• Zalo

Núi chất thải khổng lồ ở Hải Phòng: Dân kêu cực độc, nhà máy khẳng định không

Thời sựThứ Hai, 22/08/2016 08:26:00 +07:00Google News

Bãi chất thải khổng lồ chứa toàn thạch cao của công ty sản xuất phân bón phức hợp của công ty DAP khiến người dân địa phương e ngại tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Dân sợ núi chất thải có phóng xạ

Thời gian gần đây, người dân tại TP Hải Phòng đã phản ánh đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đống chất thải gypsum (thạch cao) to như núi ở khu kinh tế Đình Vũ có khả năng chứa phốt pho cực độc với số lượng lớn, liên tục thẩm thấu nước ra khu vực lân cận, có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, có thể có phóng xạ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. 

Đây là chất thải sau quá trình sản xuất phân bón phức hợp của nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) thuộc Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM (Công ty DAP).

IMG_5401

  Bãi chứa gypsum (thạch  cao) của Nhà máy sản xuất phân bón phức hợp có nhiều thông tin ‘đồn thổi’ gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh - Ảnh Minh Khang

Sau khi nhận được phản ánh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giao Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng kiểm tra thông tin, đề xuất giải pháo xử lý và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 12/8. 

Về vấn đề này, ngày 17/8, tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hải Phòng khoá 15, ông Phạm Quốc Ka - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã có báo cáo giải trình.

Theo đó, trước nguy cơ tiềm ẩn sự cố môi trường nghiêm trọng như rò rỉ axit từ nhà máy sản xuất phân bón DAP, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm công suất sản xuất; có giải pháp xử lý triệt nước thải từ bãi thải gypsum; thu gom, xử lý triệt để bãi thải, gia cố bờ bao, trồng cây xanh…

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng trạm quan trắc 24/24; giám sát chặt chẽ với bãi thải gypsum; công khai kết quả quan trắc; giám sát xử lý tràn hóa chất, phòng chống cháy nổ. Nếu không bảo đảm sẽ đề xuất thành phố yêu cầu đóng cửa nhà máy.

IMG_5296

Nhiều người cho rằng do “nhiễm độc’ từ bãi gypsum nên một số cây chắn sóng phía ngoài biển chết, tuy nhiên theo lãnh đạo Công ty DAP, nếu ‘nhiễm độc’ thì tất cả cây cỏ phải chết hết chứ không chỉ có loài cây chắn sóng, phù hợp với nước biển có nồng độ mặn cao. 

Nhà máy bác những tin đồn 

Giải trình về vấn đề này, ông Vũ Văn Bằng - Phó Tổng giám đốc công ty DAP cho biết, những đồn thổi của người dân về tác hại khủng khiếp của bãi chất thải là chưa chính xác, thiếu khách quan, dễ gây hoang mang dư luận. Công ty DAP cũng đã có văn bản chính thức thông tin về vấn đề này.

Theo công ty này, đống chất thải gypsum là kết quả của quá trình chiết xuất phần lân (P205) trong quặng apatit, được tách ra trong quá trình lọc, rửa hút chân không rồi đưa ra bãi thải bằng băng tải.

Đây là chất thải rắn thông thường, không phải chất thải nguy hại. Do trong thạch cao này còn tồn dư một lượng phân lân nhất định nên nhà mày cũng có biện pháp thu gom nước róc từ bãi chất thải đưa về nhà máy sử dụng, vừa để bảo vệ môi trường vừa để tận thu phân lân trong bã thải.

Video: Cận cảnh bãi chứa thạch cao sau khi sản xuất phân bón DAP Đình Vũ (Hải Phòng)

Công ty DAP khẳng định, quy trình ra bã thải thạch cao như hiện tại cũng giống các nhà máy sản xuất phân bón DAP từ quặng apatit trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha... Nhưng có thể do đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có nhà sản xuất phân bón này nên cũng là lần đầu tiên phát sinh chất thải rắn, dễ khiến người dân không hiểu.

Trung tâm công nghệ xử lý môi trường thuộc Bộ Tư lệnh Hoá học đã thử nghiệm mẫu bã thạch cao vào tháng 4/2016 và cho kết quả trị số hoạt động phóng xạ an toàn.

“Như vậy, thông tin cho rằng bã thải thạch cao của Công ty DAP có chứa chất phốt pho cực độc, là thông tin không chính xác, chưa có căn cứ khoa học”, công văn của Công ty DAP khẳng định.

IMG_5148

Ông Phạm Huy Hoằng - Phó trưởng phòng kỹ thuật nhà máy DAP cho biết gymsup là một dạng vật chất tinh thể, khi gặp mưa sẽ kết chặt lại, không thể bay trong không khí theo gió như bụi bình thường, muốn vận chuyển đi nơi khác phải dùng máy cuốc xúc nên không có chuyện bùi gypsum phát tán ra môi trường xung quanh khi có gió to.

Công ty này cho biết, từ khi mới đi vào hoạt động đã liên hệ mời Trung tâm không phá hủy thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và công nghệ) tiến hành đo đạc, quan trắc về chất phóng xạ đối với khu vực bãi chứa thạch cao, cũng như khu vực bãi chứa quặng apatit. Kết quả đo đạc nhiều lần đều không phát hiện có yếu tố phóng xạ. 

Về phương án xử lý chất thải, hiện DAP Đình Vũ cũng đang hợp tác nghiên cứu và xây dựng dự án chế biến phụ gia xi măng từ bã thải thạch cao. 

Đến nay, giai đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm đã thành công, hiện bước sang giai đoạn đầu tư hoàn thiện dây chuyền công nghệ, để chế biến và sử dụng thạch cao sản xuất trong nước thay thế dần thạch cao nhập khẩu.

Hiện nay, sản phẩm thạch cao nhân tạo chế biến từ bã thải thạch cao của Công ty DAP, đã được đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp tại 5 nhà máy xi măng trong nước. 

Một số hình ảnh ghi nhận tại bãi thải thạch cao của DAP Đình Vũ: 

IMG20160815085634

 Quanh bãi gypsum, những hàng cây xanh tốt đang phát triển bình thường

damtom

 Cạnh bãi gypsum có một đầm nuôi tôm, cây cối vẫn xanh tốt

IMG_5250

 Quanh bãi thải, có hệ thống mương dẫn nước, có bạt chống thấm nước mưa từ bài chữa gymsum ra môi trường xung quanh

IMG_5336

 Cây xanh vẫn đang được tiếp tục trồng trên các bờ bao khi mở rộng diện tích bãi chứa gymsum

IMG_5317

 Sau khi sản xuất phân bón phức hợp DAP, nguồn gypsum được hệ thống băng chuyền chuyển ra bãi chứa phục vụ cho nhà máy sản xuất thạch cao

Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM (Công ty DAP), tiền thân của Công ty cổ phần DAP-VINACHEM (DAP Đình Vũ), là Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) tại khu Kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng. Đây là dự án nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đầu tư  năm 2002, với tổng mức đầu tư là 172,385 triệu USD, và diện tích đất được cấp là 72ha (trong đó 28ha xây dựng nhà máy, 02ha xây dựng cầu cảng và 42ha để chứa bã thải thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất).

Từ tháng 4/2009 đến tháng 8/2011 là giai đoạn chạy thử, hiệu chỉnh công nghệ, thiết bị, từ tháng 8/2011 chính thức ký biên bản nghiệm thu đưa dây chuyền vào sản xuất thương mại.

Từ đó đến nay đã sản xuất và cung cấp cho thị trường trên 1,6 triệu tấn phân bón DAP chất lượng cao, chấm dứt thời kỳ lệ thuộc hoàn toàn vào phân bón DAP nhập khẩu từ nước ngoài, góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, hạn chế nhập khẩu; sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quặng Apatit có sẵn trong nước và tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 700 lao động.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn