Theo ghi nhận của PV VTC News, ngày 13/9, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập Chăm sóc Trẻ thơ (nằm tại khu đô thị 54 Hạ Đình, ngõ 85 Hạ Đình, quận Thanh Xuân) tạm thời đóng cửa, di tản học sinh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em.
Ngôi trường này chỉ cách kho cháy Rạng Đông 50 m khiến nhiều phụ huynh hoang mang sợ con bị ảnh hưởng của thủy ngân. Vì vậy số trẻ đi học ngày càng thưa thớt. Người dân tại đây cũng rời đi tới 90% sau vụ cháy.
Bà Nguyễn Thị Nga, người dân Hạ Đình cho biết, gia đình vừa gửi cháu ngoại đi trẻ được một tháng thì vụ cháy được đánh giá là "thảm họa môi trường" xảy ra. Bố mẹ cháu lo lắng nên để con ở nhà đảm bảo sức khỏe.
Cũng như bà Nga, sau vụ cháy Rạng Đông, chị Trần Tú không cho con đi học mà cả nhà chị thuê một căn hộ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội để ở, rồi cho con học trường mầm non gần đó. Nhà chị Tú cách nhà máy rạng đông khoảng 200 m. Chị vẫn nhớ như in mùi khét lẹt nồng nạc hôm xảy ra vụ cháy. "Cả nhà bịt khẩu trang ngủ mà không ngủ nổi, ngay hôm sau tôi xin nghỉ làm để đi tìm nhà trọ. Tôi được biết nhiều gia đình hàng xóm đã cho con cái về quê cả", chị nói.
Cũng nằm trong khu đô thị 54 Hạ Đình, cơ sở Mầm non Ngôi nhà Misha cửa đóng im lìm, đỉnh điểm có ngày chỉ 2-3 học sinh đến trường. Dù vậy trường vẫn hoạt động bình thường, đề phòng trường hợp phụ huynh không biết gửi con ở đâu.
Chị Phạm Thị Hằng, quản lý lớp mẫu giáo tư thục Misha cho hay phụ huynh lần lượt cho con nghỉ học sau khi UBND phường Hạ Đình thông báo về các biện pháp đề phòng và bảo vệ sức khỏe người dân do tác động từ vụ cháy. Vì thủ tục xin học và nghỉ học của trường đơn giản, phụ huynh chỉ nhắn tin cho chị, có người không thông báo gì và cũng không cho biết có tiếp tục học hay không.
Không chỉ học sinh, mà một vài giáo viên cũng xin nghỉ vì lo lắng ảnh hưởng sức khỏe.
Theo lãnh đạo một cơ sở mầm non gần khu vực nhà máy Rạng Đông, lo lắng là tâm lý chung của các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh có con còn nhỏ. Các cô giáo của trường nỗ lực dọn dẹp đảm bảo tuyệt đối vấn đề vệ sinh. "Tất cả đồ chơi được tẩy rửa Cloramin B, sàn nhà lau đi lau lại mấy lần. Bên cạnh đó, trường cũng nhắn phụ huynh mua nước rửa muối natriclorid để rửa hàng ngày cho các con", vị này cho biết.
Tại hai trường tiểu học và THCS Hạ Đình, việc dạy và học vẫn diễn ra bình thường, nhưng một số em được bố mẹ cho nghỉ học, một số phụ huynh còn xin cho con chuyển trường. Để tránh nguy hiểm cho sức khỏe, nhiều em đến trường đeo khẩu trang.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, Phòng đã phối hợp Phòng Y tế, Trung tâm Y tế liên hệ các bệnh viện khám miễn phí cho học sinh các trường khác trong quận.
Phòng cũng khuyến cáo các bố mẹ nên có các biện pháp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, học sinh đeo khẩu trang đi học, súc miệng, mũi bằng nước muối sinh lý, giặt rèm cửa, hướng dẫn học sinh vệ sinh thân thể cá nhân.
Bên cạnh đó, các trường phối hợp với công ty vệ sinh công nghiệp tẩy rửa bằng hóa chất tất cả phòng học, phòng chức năng, làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên; sân trường, hành lang, nhà vệ sinh; lau chùi toàn bộ bàn ghế của học sinh và giáo viên.
Đồ ăn tại trường phải được đậy kín, các lớp ăn bán trú phải vệ sinh sạch sẽ dụng cụ bếp, khay ăn, bát, thìa bằng nước rửa bát và được tráng nước sôi, sấy khô trước khi sử dụng...
Đám cháy nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (87-89 phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân) xảy ra lúc 18h ngày 28/8 thiêu rụi hàng trăm m2 trong tổng diện tích 6.000 m2 nhà kho. Nhiều chuyên gia đánh giá vụ cháy là "thảm họa môi trường" khi hàm lượng thủy ngân phát tán ra ra ngoài sau vụ cháy lên đến 27,2 kg.
Điều khiến dư luận bức xúc là phản ứng của các cấp chính quyền sau vụ việc, trong khi phường Hạ Đình đưa ra cảnh báo ô nhiễm thì quận Thanh Xuân lại nói môi trường an toàn. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều 4/9, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, không khí phía trước và trong khu nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO 10-30 lần.
Bộ đã mời Binh chủng Hóa học cùng tham gia tẩy độc môi trường. Hà Nội cũng có công văn mời chuyên gia nước ngoài đến khắc phục ô nhiễm.
Bình luận