• Zalo

Nữ sinh tươi rói giành giải nhất quốc gia môn Văn

Giáo dụcThứ Sáu, 01/02/2013 07:55:00 +07:00Google News

Bất ngờ với giải nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cô nữ sinh trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)chia sẻ muốn trở thành công an hoặc luật sư.

Bất ngờ với giải nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cô nữ sinh trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ, dù biết luật sư và công an là hai nghề "không đơn giản", nhưng em vẫn quyết tâm lựa chọn.




Mơ thành luật sư hoặc công an


Đến tối 30/1, Hà Thị Hoàng Oanh - học sinh lớp 12C trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) vẫn bất ngờ trước thành tích mình đạt được. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, Hoàng Oanh đã giành giải nhất môn Văn với 16,5 điểm.

Hoàng Oanh cho biết trong quá trình học tập đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trước khi thi hai ngày Oanh đã bị cảm. Tuy nhiên với nỗ lực hết mình, Hoàng Oanh đã chứng tỏ được khả năng và không phụ công những người luôn ở bên cạnh, giúp đỡ, động viên.
 Hà Thị Hoàng Oanh.
Đối với đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn năm nay, câu nghị luận xã hội về vấn đề: “Mỗi con người sinh ra đều có sự bình đẳng, nếu có sự khác biệt là do học vấn”, Oanh cho biết em rất thú vị với đề thi này.

Bài làm của em chia thành ba phần: giải thích khái niệm học vấn và thể hiện quan điểm đồng tình với nhận định trên, chứng minh thông qua việc nêu những biểu hiện học vấn đã tạo nên sự khác biệt giữa con người với con người, con đường và phương pháp chiếm lĩnh học vấn;  phản biện với quan điểm nhiều khi điều tạo nên sự khác biệt ấy không phải là học vấn mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đôi khi chính học vấn đã làm mờ đi sự khác biệt đó.


Với lối triển khai bài rất hợp lý, đầy đủ và sâu sắc, bài thi này giúp em đạt được 16,5/20 điểm.

Sắp tới, với thành tích nổi bật của mình, Hà Thị Hoàng Oanh sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để hoàn thành ước mơ trở thành luật sư hoặc công an tương lai.

Theo chia sẻ của Oanh, đây là hai nghề “không hề đơn giản”, nhưng đó là niềm đam mê, yêu thích của em ngay từ nhỏ. Vì vậy, cô bé 17 tuổi này cũng rất quan tâm đến những vấn đề nóng của xã hội như nạn bạo lực học đường, hay việc một bộ phận giới trẻ có những hành vi phi văn hóa khi sử dụng mạng xã hội.

Ủng hộ phát ngôn cẩn trọng khi lên mạng xã hội

Trong thời gian qua, dư luận đã lên án rất nhiều bạn trẻ sử dụng mạng xã hội để thóa mạ, xúc phạm thầy cô. Những hành động này Hoàng Oanh kịch liệt phản đối: “Mạng xã hội là nơi chia sẻ những cảm xúc cá nhân của mình nhưng đó cũng không phải là nơi để mình muốn làm gì thì làm. Các bạn cũng cần phải biết tiết chế cảm xúc không nên phát ngôn tùy tiện”.

Là một cô bé 17 tuổi, Hoàng Oanh cũng rất thích sử dụng mạng xã hội để có thể trò chuyện cùng bạn bè, chia sẻ những thông tin về cuộc sống, việc học hành. Nhưng cô bạn cũng rất ủng hộ việc làm của trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) khi đưa ra quy định dành cho học sinh khi sử dụng mạng xã hội.
Hoàng Oanh thường sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, trò chuyện cùng bạn bè. 

Hoàng Oanh chia sẻ: “Lứa tuổi học sinh còn rất trẻ con, bồng bột và chưa suy nghĩ chín chắn, vì vậy các thầy cô nên có biện pháp để giáo dục, hướng dẫn các bạn để hạn chế những việc làm sai trái”.


Tuy nhiên, nhà trường cần phải có những quy định, lời khuyên khi cho học sinh khi sử dụng mạng xã hội nhưng nên sử dụng cách thức mềm dẻo để tránh tình trạng học sinh “phản đối ngầm”,  và để sau khi ra trường những bài học đó vẫn còn giá trị.

Hiện nay, trường THPT chuyên Phan Bội Châu tuy chưa có quy định này nhưng theo Oanh trong tương lai gần nhà trường cũng sẽ đưa ra những hướng dẫn, lời khuyên đối với học sinh khi sử dụng mạng xã hội.  

Lo lắng về bạo lực học đường

Bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong các nhà trường phổ thông và thậm chí ngay tại giảng đường đại  học. Vấn nạn này đang khiến toàn xã hội “đau đầu” tìm cách giải quyết.

Hoàng Oanh thể hiện niềm vui và tự hào khi được trải qua thời học sinh trong môi trường sư phạm an toàn và lành mạnh tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Tự hào vì được học tập trong môi trường an toàn và lành mạnh. 
Tuy nhiên, khi chuẩn bị bước vào giảng đường đại học, Oanh không khỏi lo lắng về vấn nạn này, bởi từ nhỏ đến giờ nữ sinh này luôn được sống trong sự bao bọc của gia đình và nhà trường.

Oanh nhận thức được rằng vốn sống, kinh nghiệm, hiểu biết của mình còn hạn chế, hơn nữa trong môi trường mới chắc chắn sẽ có những tình huống bất ngờ  xảy ra không thể lường trước được. Vì vậy, cô bạn lo lắng "Liệu rằng những tình huống như vậy có xảy đến với mình hay không? Khi gặp hoàn cảnh đó mình sẽ xử lý như thế nào?".

Chính vì vậy, Hoàng Oanh cho rằng: “Nhà trường vẫn nên tổ chức những buổi ngoại khóa về nạn bạo lực học đường, trong đó cần chỉ ra cho các bạn học sinh những biểu hiện, dẫn chứng của vấn nạn này trong xã hội, đồng thời phổ biến cho các bạn hiểu về nguyên nhân và biện pháp xử lý khi gặp phải những gặp trường hợp này”.

Với ước mơ được trở thành luật sư hoặc một nữ công an, cô bạn hy vọng có thể góp sức cùng các nhà trường xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
Hoàng Oanh bắt đầu theo đuổi môn Văn từ năm lớp 9, khi đó cô giáo dạy Văn - cũng là chủ nhiệm đã chọn em vào đội tuyển của trường đi thi cấp thành phố. Mặc dù không được chọn vào đội tuyển văn của tỉnh nhưng đây cũng chính là thời điểm cô bạn bộc lộ khả năng và niềm đam mê đối với môn học này.

Văn học không chỉ là niềm đam mê của Oanh mà còn đem đến cho em những kiến thức phong phú về cuộc sống con người qua các chặng đường, biến đổi của dân tộc và thế giới. Môn học này còn làm cho tâm hồn em trở nên bay bổng, yêu đời hơn. Đặc biệt, môn văn còn giúp Oanh trưởng thành hơn, biết cân nhắc suy nghĩ trước khi hành động, và đưa ra những quyết định quan trọng.

Oanh cho biết, trong số hàng ngàn các tác giả văn học, cô bạn bị cuốn hút bởi văn phong nhẹ nhàng, nhưng lại đẫm chất triết lý về cuộc sống của Nguyễn Minh Châu. Không những thế, những tác phẩm của ông còn đem lại cho em cái nhìn sâu sắc và nhân văn về đất nước và con người Việt Nam sau giải phóng miền Nam (1975).

Theo An Hoàng /Infonet

Bình luận
vtcnews.vn