Liên quan đến vụ phát hiện 3 xác chết trên cầu Vĩnh Tuy, trả lời PV VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2 bên và không để ai chịu oan sai cần phải tiếp cận nguyên nhân vụ việc từ nhiều hướng khác nhau.
“Đây là vụ việc hết sức đau lòng, tuy nhiên liệu tài xế xe bồn chở xăng có bị khởi tố hình sự hay không phải phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan Công an TP Hà Nội.
Trong trường hợp cơ quan điều tra kết luận tài xế xe tải có hành vi vi phạm luật giao thông dẫn đến vụ tai nạn khiến 3 nam thanh niên tử vong thì tài xế này sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999”, luật sư Thơm cho biết.
“Nếu cơ quan điều tra xác định người điều khiển xe bồn chở xăng là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn khiến 3 người thiệt mạng thì người tài xế này sẽ bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, người điều khiển xe bồn chở xăng không hề có lỗi, nhưng theo tôi, chủ phương tiện và người lái xe nên đến thăm hỏi gia đình 3 nạn nhân”, ông Thơm kết luận.
Trước đó, khoảng 23h25 ngày 22/3, anh Lê Hoài Bảo, lái xe của công ty Cổ phần Chất đốt Hà Nội, điều khiển xe ô tô nhãn hiệu DONG FENG, BKS: 29C - 521.32 chở xăng từ kho xăng Đức Giang về cây xăng Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Khi đến khu vực dốc lên cầu Vĩnh Tuy, đoạn ngang cột đèn số T3A/12, anh Bảo trông thấy chiếc xe máy chở 3 nam thanh niên phóng với tốc độ rất nhanh, chạy ngược chiều xe ô tô của anh và vượt 1 xe tải đi cùng chiều.
Chiếc xe máy chở 3 người lấn ngược chiều sang làn đường xe ô tô với tốc độ cao và đâm trực diện vào đầu xe ô tô chở xăng. Vụ tai nạn làm 3 nam thanh niên chết tại chỗ.
Theo cơ quan công an, nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông trên được xác định là Trần Văn Túc (SN 1996, quê quán Tân Sơn, Phú Thọ) và Đặng Văn Dũng (SN 1994, quê quán Yên Sơn, Tuyên Quang). Còn một nạn nhân hiện chưa xác định được danh tính, trong người không mang theo giấy tờ tùy thân.
Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Video: Những vụ gây tai nạn bỏ chạy gây bức xúc năm 2016
Bình luận