• Zalo

Nữ thí sinh thi đại học với bác sĩ kề bên

Giáo dụcThứ Năm, 05/07/2012 10:02:00 +07:00Google News

(VTC News) – Trước ngày thi, Thư đến viện cắt bỏ ruột thừa. Tuy nhiên, với nghị lực của mình, em quên đi cơn đau thể xác để phấn đấu hoàn thành nguyện vọng.

(VTC News) – Trước ngày thi, Thư đã phải đến viện cắt bỏ ruột thừa. Tuy nhiên, với nghị lực của mình, em quên đi cơn đau thể xác để phấn đấu hoàn thành nguyện vọng.

Đó là trường hợp của em Nguyễn Minh Thư (SN 1994) thí sinh tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh – Nghệ An). 

Thư vào phòng thi bằng xe lăn 

Ông Nguyễn Cảnh Thành (bố em Thư) kể lại, trước kỳ thi ít ngày, Thư có biểu hiện đau bụng đi ngoài nhưng gia đình nghĩ rằng em bị đau bụng do ăn uống, mua thuốc về uống thấy đỡ đau.

Sáng ngày 3/7, trước khi đến điểm thi làm thủ tục, Thư tiếp tục đau bụng râm râm. Khoảng 11 giờ thì đau nhói hơn, kèm biểu hiện sốt nhẹ và đầy hơi. Gia đình lo lắng vội đưa em đi siêu âm, kết quả chẩn đoán mỗi nơi khác nhau, nơi cho rằng em bị ruột thừa, nơi lại kết luận chưa rõ ràng. 

Để yên tâm, đầu giờ chiều cùng ngày, Thư được đưa đến bệnh viện giao thông miền Trung đóng trên địa bàn TP Vinh để kiểm tra lại. Tại đây được bác sỹ Ngọc trực tiếp khám, kiểm tra và kết luận, Thư bị đau ruột thừa và đang có biểu hiện xung huyết, cần mổ khẩn cấp. 

Sau khi nghe bệnh án, gia đình như rụng rời chân tay vì ngày thi đã cận kề, 12 năm đèn sách chỉ mong con đạt được kết quả tốt trong kỳ thi lần này. Nhưng sức khỏe là trên hết, ca mổ được quyết định thực hiện vào lúc 15 giờ cùng ngày.

Sợ con lo lắng, mẹ Thư động viên, thi hai khối (khối A khoa kinh tế xây dựng Trường ĐH giao thông vận tải Hà Nội và khối B vào trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội - PV), vào sư phạm theo nghiệp của mẹ có khi lại hay. Còn ông Thành nhìn ánh mắt đượm buồm của con gái như thấu hiểu suy nghĩ, ông động viên “con cứ mổ đi, mổ xong ta đi thi”.

Đến 17 giờ, ca mổ thực hiện thành công, nhưng vì Thư được tiêm thuốc mê nên em vẫn nằm lịm trên giường. Phải đến 23 giờ, Thư mới tỉnh lại, ánh mắt đảo khắp phòng bệnh rồi bật khóc nức nở. Không ai nói ra nhưng mọi người đều hiểu, Thư đối mặt với sự thật không thể tham dự thi.

“Trước khi ca mổ được tiến hành, tôi nói bừa cho cháu yên tâm chứ mổ xong sức khỏe yếu còn thi cử gì nổi. Mổ xong thì ngủ thiếp, lúc cháu tỉnh dậy không hỏi han bố mẹ, chỉ bật khóc khiến tôi cũng đau lắm” – ông Thành nhớ lại.

Do vết thương mới, Thư tỏ vẻ đau đớn nên tiếp tục được tiêm thuốc giảm đau và chuyền. Khoảng 3 giờ sáng ngày 4/7, Thư thức giấc, hai hàng nước mắt cứ chảy đầm đìa trên má, những tiếng nấc trong đêm tĩnh lặng làm các bệnh nhân nằm cùng phòng cũng bị đánh thức.

Lần này Thư quay sang nói với bố, con sẽ đi thi. Gia đình động viên Thư tập trung điều trị, nếu cố gắng thì khối B mới thi, nếu không sang năm cũng được. Nhưng những lời gia đình khuyên can bao nhiêu thì nước mắt Thư tuôn trào bấy nhiêu. Nó như lời dồn ép gia đình, phải chiều theo nguyện vọng của con.

6h kém, ông làm thủ tục xin cho Thư được ra ngoài và đưa em đến điểm thi với chiếc xe lăn. Với tình trạng sức khỏe của Thư, lãnh đạo điểm thi buộc gia đình phải viết cam kết, khoảng gần 2/3 thời gian đầu tuyệt đối gia đình không được có hành vi vào trường trái phép, khoảng thời gian này Thư cũng không được ra ngoài mà sẽ được bác sĩ trong trường hỗ trợ nếu phát sinh hậu ca mổ.

Con ngồi thi trong nhưng gia đình ngồi ngoài tâm trạng hồi hộp không kém, nếu không muốn nói là quá căng thẳng. 5 phút, 10 phút rồi 30 phút trôi qua. Cho đến hết 2/3 thời gian đầu, những thí sinh đầu tiên bước ra khỏi cổng nhưng Thư vẫn chưa ra thì gia đình mới nhẹ đi phần nào tâm lý.

Phải đến gần hết thời gian làm bài, Thư ra ngoài trên chiếc xe lăn với sự hỗ trợ cán bộ coi thi, nét mặt rạng ngời. Chiếc xe ô tô đậu bên ngoài vội đưa em quay trở về bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra.

Sau mỗi buổi thi, Thư lại đưa về bệnh viện điều trị 

Môn thi Lý buổi chiều không thuận lợi như môn Toán. Thư phải cần đến sự hỗ trợ khẩn cấp của bác sĩ ở phút 60, một liều thuốc giảm đau để em tiếp tục gắng gượng quãng thời gian còn lại.

Và đến sáng hôm nay ở môn thi Hóa cuối cùng, Thư một lần nữa quên đi cơn đau thể xác để hoàn thành nguyện vọng vào khoa kinh tế xây dựng Trường ĐH giao thông vận tải Hà Nội.


Hồng Thắng
Bình luận
vtcnews.vn