• Zalo

Nữ thủ khoa Triết xinh đẹp từ chối cơ hội học thẳng tiến sĩ

Giáo dụcThứ Bảy, 21/10/2017 12:37:00 +07:00 Google News

Có điểm tốt nghiệp 3.77/4.0 với khóa luận đạt 10, đủ mọi điều kiện dự tuyển đào tạo tiến sĩ nhưng Trần Linh Trang quyết định bỏ qua.

Trần Linh Trang là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ngành Triết học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Với số điểm tốt nghiệp 3.77/4.0, đủ chứng chỉ ngoại ngữ, có nghiên cứu khoa học đạt giải ba cấp trường và bài viết tại hội thảo quốc tế về toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, Trang đủ điều kiện để học thẳng lên bậc tiến sĩ.

“Em rất vui khi nhận được thông tin đó, nhưng đã không dự tuyển sau khi bình tĩnh suy nghĩ và tham khảo ý kiến từ thầy cô. Tự nhận thấy chưa đủ kiến thức nền tảng để học tiến sĩ, em lựa chọn thi cao học và sẽ học thạc sĩ vào cuối năm nay. Em nghĩ đó là quyết định đúng đắn vì có thể học hỏi thêm, đồng thời có thời gian giảng dạy, tích lũy kinh nghiệm”, Trang nói.

Video: Trần Linh Trang chia sẻ về danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp

Giống như nhiều bạn cùng lớp đại học, Trang không lựa chọn theo đuổi Triết học ngay từ đầu. Đăng ký thi ngành Giáo dục tiểu học của Đại học Sư phạm Hà Nội I nhưng thiếu 0,5 điểm, Trang thất vọng vì nghĩ ước mơ trở thành giáo viên trở nên khó khăn.

Chưa hình dung về môn Triết học khi đó, chỉ qua lời khuyên của một cô giáo, em quyết định nộp nguyện vọng 2 vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tại lớp chất lượng cao của trường, cô gái sinh năm 1995 "nhìn nhận tương lai rõ ràng hơn".

Trang chia sẻ khi bắt đầu tiếp xúc với Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê nin ở kỳ học đầu, em cảm thấy sợ, phần vì khó hiểu, phần vì chưa quen với cách học ở đại học. Nhưng những bài giảng thực tiễn hóa, những cuộc trò chuyện của thầy cô với sinh viên khiến Trang yêu Triết hơn.

“Triết học không phải thứ có thể nhìn thấy ngay trước mắt nên sinh viên thường thấy môn này không cần thiết rồi học cho qua. Thực tế, Triết học là nền tảng để tư duy về mọi thứ. Khi đã có nền tảng đó, em thấy làm việc gì cũng dễ dàng hơn”, Trang nói và cho biết trong bốn năm đại học từng làm gia sư, bán hàng, nhân viên kinh doanh thiết bị y tế và việc nào em cũng làm tốt.

Tran-Linh-Trang-9008-1508498099

 Trần Linh Trang chia sẻ Triết học là nền tảng cho mọi tư duy. (Ảnh: NVCC)

Không môn chuyên ngành nào đạt điểm dưới B+ (dưới 8,4 trên thang điểm 10), Trang cho biết không tự học nhiều. Ngoài bài giảng từ thầy cô và những kiến thức học hỏi từ anh chị khóa trước, cô gái Hà Nội thường xuyên học nhóm với bạn. Trang cho rằng Triết trừu tượng nên học một mình rất khó nhớ. Việc nói chuyện, trao đổi với bạn bè giúp em ghi nhớ nhiều hơn.

Học chuyên ban Logic, có ít tài liệu Việt Nam, chủ yếu là chuyên đề thầy cô viết nên muốn có hướng riêng, Trang và các bạn phải đọc tài liệu nước ngoài. Nhờ học nhóm, các em đã phân công nhau dịch sách để nghiên cứu.

Trang không đặt ra thời gian cụ thể mỗi ngày phải học bao nhiêu tiếng nhưng luôn dành khoảng 1,5 tiếng mỗi tối tham gia cùng đội hát trong câu lạc bộ Nghệ thuật của trường. Với đóng góp trong hoạt động Đoàn và phong trào sinh viên, Trang dành giấy khen và danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp trường nhiều năm.

2;iihk 3

 Tinh Trang bên giảng viên hướng dẫn (trái) và mẹ trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Yêu thích công việc giảng dạy, năm cuối đại học, Trang làm trợ giảng ở Học viện Phụ nữ Việt Nam. Hiện, em cùng một người chị quản lý trung tâm tiếng Anh và thỉnh thoảng đứng lớp ở Cao đẳng Y dược Hà Nội theo hợp đồng.

“Sắp tới học cao học, em sẽ rút bớt công việc ở trung tâm tiếng Anh để tập trung học và đi dạy tích lũy kinh nghiệm. Ước mơ lớn nhất của em là trở thành giảng viên có thể truyền cảm hứng Triết học tới sinh viên”, Trang chia sẻ.

Anh Phạm Minh Hoàng, nghiên cứu sinh khoa Triết học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, người có nhiều ảnh hưởng đến Trang, đánh giá Trang rất năng động. "Trong học tập và nghiên cứu khoa học, em ấy cầu thị và chăm chỉ. Những thành tích Trang đạt được xứng đáng với nỗ lực của em", anh Hoàng nói.

Video: Nữ thủ khoa 30 điểm vừa đi học vừa rửa bát thuê

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn