Hồi cuối tháng 4, vài ngày sau khi cách ly tại ký túc xá một trường đại học ở Thượng Hải, Jenny Zhang và các bạn bị cắt nước sinh hoạt. Sau đó, Zhang và các sinh viên cùng tầng được thông báo họ phải sử dụng chung nhà vệ sinh và nhà tắm. Nước uống cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Dù khát tới đâu, Zhang - cô sinh viên năm 4 cũng chỉ dám nhấp vài ngụm nhỏ trong chai nước 500 ml.
Zhang cố gắng phán ảnh điều này với quản sinh của trường nhưng bị các bạn cùng phòng ngăn lại. Một số có chai nước lớn hơn, đỡ tuyệt vọng hơn nói quản sinh không có nghĩa vụ phải đối xử đặc biệt với Zhang.
Hai ngày sau, Zhang bắt đầu cảm thấy khát tới mức không thể chịu nổi. Các sinh viên sống cùng tầng với cô suy sụp vì căng thẳng. Một sinh viên nhắn tin vào nhóm chat rằng cô ấy sẽ cầm dao vào phòng tắm và cảnh báo sẽ đâm bất cứ ai ngăn mình tắm vào nửa đêm.
Một sinh viên khác dọa đốt tòa nhà, nói rằng hỏa hoạn là cách duy nhất để mọi người có thể thoát khỏi ký túc.
"Nếu ai đó đốt ký túc, chúng tôi có thể chết vì nhà trường không cho chúng tôi ra ngoài. Nhưng tôi thậm chí còn không thấy buồn vì ở thời điểm đó, tôi cũng không muốn sống nữa", Zhang chia sẻ.
Trên khắp Thượng Hải, các câu chuyện tương tự được tiết lộ sau khi thành phố 25 triệu dân kết thúc đợt phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài hai tháng.
Người dân thành phố này đang dần trở lại nếp sống bình thường khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát, nhưng những gì mà họ trải qua trong nhiều tuần qua khiến nhiều người, trong đó có Zhang bị ám ảnh.
Zhang nhớ vào thời điểm đỉnh dịch, một số bạn bè của cô học tại các trường khác nói họ phải ở trong ký túc hơn một tuần mà không được phép tắm. Thời điểm đó, Zhang vẫn được phép đi lại tự do, tắm trong nhà tắm công cộng và sử dụng nhà vệ sinh chung.
Tới 22/4, cô được thông báo phải ở yên trong tòa nhà vì trường vừa có một sinh viên dương tính với nCoV.
“Chúng tôi thực sự bị sốc. Không ai trong chúng tôi được phép ra khỏi tòa nhà trong vài tuần”, cô nói.
Vào tháng 5, khi Thượng Hải nới lỏng các biện pháp chống dịch, Zhang nghĩ ngay tới việc rời đi.
Cô dễ dàng kiếm được vé tàu về nhà nhưng việc rời đi không đơn giản. Để lên được tàu, Zhang phải viết đơn xin, nộp bản sao vé tàu và gửi cho trường xác nhận từ chính quyền địa phương cho phép cô trở về. Nữ sinh này cũng phải trình bản sao giấy thông hành mà chính phủ cấp cho chiếc taxi chở cô ra ga.
Sau quá trình vật lộn với núi giấy tờ, Zhang trở về quê nhà vào giữa tháng 5. Đêm trước khi rời ký túc, cô căng thẳng vì nghe nhiều người nói chỉ có xe không có hành khách mới được ra đường.
Giữa đêm đó, một sinh viên nhắn tin trên nhóm chat của Zhang kể lại chuyện mình đạp xe tới ga xe lửa cách trường 28 km nhưng bị cảnh sát chặn lại và yêu cầu trở lại trường.
Những thông tin đó làm Zhang lo lắng nhưng hành trình của cô lại suôn sẻ một cách đáng kinh ngạc. Trong lúc bắt xe ra ga, cô chỉ dừng lại ở một chốt kiểm soát. Tới giờ, khi nhớ lại, Zhang vẫn cảm thấy may mắn vì đã vượt qua được thời điểm khó khăn lúc bấy giờ.
Bình luận