• Zalo

Nữ tiếp viên hàng không bị tài xế lái xe Mercedes tông: Cáo trạng có vấn đề?

Pháp đìnhThứ Năm, 26/11/2020 12:49:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo luật sư, việc tài xế không có bằng lái, dương tính với ma tuý, gây tai nạn nghiêm trọng mà cáo trạng ghi chưa đủ cơ sở để xử lý sẽ khiến dư luận đặt câu hỏi.

Liên quan đến bài viết "Lời cầu cứu của nữ tiếp viên hàng không bị tài xế Mercedes nghiện ma túy tông", chị Nguyễn Thị Bích Hường (nạn nhân bị tài xế dương tính với ma tuý, không có giấy phép lái xe, lái Mercedes vượt quá tốc độ, tông vào sáng mùng 6 Tết) cho biết, sau khi đọc xong cáo trạng từ luật sư bào chữa, chị không hiểu vì sao tài xế Phong dùng bằng lái, giấy tờ giả thuê xe và cũng thừa nhận dùng ma túy trước khi gây tai nạn 2 ngày nhưng cáo trạng ghi không đủ cơ sở để xử lý.

Nữ tiếp viên hàng không bị tài xế lái xe Mercedes tông: Cáo trạng có vấn đề? - 1

Chị Hường trước khi bị tai nạn.

Ngày 25/11, trả lời VTC News về vụ việc, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, việc cơ quan chức năng truy tố lái xe về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" được quy định tại Điểm a, h Khoản 2, Điều 260 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi 2017 là phù hợp với tính chất và cấu thành tội phạm của tội danh nêu trên.

"Theo đó, hiện nay cơ quan chức năng đang truy tố người điều khiển xe Mercedes gây tai nạn ở Khoản 2 Điều 260 với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù, với 2 tình tiết là không có giấy phép lái xe và gây thiệt hại 500 triệu - dưới 1 tỷ 500 triệu đồng nằm ở Khoản a và h Điều 260 BLHS", luật sư Cường nói.

Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư Cường, với 2 hành vi có sử dụng ma túy trước thời điểm lái xe và sau khi gây tai nạn bỏ trốn, không cứu giúp người bị nạn của lái xe Mercedes thì các cơ quan chức năng chưa làm rõ. Và việc cho rằng "chưa có cơ sở xem xét xử lý" sẽ khiến dư luận đặt câu hỏi về cáo trạng vụ án. (Đây là 2 tình tiết nằm ở Khoản b và c Điều 260 BLHS). 

Nữ tiếp viên hàng không bị tài xế lái xe Mercedes tông: Cáo trạng có vấn đề? - 2

Luật sư Trần Minh Cường.

Về các thiệt hại do tài xế lái Mercedes gây ra cho các nạn nhân (sức khỏe, tinh thần, thiệt hại tài sản…), luật sư Cường khẳng định, trách nhiệm bồi thường do hành vi trái pháp luật thuộc về người điều khiển phương tiện gây tai nạn, trong trường hợp này trách nhiệm bồi trường thuộc về tài xế lái xe Mercedes gây ra.

"Hiện nay, theo thông tin từ chị Hường, gia đình lái xe Phong chưa bồi thường cho chị và gia đình tài xế xe công nghệ đã chết. Về việc này, chị Hường đã có yêu cầu bồi thường trong vụ án và sẽ được đưa ra xét xử về phần dân sự trong cùng một vụ án hình sự (trường hợp tòa án không tách vụ án)", luật sư Cường nói.

Luật sư Cường thông tin thêm, việc chủ động bồi thường toàn bộ hoặc một phần thiệt hại cho chị Hường và gia đình thì được xem là một trong những tình tiết giảm nhẹ nếu như người điều khiển phương tiện/gia đình chủ động khắc phục, bồi thường.     

Trả lời câu hỏi về việc chị Hường bị thương tật 75%, mất khả năng lao động, trong khi chị là lao động chính trong gia đình, phải nuôi con nhỏ thì trách nhiệm của người gây tai nạn như thế nào? Luật sư Cường cho biết, về việc này chị Hường có quyền yêu cầu bồi thường, cấp dưỡng và tòa sẽ xem xét.

"Ở vụ việc này, tài xế Phong đã phạm tội rất nghiêm trọng (khung cao nhất 10 năm) thời hạn đưa ra xét xử là 2 tháng từ khi có cáo trạng. Khi hết thời hạn này phải ra một trong các quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc đưa vụ án ra xét xử", luật sư Cường nêu quan điểm.

Theo nội dung vụ việc, khoảng 5h27 ngày 30/1/2020, Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) lái ô tô hiệu Mercedes BKS: 51G-902.57, đi từ tầng hầm toà nhà số 108 Hồng Hà, Phường 2, quận Tân Bình (TP.HCM) về ngã tư Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận.

Nữ tiếp viên hàng không bị tài xế lái xe Mercedes tông: Cáo trạng có vấn đề? - 3

Hiện trường vụ tai nạn.

Đến số 123 Hồng Hà, Phường 9, quận Phú Nhuận thì Phong không làm chủ được tốc độ, lao sang làn đường ngược chiều, tông trực diện vào xe máy mang BKS: 62P1- 401.23 do ông Lê Mạnh Thường (chạy xe Grab) điều khiển chở chị Nguyễn Thị Bích Hường (tiếp viên hàng không) đang lưu thông theo chiều ngược lại.

Cú tông mạnh khiến người và xe máy văng vào lề đường trái, ô tô tiếp tục va chạm vào cây phượng trên vỉa hè.

Vụ tai nạn khiến ông Thường bị đa chấn thương và chết tại bệnh viện, còn chị Hường bị đa chấn thương với tỉ lệ thương tật 79%.

Sau tai nạn xảy ra, Phong tự rời khỏi hiện trường. Hôm sau, Phong đến công an đầu thú và khai nhận sự việc.

Tại cơ quan điều tra, Phong khai hai ngày trước khi xảy ra tai nạn, Phong đi chơi tại quán bar ở tỉnh Bình Thuận và sử dụng ma tuý.  Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm dấu vết phương tiện và dấu vết trên người nạn nhân đều phù hợp với diễn biến vụ tai nạn.

Qua kết quả điều tra xác định nguyên nhân tai nạn lỗi hoàn toàn do Phong điều khiển ô tô trong khi không có giấy phép lái xe, lưu thông với tốc độ là 84km/h (tốc độ cho phép 50km/h), không làm chủ tay lái lấn trái đường tông vào xe máy do ông Thường điều khiển chở chị Hường đi hướng ngược lại.

Viện KSND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã có quyết định truy tố bị can Nguyễn Trần Hoàng Phong ra toà án cùng cấp để xét xử vì hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Theo Viện KSND quận Phú Nhuận, hành vi nêu trên của bị can Phong đã phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại Điểm a, h Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra, bị can Phong thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị can đã ra đầu thú. Đó là cơ sở để áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Thế Quang
Bình luận
vtcnews.vn