• Zalo

Nữ tiến sĩ Việt ở Đan Mạch khát khao mang dự án chẩn đoán sớm ung thư về nước

Tư liệuThứ Ba, 23/04/2024 12:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dù đã có nhiều thành công tại đất nước Đan Mạch, nhưng TS Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn mong muốn mang dự án chẩn đoán sớm ung thư tại đây về phát triển ở Việt Nam.

Video TS Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ với Báo điện tử VTC News tại diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" ở thủ đô Paris, Pháp.

Trong suốt nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, TS Nguyễn Thị Thu Hiền - Nhà khoa học lâm sàng cao cấp/Chuyên gia cao cấp về Sinh Y tại Bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch luôn khát khao được giúp bệnh nhân ung thư tại Việt Nam có thể tiếp cận các phương pháp chẩn đoán sớm với giá rẻ.

Chị Hiền tâm niệm rằng mình người Việt Nam, được hưởng nền giáo dục từ Việt Nam nên luôn biết ơn mảnh đất nơi mình sinh ra, không thể chối bỏ nguồn gốc. Do đó, những năm tháng tuổi trẻ chị đã quyết định đi ra nước ngoài để phát triển chuyên môn, rồi mang tri thức đã tích luỹ được trở lại để cảm ơn quê hương.

Tại Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" ở Paris (Pháp), chị Hiền hy vọng những người làm trong lĩnh vực y tế sẽ tìm được tiếng nói chung để giúp mạng lưới tại Việt Nam phát triển tốt hơn. 

TS Nguyễn Thị Thu Hiền - Chuyên gia cao cấp Sinh Y tại bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch.

TS Nguyễn Thị Thu Hiền - Chuyên gia cao cấp Sinh Y tại bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch.

Mở rộng mô hình chẩn đoán sớm ung thư về Việt Nam

Trong quá trình nghiên cứu và làm việc tại bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch, chị Hiền cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều dự án thành công. Trong đó có dự án chẩn đoán giai đoạn điều trị phù hợp dành cho bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính.

Đối với một bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính, nếu không tầm soát/điều trị sẽ phát triển thành xơ gan và ung thư gan, nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, chi phí điều viêm gan B mãn tính cả đời tại Đan Mạch rất đắt đỏ. Mỗi một bệnh nhân viêm gan B mãn tính tại đây phải chi trả phí điều trị ít nhất từ 3,6 - 8 tỷ đồng.

Do đó, nhóm nghiên cứu của chị Hiền đã quyết định tìm ra phương pháp chẩn đoán giai đoạn điều trị phù hợp cho bệnh nhân. 

"Hiện dự án này đang áp dụng thử nghiệm tại bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch và có tỷ lệ chính xác đến 99,99%. Vì chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào chẩn đoán sai, nhưng trong chẩn đoán thì khó tránh khỏi những sai sót và chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng mình có thể sai", chị Hiền cho hay.

Đặc biệt, hầu hết những người bắt đầu điều trị viêm gan B phải tiếp tục điều trị suốt đời. Người ta ước tính rằng 12–25% số người bị nhiễm viêm gan B mãn tính sẽ cần điều trị, tùy thuộc vào bối cảnh và tiêu chí đủ điều kiện.

Ở những nơi có thu nhập thấp, hầu hết những người mắc bệnh ung thư gan đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và tử vong trong vòng vài tháng sau khi được chẩn đoán. Ở các nước có thu nhập cao, bệnh nhân đến bệnh viện sớm hơn và được tiếp cận với phẫu thuật và hóa trị, có thể kéo dài sự sống từ vài tháng đến vài năm. Ghép gan đôi khi được sử dụng ở những người bị xơ gan hoặc ung thư gan ở các nước có công nghệ tiên tiến với mức độ thành công khác nhau.

Nhận thấy ở Đan Mạch việc tầm soát viêm gan B mãn tính rất tốt, ít có bệnh nhân bị xơ gan và ung thư gan phát triển từ viêm gan B mãn tính, chị Hiền cùng đồng nghiệp quyết định tiếp tục phát triển một dự án mới  - dự án chẩn đoán ung thư sớm kết hợp cùng Việt Nam.

"Phương pháp của chúng tôi là sau khi sử dụng phương pháp từ tính hạt nhân sẽ chuyển sang một thiết bị mới ở tất cả bệnh viện của Việt Nam có thể sử dụng được với giá cả phải chăng. Tôi nghĩ tính khả thi khi thực hiện dự án này tại Việt Nam khá cao", chị Hiền nói.

Ngoài công việc chuyên môn, TS Nguyễn Thị Thu Hiền thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội.

Ngoài công việc chuyên môn, TS Nguyễn Thị Thu Hiền thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội.

Hiện tại, dự án đang được ba bên phối hợp cùng triển khai, bao gồm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trường Đại học Phenikaa và Bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch. Trong dự án sẽ có hai phương pháp khác nhau, một phương pháp triển khai tại Việt Nam và một phương pháp triển khai tại Đan Mạch để sử dụng công nghệ cao, điều Việt Nam chưa có được.

"Chắc hẳn sẽ có nhiều người thắc mắc tại sao chúng tôi không thực hiện toàn bộ dự án tại Việt Nam mà lại phải thực hiện cả ở Đan Mạch. Do ở thời điểm hiện tại, các công cụ nghiên cứu công nghệ cao chỉ có ở Đan Mạch, nên chúng tôi phải nghiên cứu ở hai đất nước.

Đồng thời, vì tôi là người Việt Nam, nên tôi cố gắng mang những công nghệ tiên tiến về áp dụng tại Việt Nam và có thể sử dụng tại quê hương mình, để đem lại những lợi ích thiết thực cho những bệnh nhân", chị Hiền bày tỏ mong muốn.

Phương pháp chẩn đoán ung thư gan giá rẻ

Theo số liệu tính toán năm 2022 từ Global Cancer Observatory (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), Việt Nam có 24.502 ca mới bị ung thư gan, trong đó 23.333 bệnh nhân ung thư gan tử vong. Trên 80% bệnh nhân ung thư gan tiến triển từ virus viêm gan B. Tuy nhiên, các ca bệnh ung thư gan tới khám ở giai đoạn muộn. Nhiều bệnh nhân ung thư gan không có triệu chứng gì, đến viện thì đã ở giai đoạn rất nặng, do đó cơ hội điều trị và tỉ lệ sống không còn cao.

"Điều tôi muốn là tất cả người dân bị viêm gan B mãn tính đều có cơ hội chẩn đoán và được điều trị sớm hơn. Đồng thời, chúng tôi muốn hướng tới mức giá mọi người dân Việt Nam có thể tiếp cận được. Vì chúng tôi làm không phải phục vụ cho mục đích kinh doanh. Từ đó, họ sẽ đảm bảo được mạng sống của mình", chị Hiền chia sẻ.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu của chị Hiền đã tìm kiếm được bộ chỉ thị sinh học bằng phương pháp từ tính hạt nhân và đang viết báo và tối ưu phương pháp để chuyển tải sang thiết bị bình thường, sao cho bệnh viện Việt Nam có thể áp dụng được. Thiết bị này sẽ phân tích trong 40 phút và cho ra kết quả chỉ thị sinh học để phát hiện sớm ung thư.

Về lý thuyết, sau khi Đan Mạch nghiên cứu xong, trường Đại học Phenikaa sẽ tiếp tục khẳng định một lần nữa, xem phương pháp trên có thực hiện được tại Việt Nam không.

Nhóm nghiên cứu của chị Hiền cũng đang tiếp tục thực hiện nhiều dự án khác tại Đan Mạch là áp dụng công nghệ từ tính hạt nhân để phân tích toàn bộ trao đổi chất trong nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư tuyến tuỵ, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng...

Theo chị Hiền, lĩnh vực “metabolomics” (chuyển hóa), trong đó một số lượng lớn các chất chuyển hóa phân tử nhỏ từ dịch cơ thể hoặc mô được phát hiện định lượng trong một bước duy nhất, hứa hẹn tiềm năng to lớn để chẩn đoán sớm, theo dõi điều trị và tìm hiểu cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh là lĩnh vực rất sôi động trong 20 năm trở lại đây ở trên thế giới, nhưng ở Việt Nam có vẻ rất mới.

"Dự án chúng tôi làm với bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có lẽ là dự án đầu tiên ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm trong tất cả loại ung thư khác, để phát triển giống như sử dụng chẩn đoán gen", chị Hiền thông tin.

Chị Hiền làm việc cùng Thành ủy TP.HCM trong chuyến công tác của AVSE Global tại Việt Nam tháng 7/2021.

Chị Hiền làm việc cùng Thành ủy TP.HCM trong chuyến công tác của AVSE Global tại Việt Nam tháng 7/2021.

Sử dụng công nghệ từ tính hạt nhân để phân tích hệ trao đổi chất trong máu của bệnh nhân viêm gan B mãn tính, bệnh nhân COVID-19, hay của những người chơi game dài tiếng là những dự án đã thành công tại bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch - nơi chị Hiền làm việc. Phương pháp này hoàn toàn không xâm lấn, nó hoạt động giống như kiểm tra sức khỏe, lấy máu xong rồi đem đi kiểm tra.

Với cách làm này, một phân tích cho 350 microlite huyết tương hay huyết thanh, có thể xác định được 250 chất khác nhau, chúng ta có thể nhìn xem những chất nào có sự khác biệt rất rõ với nhóm bệnh nhân không bị ung thư. Ví dụ như ung thư sẽ có những chất biến đổi cao lên hoặc thấp xuống. Một tập hợp các chất chỉ thị có độ ảnh hưởng đến việc phân tách nhóm bệnh được dùng để làm công cụ chẩn đoán.

Trong chẩn đoán ung thư gan thì sinh thiết vẫn được xem là phương pháp vàng. Tuy nhiên, có rất nhiều rủi ro, cứ 1/10.000 người sinh thiết sẽ có một bệnh nhân bị chết, 84 % bệnh nhân khi sinh thiết bị chảy máu và phương pháp sinh thiết phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật của người làm sinh thiết.

"Đó là lí do vì sao chúng tôi tìm đến phương pháp sử dụng từ tính hạt nhân để phân tích hệ trao đổi chất trong cơ thể bằng cách lấy máu, không phải sinh thiết hay sử dụng các phương pháp xâm lấn khác", chị Hiền nhấn mạnh.

Thiết kế chưa có tên (5).png

Thiết kế chưa có tên (5).png

Chúng tôi muốn mọi người dân Việt Nam đều tiếp cận được phương pháp chẩn đoán ung thư sớm giá rẻ, để tăng cơ hội điều trị sớm và sống sót của bệnh nhân

TS Nguyễn Thị Thu Hiền

Gia đình là động lực lớn nhất

Ngoài làm việc tại Bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch, chị Hiền còn là Ủy viên Ban chấp hành liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Phó Chủ tịch hội chuyên gia và tri thức người Việt tại Đan Mạch, Giám đốc của mạng lưới Y tế của của AVSE Global, cố vấn chương trình Dẫn dắt tài năng (Lead The Talent) Đan Mạch),...

Để có thể thực hiện cùng lúc nhiều công việc như vậy thì gia đình là sự hỗ trợ và đồng hành không thể thiếu đối với chặng đường mà chị Hiền đã đi qua. Đối với chị, nếu không có sự hỗ trợ từ chồng và hai con chị khó có thể đạt được nhiều thành công như vậy. Và chị rất biết ơn chồng và hai con chị vì điều đó.

"Tôi và chồng cùng có chung tâm nguyện hướng về Việt Nam. Nếu như vợ chồng một người nhìn hướng Đông, một người nhìn hướng Tây sẽ rất khó làm và không nhân đôi được sức mạnh. Đồng thời, chồng tôi luôn muốn các thành viên trong gia đình phải làm việc giống như một nhóm (Teamwork), cùng nhau làm mọi việc, phân công công việc một cách rõ ràng, và hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ tôi đưa con đi học ngoại khoá muộn thì chồng sẽ ở nhà nấu ăn", chị Hiền kể về gia đình.

Tuy nhiên, chị Hiền cũng không thể tránh khỏi những khó khăn khi cùng lúc đảm nhận nhiều công việc. Trong giai đoạn phát triển nhất của sự nghiệp, nữ chuyên gia y sinh chấp nhận đi chậm hơn một bước để thực hiện trọn vẹn thiên chức làm mẹ, giữ lửa cho gia đình.

"Tôi biết cách dừng lại, tôi luôn làm việc tận tâm nhưng không mang công việc về nhà, không quá tham vọng. Ở giai đoạn này, tôi chấp nhận đi chậm trong con đường sự nghiệp của mình. Tại vì giai đoạn này cả tôi và chồng đều đặt ưu tiên cho con, các con đã sắp bước vào tuổi trường thành. Chúng tôi không muốn đánh mất những khoảng thời gian quý giá đồng hành cùng con. Khi cả hai con trưởng thành tôi vẫn còn rất nhiều thời gian để phát triển theo đuổi sự nghiệp của mình. Khi gánh nặng không có nhiều, thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn", chị Hiền tâm sự.

Vợ chồng chị Hiền chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng Đại sứ Lương Thanh Nghị tại Đại Sứ quán Việt Nam ở Đan Mạch.

Vợ chồng chị Hiền chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng Đại sứ Lương Thanh Nghị tại Đại Sứ quán Việt Nam ở Đan Mạch.

Chị Hiền cũng cho biết thêm, việc chị tham gia vào nhiều tổ chức, cộng đồng có liên quan đến người Việt một phần do bản thân chị và chồng mong muốn đóng góp cho quê hương, mặt khác vợ chồng chị muốn các con của mình hướng về nguồn cội, gốc gác một cách tự nhiên nhất. Vì trẻ con sẽ làm theo những gì người lớn làm và sẽ không làm theo những gì người lớn nói.

"Nếu trẻ con nhìn thấy cha mẹ tự hào về nguồn gốc Việt Nam, rất yêu Việt Nam, thấy những điểm tốt đẹp về Việt Nam hàng ngày thì tôi tin tự nhiên con cái mình sẽ yêu gốc gác, nguồn cội Việt Nam của con. Biết đâu sau này con cũng sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho Việt Nam. Vợ chồng tôi đều nghĩ rằng, khi con cái có một gốc rễ sâu, thì con mới phát triển tốt được.", chị Hiền cho hay.

Đối với bản thân chị Hiền, những điều mình cho đi nếu không mong cầu gì thì sẽ mang lại cho mình rất nhiều hạnh phúc. Còn những điều mình cứ cho đi xong chờ ngày được đền đáp thì không bền vững.

Kông Anh - Minh Vy
Bình luận
vtcnews.vn