Tốt nghiệp với tổng điểm trung bình toàn khóa đạt 3,83/4, Phan Thị Thu Hiền đã trở thành thủ khoa đầu ra của Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017. Trước đó, cô gái Phú Thọ này theo học chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn của trường.
Xuất thân trong "nhà nòi" sư phạm, mẹ và chị gái của Hiền đều là những nhà giáo nên Hiền đã chọn Đại học Sư phạm Hà Nội để gắn bó trong những năm học đại học.
Đối với cô gái trẻ này, văn chương như một niềm đam mê và khát khao muốn cống hiến cho xã hội thông qua từng giờ giảng bài. Văn học là Nhân học, là nơi dạy học trò cách làm người, cách sống sao cho tử tế.
Video: 'Cậu bé chăn trâu xứ Thanh' trở thành thủ khoa 30/30 điểm kỳ thi THPT Quốc gia 2017
Nữ thủ khoa xinh đẹp kể, ngay từ nhỏ đã đạt thành tích cao trong học tập. Những năm học cấp II, cấp III, Hiền đạt nhiều giải nhất, nhì trong các cuộc thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Đặc biệt, năm lớp 11, Hiền thi vượt cấp và giành được giải 3 cấp Quốc gia , giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm lớp 12 và nhiều giải thưởng khác trong học tập.
Bước vào ngưỡng cửa đại học, Hiền nhiều năm liền đều giành được học bổng. Trong 2 năm đầu học tại Đại học Sư phạm, Hiền vinh dự được trao giải thưởng Nguyễn Tuân cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất.
Những thành tích vượt trội này chính là điểm tựa, động lực cho Hiền mỗi ngày càng thêm phấn đấu để trở thành một nhà giáo cao quý trong tương lai.
“Để học Văn tốt, mình luôn đọc sách, cứ thời gian rảnh là đọc. Hơn nữa, việc đọc sách cũng cần phải có sự chọn lọc về mặt nội dung. Đọc nhiều là cách để mỗi người trau dồi hiểu biết. Đối người học Văn, mê Văn thì trong sách có những bài học, cách so sánh và phân tích rất hay”, thủ khoa Phan Thị Thanh Hiền chia sẻ.
Với thành tích học tập xuất sắc, khi vừa mới ra trường, nữ thủ khoa Thu Hiền được đặc cách tuyển dụng về trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ.
Hiền chia sẻ: “Được đặc cách về trường chuyên Hùng Vương – ngôi trường gắn bó suốt ba năm học THPT khiến mình rất vui, đó là minh chứng cho thành quả nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, mình biết còn nhiều thử thách, khó khăn nên cần phải nỗ lực cố gắng hơn”.
“Cái giỏi của người thầy không chỉ dừng lại ở kiến thức mà quan trọng hơn là ở phương cách truyền đạt cho học trò”, Hiền nói.
Cô gái xinh đẹp Thu Hiền cho rằng, sự chăm chỉ và nỗ lực của bản thân là lý do chính để cô đạt được kết quả như ngày hôm nay.
Năm nay, trước tình trạng 3 điểm/môn được vào ngành Sư phạm, Thu Hiền cũng đã có những chia sẻ thú vị bày tỏ quan điểm của mình.
Hiền cho rằng, điểm đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên. Tuy vậy, đối với môn Văn thì điểm số không phải là minh chứng cho tất cả.
“Một bạn điểm Văn không tốt không có nghĩa là lúc nào bạn ấy cũng học kém Văn, vì sự cảm thụ văn chương đôi khi đến không phải trên những đề thi, sách, vở. Tuy nhiên, điểm số cũng là căn cứ để xác định bạn đã tích lũy vốn hiểu biết của mình như thế nào theo yêu cầu của giáo dục quốc dân’, cô cho hay.
Học sinh học Văn tốt, cảm thụ sâu sắc, điều đó sẽ thể hiện một phần trên điểm số. Vì vậy, việc sử dụng thang điểm thấp sẽ tạo nên kết quả là sự hời hợt, lỏng lẻo trong suy nghĩ và hành động của học sinh.
Hiền tâm sự: “Mình thấy nghề sư phạm cao quý bởi các thầy cô giáo đều là tấm gương đầy nhiệt huyết và rạo rực với nghề. Trên khắp Việt Nam có biết bao trường sư phạm, bao bóng hình cũng sục sôi và tạo dựng bởi những người như vậy, nên chắc chắn ngành sư phạm sẽ không bao giờ ‘rớt giá’”.
Nhiều người nghĩ đường cùng mới vào sư phạm nhưng theo Hiền, học sư phạm sẽ có rất nhiều điều hay mà các trường đại học khác không có. Trong xã hội xưa và nay, nghề giáo vẫn luôn giữ được những giá trị cao quý nhất định mà nhiều ngành nghề khác khó có được.
Đây là một nghề đặc biệt bởi không sản xuất ra của cải vật chất, nhưng sản phẩm nó làm ra lại là con người. Đó chính là yếu tố đóng vai trò then chốt quan trọng trong việc vận hành cho xã hội đi lên, dù ở bất cứ ngành nghề nào.
Video: Nữ thủ khoa 30 điểm vừa đi học vừa rửa bát thuê
Bình luận