Các nhà khoa học xác định núi lửa Puhahonu tại Khu bảo tồn hải dương quốc gia Papahanaumokuakea, phía tây bắc quần đảo Hawaii, là núi lửa hình khiên lớn nhất thế giới, Fox News hôm qua đưa tin. Trước đó, danh hiệu này thuộc về núi lửa Mauna Loa trên Đảo Lớn của Hawaii.
Núi lửa hình khiên được tạo nên gần như hoàn toàn nhờ các dòng dung nham, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Khi dung nham chảy chồng qua nhau, chúng tạo thành một cấu trúc hình vòm lớn và thoải. Cấu trúc này giống tấm khiên của một chiến binh khi nhìn từ xa. Quần đảo Hawaii hình thành từ những núi lửa hình khiên, trong đó có Manua Loa và Kilauea, một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới.
Puhahonu nghĩa là "rùa nổi lên để thở" trong tiếng Hawaii. Cặp mỏm đá Gardner nhô lên ở Thái Bình Dương là một phần của Puhahonu. Tuy nhiên, phần lớn núi lửa nằm dưới mặt biển.
Nhóm chuyên gia từ Đại học Hawaii thuộc Trường Đại dương, Khoa học Trái đất và Công nghệ Manoa (SOEST) khảo sát đáy biển dọc theo chuỗi núi lửa gần như chìm dưới nước của Hawaii và phân tích các khối đá. Kết quả cho thấy Puhahonu có kích thước gần gấp đôi Mauna Loa.
Puhahonu cũng là núi lửa hình khiên nóng nhất thế giới. "Chúng tôi tính toán mức nhiệt dựa trên thành phần cấu tạo đá. Các khoáng vật của đá có mức nhiệt là 1.700 độ C, đặc biệt nóng so với các dòng dung nham mà giới khoa học đã biết trong 65 triệu năm qua", Michael Garcia, tác giả nghiên cứu, giáo sư Khoa học Trái đất tại SOEST, cho biết. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters.
"Phát hiện mới cho thấy, chùm manti tại Hawaii có những xung vật chất nóng dâng lên từ lớp manti dưới ở dạng sóng đơn. Những sóng này khá tách biệt với lớp manti xung quanh, cho phép chúng phun trào với nhiệt độ cao hơn", Garcia nói thêm.
Bình luận