• Zalo

Nữ tử tù mang thai: Phạm nhân cung cấp tinh trùng sẽ bị xử thế nào?

Pháp luậtThứ Bảy, 20/02/2016 07:22:00 +07:00Google News

Cung cấp tinh trùng để nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai, thoát án tử, tù nhân nam này sẽ bị xử lý như thế nào?

Cung cấp tinh trùng để nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai, thoát án tử, tù nhân nam này sẽ bị xử lý như thế nào?

Những ngày qua vụ việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (SN 1974, trú tại Cao Lộc, Lạng Sơn) có thai trong quá trình chờ thi hành án đang gây xôn xao dư luận. Trao đổi với PV, luật sư Lương Quang Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư An Thái, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Luật sư Lương Quang Tuấn
Luật sư Lương Quang Tuấn  

- Thưa ông, là một luật sư, ông có suy nghĩ như thế nào về vụ việc này? Theo ông, đây có phải là hành động có chủ đích để thoát án tử của phạm nhân Nguyễn Thị Huệ hay không?

Tất cả những người phạm pháp bị giam giữ hoặc đi thi hành án đều muốn trốn khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Còn các tử tù, nếu có điều kiện thì bao giờ họ cũng tìm mọi cách để thoát án tử.

Chúng ta cần phải hiểu, Bộ luật Hình sự sinh ra để bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (tính mạng, nhân phẩm, danh dự...), đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Bộ luật Hình sự không phải là để trừng phạt. Còn nếu đã phạm pháp chứng tỏ họ đã vi phạm và vượt quá ranh giới của pháp luật cho phép. Lúc đó, pháp luật mới trừng trị họ.


Nói về hành vi của Huệ thì tôi khẳng định đây là hành động có chủ đích. Huệ đã lợi dụng sự nhân đạo của pháp luật để mong muốn thoát khỏi cái chết (có cơ hội thoát án tử hình).

- Theo ông, việc nữ tử tù đã mang thai trong lúc chờ thi hành án thì có bị tử hình như bản án đã tuyên hay không và tại sao?

Điều 35 Bộ luật Hình sự (năm 1999, được sửa đổi và bổ sung năm 2009) đã nêu rõ: "Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Không thi hành án tử hình với đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.

Ở đây, tôi cho rằng, chủ đích của Huệ là muốn thoát án tử hình nhưng lại chưa nghĩ tới hậu quả khi đứa con sinh ra sẽ như thế nào. Việc đầu tiên bao giờ người tù có bản án tử hình cũng nghĩ tới làm thế nào để thoát được cái chết. Đây cũng không phải là trường hợp đầu tiên lợi dụng việc mang thai để thoát án tử hình.

Nguyễn Thị Huệ trong phiên tòa sơ thẩm tháng 1/2014. Ảnh: Báo Thanh niên
Nguyễn Thị Huệ trong phiên tòa sơ thẩm tháng 1/2014. Ảnh: Báo Thanh niên 

- Về hành vi “trao đổi” tinh trùng của phạm nhân nam để nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai, theo ông, phạm nhân nam đó có bị xử lý theo pháp luật và bị truy tố trách nhiệm hình sự hay không?

Việc này phải chờ khoa học giám định xem có đúng sự thật hay không, có việc cho và nhận tinh trùng hay không. Nếu đúng như vậy, phạm nhân nam kia đã trực tiếp giúp sức cho hành vi của Nguyễn Thị Huệ. Căn cứ vào hành vi và hậu quả sẽ xem xét trách nhiệm hình sự tương xứng của người cho tinh trùng (hoặc giao cấu) để Huệ mang thai.

- Là một luật sư có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, theo ông, vấn đề mấu chốt trong việc này nằm ở đâu?

Theo tôi, vấn đề cơ bản nhất nằm ở chỗ các cán bộ quản giáo và quy trình giam giữ; điều này cần được đặt lên hàng đầu. Nếu để xảy ra sự việc như trên, muốn hay không muốn thì trách nhiệm của những người quản giáo trong khu vực giam giữ Nguyễn Thị Huệ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Phạm nhân chịu mức án tù cao từ 20 năm, chung thân hay tử hình đều phải có quy trình giam giữ, giám sát nghiêm ngặt, chưa kể những phạm nhân thi hành bản án tử hình còn có khu biệt giam. Theo tâm lý tội phạm, khi vào tù, các phạm nhân đều suy nghĩ chống đối, bùng nổ trong cả tâm lý và hành vi vì thế việc quản lý, giáo dục phạm nhân là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là khu biệt giam dành cho phạm nhân có bản án tử hình.

- Qua sự việc này, ông đánh giá như thế nào về luật thi hành án của chúng ta hiện nay?

Luật thi hành án của chúng ta rất nghiêm minh, đặc biệt luật hình sự của ta cũng rất thuyết phục, nhân đạo, phát huy trong quá trình phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân… Nhưng để đảm bảo được sự nghiêm minh và nhân đạo của pháp luật thì yếu tố con người thực thi pháp luật là trên hết. Khi các trại giam trở thành nơi để cải tạo người phạm tội thì trước hết cần phải giúp họ nhận thức được hành vi sai lầm của họ, rồi giúp họ hướng thiện.

Đối với những phạm nhân có án tử hình, là người có hành vi nguy hiểm, không cải tạo được nữa thì cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Việc giam giữ những đối tượng này thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án và trại giam.

Trong sự việc của Nguyễn Thị Huệ, lỗi hoàn toàn do người thực thi biện pháp giam giữ Huệ - là quản giáo được phân công khu vực giam giữ phạm nhân. Tôi cho rằng, quản giáo trực tiếp được phân công ở khu giam giữ phải chịu trách nhiệm chính, đồng thời lãnh đạo trại giam cũng cần rút kinh nghiệm trong quy trình giam giữ những đối tượng có mức án cao...

- Nhiều năm theo nghề, ông có suy nghĩ gì để có thể giảm thiểu được những vụ việc hy hữu xảy ra như thế này không, thưa ông?

Trong quá trình làm nghề, tôi chỉ trăn trở một điều rằng tại sao chúng ta không biên soạn được bộ tài liệu nào để cho các phạm nhân học và giúp họ hướng thiện qua tài liệu đó? Vấn đề này không phải cứ để cho Bộ Công an hoặc Cục quản lý trại giam làm mà phải toàn xã hội cùng chung tay, từ Bộ Giáo dục, Ban tuyên giáo, các nhà khoa học... Cần tập trung biên soạn như thế nào để cho họ học, học để làm lại cuộc đời, để có cơ hội quay trở lại với cộng đồng, làm người công dân có ích cho xã hội...

Xin cảm ơn ông!


Nguồn: Một thế giới
Bình luận
vtcnews.vn