Tối 24/11, trả lời VTC News, ông Phạm Văn Nam (Bí thư Thị ủy La Gi) cho biết, lực lượng chức năng địa phương vừa di dời 90 người dân vào nơi an toàn để tránh bão số 9.
Trước đó, khoảng 12h40 cùng ngày, nước biển dâng cao đến 4m đã tràn vào nhà của hàng chục hộ dân tại khu vực tổ 6 (thôn Hồ Tôm, xã Tân Phước). Ngay lập tức, UBND xã Tân Phước cử lực lượng hỗ trợ người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm.
"Đến chiều cùng ngày, toàn bộ người già, phụ nữ, trẻ nhỏ đã được di chuyển đến nơi an toàn, chỉ còn một số nam thanh niên khỏe mạnh ở lại để trông coi nhà cửa. Tôi đã chỉ đạo lực lượng phải trực 24/24 để ứng chiến với cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền. Ngoài ra, cơ quan chức năng luôn bám sát tình hình để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân”, ông Nam thông tin thêm.
Tại biển Cam Bình (thị xã La Gi), PV VTC News ghi nhận, bất chấp mưa to sóng lớn, rất đông du khách vẫn vô tư dạo biển.
Cùng ngày, tại huyện đảo Phú Quý tiếp tục có mưa lớn kèm theo gió giật cấp 6, cấp 7. Ven bờ đã xuất hiện nhiều đợt sóng rất lớn và dâng cao 4-5m. Sóng đập vào các bờ kè tung bọt trắng xóa.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 16h ngày 24/11, vị trí tâm bão cách Phan Thiết khoảng 140km, cách Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 150km, cách Bến Tre 200km. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giật cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 4h ngày 25/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 130km.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Nam Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Bình luận