Trúc Linh vừa trở thành tân sinh viên trường Dược ở Đại học Texas ở Austin (The University of Texas at Austin College of Pharmacy).
Theo đuổi ngành Dược là điều bất ngờ với người thân và bạn bè, và với chính bản thân Linh. Năm 2017, khi vừa bước vào lớp 11 ở Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), Linh có cơ hội tham dự chương trình trao đổi học sinh tại Mỹ.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, nữ sinh dần hòa nhập và yêu thích môi trường học tập tại đây. Vì thế, Linh quyết định xin gia đình để tiếp tục ở lại Mỹ, hoàn thành bậc THPT tại Central High School.
Điều ấn tượng nhất với Linh khi đó là học sinh được định hướng lựa chọn nghề nghiệp từ rất sớm và khá rõ ràng, trong khi thời điểm mới sang, bản thân Linh cũng chưa có định hướng cụ thể về nghề nghiệp trong tương lai.
“Ngay từ lớp 9 các bạn đã suy nghĩ đến việc sau này làm gì. Các môn học ở Mỹ luôn gắn liền với thực tế, cho học sinh tham gia trải nghiệm hay thực tập làm một công việc cụ thể” - Linh cho biết.
Năm 2018, nhận thấy bản thân lợi thế về môn Toán và Hoá học nên Trúc Linh quyết định nộp hồ sơ vào chuyên ngành Hóa Sinh và nhận được học bổng hỗ trợ một phần học phí tại Đại học Bang Washington (Washington State University - WSU).
Sau năm thứ Nhất tại WSU, Linh xác định rõ ràng sẽ theo đuổi ngành Dược. Vì thế, nữ sinh đẩy nhanh tốc độ học hành để tốt nghiệp sớm, đặt mục tiêu đạt điểm trung bình tích lũy (GPA) cao.
“Kỳ nào em cũng đăng ký 18 tín chỉ, học xuyên suốt các mùa hè. Bên cạnh đó em còn làm trợ giảng môn Toán và tham gia nghiên cứu khoa học về thuốc, tế bào ung thư tuyến tuyền liệt trong phòng thí nghiệm của một giáo sư trong trường”, Linh chia sẻ.
Mặc dù vậy, Linh vẫn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng như làm Chủ tịch Hội Sinh viên người Việt ở WSU, tình nguyện viên tại bệnh viện, làm thêm tại hiệu thuốc…
Nhớ lại thời đại học, Linh cho biết thời gian biểu luôn kín lịch. Em thường tranh thủ ghi nhớ bài từ trên lớp, tối về sẽ xem lại và đọc thêm để nhớ lâu hơn.
Đầu tư cho bài luận
Nhờ sự nỗ lực, Trúc Linh đạt điểm GPA 3.8/4.0 sau 3 năm học và tốt nghiệp sớm ở WSU.
Tháng 11/2020, Linh gấp rút hoàn thiện hồ sơ để gửi đến các trường Dược trước kỳ học mới. Ngoài 3 thư giới thiệu từ các giáo sư, dược sĩ từng có cơ hội cộng tác, Linh cho rằng bài luận chính là điểm nhấn quan trọng nhất để thuyết phục hội đồng tuyển sinh.
“Lý do em chọn học ngành Dược là xuất phát từ mong muốn giúp mọi người hiểu rõ về thuốc, cách sử dụng thuốc như thế nào để mang lại hiệu quả tốt hơn. Và em giải thích tại sao chọn ngành này chứ không phải bác sĩ hay điều dưỡng. Ngoài ra, em đề cập cả những khó khăn gặp phải, cũng như bản thân đã tìm cách vượt qua như thế nào” - Linh cho biết.
Theo Linh, nếu ứng viên không mạnh về điểm GPA thì càng cần đầu tư thật nhiều cho bài luận. Các trường xét hồ sơ không chỉ nhìn vào điểm mà đánh giá toàn diện các mặt khác để xem ứng viên có hội tụ đủ các tố chất phù hợp hay không.
Bên cạnh đó, chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn cũng là cách để tạo ấn tượng tốt cho ban tuyển sinh, là cơ hội để mình “phô” ra những điểm mạnh, tự tin thể hiện bản thân.
"Đa số giáo sư thường đưa ra những câu hỏi như: Tại sao bạn chọn trường này? Tại sao bạn học ngành này?,…. Đặc biệt, sẽ có một vài câu hỏi tình huống đưa ra để đánh giá cách bạn xử lý và khắc phục như thế nào..." - Linh nhớ lại.
Đầu năm 2021, Trúc Linh nhận được tin vui khi có 4 trường chấp nhận cho em theo học ngành Dược là: University of Texas Austin College of Pharmacy, Washington State University, Oregon State University, University of Washington College of Pharmacy. Trong đó, có 2 trường cấp học bổng 50%.
Cuối cùng, Linh quyết định chọn học tại trường Dược của Đại học Texas tại Austin mặc dù không có học bổng bởi nhận thấy có nhiều dự án nghiên cứu phù hợp với định hướng của mình. Cũng bởi vì thế, Linh vừa đi học vừa đi làm thêm để trang trải phần nào chi phí học tập và sinh hoạt.
Trải qua gần 2 tháng học tập đây, Linh chia sẻ: “Em không gặp quá nhiều khó khăn nhờ nền tảng vững chắc từ thời đại học. Thời gian đầu là ôn tập lại các kiến thức đại cương về Hoá học, Sinh học”.
Nữ sinh tự tin sẽ chinh phục được ước nguyện trở thành Dược sĩ.
Bình luận