Đằng sau những câu chuyện thương tâm của các bệnh nhân tâm thần vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường thấp thoáng nguyên nhân do sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ khi muốn con mình trở thành ngôi sao.
Mùa thi sắp tới, áp lực đang đè nặng lên vai các sĩ tử đặc biệt là học sinh cuối cấp. Để chuẩn bị cho những kỳ “vượt vũ môn” quan trọng, các em phải gánh một lịch học dày đặc nặng nề. Nhiều trường hợp do không chịu được áp lực học tập khiến các em mắc phải chứng rối loạn thần kinh, thậm chí còn dẫn tới hành động dại dột như tự tử.
Để làm rõ nguyên nhân của những trường hợp này cũng như biện pháp giúp các sĩ tử vượt qua áp lực mùa thi, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng T4 (Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai).
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng |
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết các trường hợp đến với Viện sức khỏe tâm thần do áp lực học tập đều mắc phải những rối loạn về cảm xúc. Các cháu thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, lo lắng bất an kéo dài.
Tại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 150-200 trường hợp đến khám, xin tư vấn và điều trị tại bệnh viện. Trong số đó, 5-10% buộc phải nhập viện điều trị vì áp lực học tập. Khi nhắc đến bệnh rối loạn thần kinh của sĩ tử trước mùa thi, bác sĩ Dũng, đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân. Ở lứa tuổi vị thành viên, tâm lý rất dễ thay đổi khi gặp sang chấn. Nếu được người nhà tư vấn tốt, các cháu sẽ được định hướng vào một guồng quay tốt. Ngược lại, nếu tư vấn không tốt sẽ dẫn đến hậu quả khó lường Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng
Thứ nhất do áp lực học tập của các em quá lớn, lịch học dồn dập không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi dẫn tới tình trạng suy kiệt của cơ thể.
Thứ hai chính bản thân gia đình, nhà trường và những người xung quanh tạo cho các em tâm lý ngôi sao bằng cách luôn ca ngợi học giỏi, đặt niềm tin, sự kỳ vọng quá lớn vào các em. Điều đó cũng tạo ra áp lực về mặt tinh thần, ảnh hưởng không tốt đến quá trình học tập trước khi thi.
Trường hợp của Thu Vân mà chúng tôi đã từng đề cập là một trong những dẫn chứng tiêu biểu của nguyên nhân này.
Thứ ba, thể trạng yếu cũng khiến các sĩ tử không đủ sức khỏe về tinh thần để vượt qua áp lực thi cử, và những cú sốc tinh thần trong giai đoạn trước khi thi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các học sinh trước khi thi thường bị stress, thậm chí có biểu hiện mệt mỏi, sợ học, chán nản.
Thứ tư, nếu không xây dựng được phương pháp học tập hợp lý, cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi cũng khiến các em trở nên căng thẳng.
Như vậy, nếu áp lực học tập quá lớn, kèm theo sức khỏe yếu, phương pháp học tập không đúng cách có thể khiến nhiều sĩ tử nhập viện vì những biểu hiện của bệnh tâm thần.
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn tâm thần của học sinh. |
Trường hợp của nữ sinh V. nhập viện do áp lực học tập kết hợp với nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình khó khăn, V. từng phải xin hoãn đóng học phí và bị bạn bè trong lớp bàn tán, chê cười. Chính tác động này đã khiến em không vượt qua được căng thẳng trong quá trình học tập và dẫn tới bị rối loạn tâm thần.
Đặc biệt, bác sĩ cũng lưu ý gia đình, khi phát hiện con mình có biểu hiện của chứng rối loạn tâm thần vì áp lực học tập phải đưa các cháu đến địa chỉ tin cậy bởi nếu bác sĩ tuyển đầu điều trị không đúng phương pháp sẽ dẫn đến nhiều biến chứng bất lợi cho bệnh nhân.
Tiêu biểu, trường hợp của em T. (học sinh lớp 11, Quảng Ninh) sau khi có những biểu hiện bất thường về tâm lý, gia đình lại đưa em đi đến bác sĩ đa khoa. Họ không tư vấn mà chỉ cho uống một lượng thuốc ngủ quá lớn khiến đến nay, sau khi đã điều trị được 2 tuần T. vẫn trong tình trạng mất kiểm soát về tâm lý và hành vi.
Lời khuyên của chuyên gia
Trước những phân tích về nguyên nhân dẫn tới rối loạn tâm lý do áp lực học tập, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng khuyên các sĩ tử cần tạo phương pháp học tập đúng, phải có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi để cân bằng trạng thái tinh thần, tránh căng thẳng kéo dài.
Ngoài ra, chế độ ăn hợp lý, đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu cũng là điều các bạn cần lưu ý. Bởi nếu có được thể trạng khỏe mạnh, các sĩ tử sẽ dễ dàng vượt qua được những áp lực về mặt tinh thần.
Bác sĩ Dũng nhấn mạnh: “Các em tuyệt đối không nên sử dụng những chất kích thích trong thời gian ôn thi”. Đây là lời khuyên các sĩ tử cần lưu ý bởi nhiều bạn để có thể tỉnh táo thức đêm học tập đã liên tục sử dụng cà phê, trà đặc – những thức uống có chất kích thích ảnh hưởng không tốt đến thần kinh.
Về phía giáo viên, nhà trường, bác sĩ cho rằng không nên tạo áp lực học tập, thi cử quá lớn đối với các em học sinh bằng việc bắt học triền miên, bài vở chồng chất. Đồng thời các thầy cô cần phải theo dõi, phát hiện khi học sinh có dấu hiệu mệt mỏi giữa giờ, ngủ nhiều hoặc không làm bài tập cần tư vấn với gia đình để có biện pháp điều trị.
Về phía gia đình, cha mẹ cần có phương thức để giáo dục con cái hợp lý, không nên tạo áp lực khi nâng con thành “ngôi sao”. Đồng thời, cha mẹ cần theo dõi nếu thấy con quá mệt mỏi thì phải dừng việc học tập ngay lập tức. Đặc biệt khi các cháu có biểu hiện mất ngủ thường xuyên.
Mùa thi sắp đến gần, hy vọng với những phân tích và lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, gia đình và nhà trường sẽ có những biện pháp giáo dục hợp lý, hạn chế tình trạng “chạy sô” đi học của rất nhiều sĩ tử trong thời gian này.
Theo An Hoàng/ Infonet
Bình luận