Tưởng chừng đó sẽ là điều hi hữu ở một trường đại học quốc tế - nơi vẫn được biết đến là trường học của “con nhà giàu”. Nhưng đây lại là câu chuyện có thật về cô bạn Phạm Thị Thùy Linh (1993) - sinh viên năm 2 chuyên ngành Quản trị kinh doanh (QTKD), Đại học Greenwich (Việt Nam)...
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 chị em tại vùng quê Xuân Trường – Nam Định, có bố mẹ lao động tự do, cũng giống như bao cô bé thôn quê khác, Linh đã sớm tiếp xúc với công việc đồng áng ngay từ khi còn nhỏ.
Linh lớn lên qua những ngày theo mẹ ra đồng gieo mạ, gặt lúa. Ngày bố Linh đi chạy xe gom rác hay tháo dỡ công trình, Linh không ngại khó, vẫn đi đẩy xe rác và phụ giúp bố.
Dù cho bố mẹ luôn nhắc nhở việc học là ưu tiên hàng đầu, nhưng Linh luôn đau đáu giúp bố mẹ và lo cho 2 em.
Cô bạn tâm sự: “Ngày ấy mình chỉ nghĩ đơn giản rằng, được đỡ đần bố mẹ, được ở bên bố mẹ thì chắc chắn sẽ có niềm vui, bố mẹ đỡ vất vả, mình cũng thấy hạnh phúc nhiều”.
Tuổi mới lớn, cũng đầy mộng mơ và hoài bão như bao thiếu nữ, Thùy Linh ước mơ sẽ được bay thật cao, đi thật xa đến khắp mọi nơi trên thế giới.
Nhắc về ngày thơ ấu ấy của mình, cô bạn hoài niệm: “Ngày xưa cứ mỗi lần xóm mình mất điện, 3 chị em mình lại rủ nhau trèo lên mái nhà hóng gió. Bất giác lại nhìn thấy những chiếc máy bay nhỏ bé trên bầu trời rộng lớn, mình luôn ước ao tương lai sau này sẽ được ở trên những chuyến bay ấy và đi đến bất cứ nơi nào”.
Và cũng từ ước mơ ấy, hình ảnh chiếc máy bay đã đi sâu vào tiềm thức của Linh như những điều thân thuộc nhất. Cứ mỗi lần ngước nhìn máy bay trên nền trời, cô bạn đều hét thật to những lời gửi gắm về ước mơ của mình, như là đang chuyện trò cùng người bạn thân quen.
Những tưởng giấc mơ ngây thơ của Linh sẽ chỉ gói ghém trong một góc nhỏ kí ức, vậy nhưng việc trở thành 1 trong 2 đại diện Việt Nam được Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế cử sang Nhật tham gia Hội nghị International Youth Exchange 2010 đã đánh dấu mốc to lớn trong cuộc đời Thùy Linh.
Lần đầu tiên cô được cất bước chân ra khỏi quê nhà. Lần đầu tiên cô được gặp những người bạn quốc tế. Lần đầu tiên cô được đặt chân đến một đất nước văn minh, hiện đại, nơi mà cô chưa từng nghĩ đến, kể cả trong giấc mơ.
Và cũng là lần đầu tiên, cô thực hiện được giấc mơ nhỏ bé của mình: được bay trên bầu trời và đi đến một miền đất mới.
Nhớ lại dấu mốc quan trọng ấy, cô gái xinh đẹp này xúc động: “Người ta đi từ thành phố ra ngước ngoài, là đi từ một nơi rộng mở đến một nơi rộng mở hơn. Còn mình, đi từ vùng thôn quê đến một đất nước hoàn toàn hiện đại, văn minh và giàu có. Từ đó mình đã nhận ra nhiều điều hay, mới và lạ, khát khao thay đổi cuộc đời cũng bừng cháy hơn”.
Cũng chính từ dấu mốc quan trọng đó, Thùy Linh càng có định hướng rõ ràng hơn cho tương lai của mình.
Ngày thi đại học, Linh quyết định chọn chuyên ngành Du lịch hệ cao đẳng với mong muốn sau này được đi đây đi đó. Vậy nhưng khi bước vào giảng đường, Linh nhận ra rằng những bài giảng trên lớp mình tiếp thu khá thụ động, cũng không nhận được nhiều hỗ trợ từ thầy cô và các bạn cho các bài tập về nhà.
Học xong, Linh bắt đầu làm hướng dẫn viên du lịch. Quả thực, đi càng nhiều nơi, tiếp xúc với các nhiều con người, đặc biệt là những vị khách nước ngoài, Linh nhận ra bản thân mình còn quá bé nhỏ so với thế giới rộng lớn kia, Linh mong muốn cuộc đời mình phải thay đổi nhiều hơn nữa.
Chính từ quyết tâm ấy, Thùy Linh đã đi đến một bước ngoặt ngoạn mục khi quyết định học lại Đại học và lựa chọn trở thành sinh viên Đại học Greenwich (Việt Nam).
Cô bạn xinh đẹp chia sẻ: “Thời gian đó mình khá phân vân trong việc chọn trường, chọn ngành vì thực sự muốn lựa chọn một môi trường có thể hỗ trợ mình tiến xa hơn để thực hiện mọi hoài bão.
Rất may ở thời điểm đó mình có bố mẹ nuôi người Úc tư vấn và động viên, bố mẹ bảo rằng: ‘Nếu con thực sự muốn thay đổi cuộc sống, con hãy chọn một chương trình đại học quốc tế, chỉ như vậy con mới có thể thực sự thay đổi và có cơ hội bước ra thế giới’.
Sau thời gian dài tìm hiểu và cân nhắc, mình cũng phân vân rồi tính toán kỹ lưỡng vì phải tự chi trả học phí là một thách thức lớn với bản thân mình. Nhưng mình thực sự thôi thúc phải thay đổi và quyết tâm thực hiện giấc mơ này”.
Trở thành sinh viên chuyên ngành QTKD của Đại học Greenwich (Việt Nam) Thùy Linh đã thực sự thay đổi, trưởng thành trong tư duy và cách sống.
Xác định bản thân sẽ tự trang trải học phí trong 3 năm học tại Greenwich, Linh đi làm thêm tại một nhà hàng Nhật Bản và học thêm tiếng Nhật để mở rộng vốn ngoại ngữ.
Bước vào môi trường đại học mới, Linh nhật ra rằng học tập chính là con đường thẳng và ngắn nhất để gặt hái thành công. Cũng chính tại đây, cô bạn học được cách tạo dựng mối quan hệ, xây dựng được hình ảnh bản thân và có trách nhiệm với ước mơ và lý tưởng sống của chính mình.
Đến nay, khi đã đặt chân qua nhiều đất nước, bản thân Linh ngày càng học hỏi được nhiều điều. Cô bạn ý thức được giá trị và sứ mệnh bản thân đối với quê nhà: “Chỉ có việc học tập và khám phá nhiều nơi mới có thể giúp chúng ta thay đổi và thành công hơn trong cuộc sống.
Chính bản thân mình đã trải qua và thực sự thay đổi và gặt hái được nhiều điều như ngày hôm nay, tại sao các bạn khác lại không chứ? Mình hi vọng rằng câu chuyện của mình sẽ là động lực, nguồn cổ vũ to lớn, khơi dậy đam mê và nhiệt huyết trong mỗi bạn trẻ quê nhà để các bạn ấy nhận ra tầm quan trọng của việc học hành.”
Ước mơ không là của riêng ai, con đường của Phạm Thị Thùy Linh và rất nhiều bạn trẻ thành công khác đã minh chứng điều đó, vậy nên những người trẻ đang sống trong thời buổi hội nhập không có lý do gì để chối bỏ, chôn vùi giấc mơ của mình.
Linh hiện đang bước vào kỳ thực tập tại doanh nghiệp On-the-job training tại Đại học Greenwich (Việt Nam) và dự định sau khi tốt nghiệp sẽ mở một đại lý du lịch nhỏ của riêng mình.
Bình luận