rút, chị Phụ nhanh chóng được đưa đến Trạm xá xã để sơ cứu rồi chuyển đi bệnh viện huyện và chuyển vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu.
“Hôm vợ bị rắn cắn, tôi còn ở Sài Gòn nhưng nghe tin phải tức tốc về ngay. Điều tôi lo lắng nhất là vợ sắp sinh, không biết có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hai mẹ con”, anh Phùng Ngọc Dũng (46 tuổi, chồng chị Phụ), lo lắng.
Còn ông Nguyễn Văn Thắng (54 tuổi, trú huyện Tuy Phước, Bình Định) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay khi đang dọn dẹp trong vườn khiến cả người đau buốt, bàn tay gần như mất cảm giác.Tuy nhiên, ông Thắng kịp thời đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định chữa trị kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Võ Bảo Dũng- Trưởng khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định lưu ý: “Người dân vùng ngập lụt khi dọn dẹp nhà cửa nên mang ủng, dùng bao tay để phòng bị rắn cắn.
Nếu không may bị rắn cắn thì phải sơ cứu đúng cách (nặn máu, làm sạch vết thương, băng ép) rồi đưa đến cơ sở y tế. Khi băng ép không nên buộc chặt vòng quanh chi (ga-rô) trên nơi có vết cắn vì có thể gây hoại tử chi nếu thời gian buộc kéo dài. Nếu ga-rô thì phải đảm bảo mạch ở phía dưới còn bắt được”.
Bình luận