Năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến những “tân binh” đại gia tăng không biết mệt mỏi sau ngày chào sàn. ROS của công ty cổ phần xây dựng Faros là ví dụ điển hình nhất. Vì vậy, khi chào sàn, cổ phiếu VJC của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air được kỳ vọng sẽ phá kỷ lục của ROS.
Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch 7/3, VJC khiến cổ đông bất ngờ khi quay đầu sụt giảm, khiến bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air mất 480 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam lại có cơ hội ăn mừng khi cả 2 cổ phiếu do ông nắm giữ đều tăng rất mạnh.
Người mất 480 tỷ đồng
Chào sàn trong ngày 28/2, cổ phiếu VJC khiến cổ đông hoan hỉ khi tăng trần lên 108.000 đồng/CP. Sau đó, VJC tăng trần 3 phiên liên tiếp. Tới ngày 6/3, dù vẫn duy trì được đà lên nhưng VJC không giữ được sắc tím. Áp lực bán ra xuất hiện nhiều hơn.
Với những nhà đầu tư kỳ cựu, đây là dấu hiệu đi xuống của VJC. Nhưng đa số nhà đầu tư bình thường không nhận ra dấu hiệu này. Vì vậy, đà giảm mạnh của cổ phiếu VJC trong phiên giao dịch 7/3 khiến nhà đầu tư bất ngờ.
Chốt phiên 7/3, VJC giảm 4.900 đồng/CP xuống 132.500 đồng/CP. VJC khiến tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 480 tỷ đồng. Dù vậy, với khối tài sản trị giá 12.985 tỷ đồng, bà Thảo vẫn giữ vững ngôi vị nữ tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam và người giàu thứ 3 sàn chứng khoán Việt Nam.
Dù mất mát lớn trong ngày 7/3 nhưng mất mát này vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều những gì mà bà Thảo đã nhận được trong tháng 3.
Sau 5 phiên giao dịch, cổ phiếu VJC tăng 47.400 đồng/CP, tương ứng 53%. Điều đó đồng nghĩa với việc tài sản của bà Thảo tăng 53% sau 5 ngày. Cụ thể, kể từ ngày chào sàn tới phiên 6/3, tài sản của bà Thảo tăng 4.645 tỷ đồng lên 13.465 tỷ đồng.
Nhờ đó, bà Thảo dễ dàng vượt qua bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup để trở thành nữ tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam và vượt qua ông Trần Đình Long để trở thành tỷ phú giàu thứ 3 sàn chứng khoán Việt Nam.
VJC tăng mạnh, ngoài bà Thảo, các cổ đông khác của Vietjet Air cũng được hưởng lợi lớn. Tính chung cả 6 phiên giao dịch, cổ phiếu VJC vẫn tăng rất mạnh, tăng 42.500 đồng/CP, tương ứng 47%. Nhờ vậy, vốn hóa thị trường Vietjet Air tăng 12.750 tỷ đồng lên 39.750 tỷ đồng (khoảng 1,74 tỷ USD).
Như vậy, Vietjet Air đã vượt qua Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam. Chốt phiên 6/3, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines dừng ở mức 32.300 đồng/CP khiến vốn hóa thị trường Vietnam Airlines chỉ là 39.649 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyêt đút túi 1.396 tỷ đồng
Trong khi nữ tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hao hụt 480 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết, tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến khối tài sản gia tăng đáng kể khi cả 2 cổ phiếu FLC và ROS do ông nắm giữ đều bứt phá.
Chốt phiên 6/3, cổ phiếu FLC của công ty cổ phần Tập đoàn FLC tăng trần, tăng 510 đồng/CP lên 7.890 đồng/CP. Nhờ đó, giá trị cổ phiếu FLC do ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ tăng 35 tỷ đồng lên 548 tỷ đồng.
Không tăng trần nhưng cổ phiếu ROS cũng đi lên khá mạnh. Đóng cửa phiên, ROS tăng 4.700 đồng/CP lên 168.000 đồng/CP. Giá trị cổ phiếu ROS thuộc sở hữu của ông Quyết tăng 1.361 tỷ đồng lên 48.646 tỷ đồng.
Video: Vietjet Air và những bộ bikini lọt vào Top những dịch vụ hàng không "độc" nhất
Như vậy, chỉ sau phiên 6/3, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết tăng 1.396 tỷ đồng lên 49.194 tỷ đồng (khoảng 2,16 tỷ USD).
Ông Quyết đang vững vàng ở vị trí tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, khoảng cách tài sản giữa ông Quyết và ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup ngày càng được nới rộng hơn.
Sau phiên giao dịch 6/3, ông Quyết nhiều hơn ông Vượng 16.724 tỷ đồng. Đây là khoảng cách rất khó để săn bằng trong thời gian ngắn.
Bình luận