• Zalo

Nữ sinh hồi phục ngoạn mục sau đột quỵ hiếm gặp, xuất viện về quê đón Tết

Tin tứcThứ Bảy, 03/02/2024 20:46:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau 10 ngày điều trị và chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Quân Y 175, nữ sinh 18 tuổi hồi phục sau đột quỵ hiếm gặp, được xuất viện về quê ăn Tết.

Tối 3/2, Bệnh viện Quân Y 175 cho biết, bệnh nhân 18 tuổi bị túi phình động mạch não gây đột quỵ hiếm gặp đã bình phục.

Sau 10 ngày được điều trị và chăm sóc tích cực tại khoa Nội thần kinh, bệnh nhân hồi phục tốt các triệu chứng, được xuất viện vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, phát âm gần như bình thường, sức cơ nửa người trái cải thiện rõ rệt, tự đi lại được. 

Nữ sinh 18 tuổi hồi phục ngoại mục sau đột quỵ hiếm gặp được xuất viện về quê đón Tết. (Ảnh: BVCC)

Nữ sinh 18 tuổi hồi phục ngoại mục sau đột quỵ hiếm gặp được xuất viện về quê đón Tết. (Ảnh: BVCC)

Theo thông tin từ Bênh viện, bệnh nhân nữ, 18 tuổi, học sinh lớp 12 một trường THPT ở Tây Nguyên, nhập khoa Cấp cứu Bệnh viện Quân y 175 rạng sáng 24/1 trong tình trạng tri giác trì trệ, rối loạn phát âm nặng, yếu nửa người trái không đi lại được.

Sau hàng loạt dữ liệu thu thập từ thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, Bác sĩ Tạ Vương Khoa, phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh chẩn đoán, xác định bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp vùng nhân bèo, bao trong phải giờ thứ 24 do tắc cấp tính động mạch não giữa phải bởi huyết khối xâm lấn từ túi phình động mạch não giữa phải. 

Bác sĩ Tạ Vương Khoa cho biết, do đặc thù về hình thái giải phẫu và tính chất huyết động, huyết khối tự nhiên rất hay thành lập trong các túi phình động mạch não kích thước lớn. Hầu hết huyết khối sẽ ổn định trong lòng túi phình và không gây hậu quả nhưng trong một số trường hợp, huyết khối phóng thích khỏi lòng túi phình đến tắc một động mạch não ở xa, gây xâm lấn làm đột quỵ nhồi máu não.

Theo bác sĩ, trường hợp bệnh nhân được đánh giá là một ca lâm sàng rất hiếm gặp khi kích thước túi phình rất lớn, gần đạt tiêu chuẩn của một túi phình khổng lồ, và cơ chế gây đột quỵ là thuyên tắc huyết khối tại chỗ. Theo tìm hiểu của bệnh viện, y văn trong nước chưa có báo cáo nào về trường hợp tương tự.

Gia đình bệnh nhân hạnh phúc đón người thân hồi phục về ăn Tết.

Gia đình bệnh nhân hạnh phúc đón người thân hồi phục về ăn Tết.

Thời điểm bệnh nhân nhập viện đã quá cửa sổ điều trị tái thông, vì vậy ê-kíp điều trị không đặt ra chỉ định can thiệp nội mạch lấy huyết khối động mạch não giữa bằng dụng cụ cơ học.

Một điều may mắn cho người bệnh là khảo sát DSA (chụp mạch máu não kỹ thuật số xoá nền) và CTP (chụp cắt lớp vi tính tưới máu não) cho thấy tuần hoàn bàng hệ đến cấp máu cho động mạch não giữa phía sau chỗ tắc rất phong phú thông qua các vòng thông nối với động mạch não trước và động mạch não sau cùng bên, phần lớn nhu mô não vì thế vẫn được cung cấp máu đầy đủ.

Qua phân tích, ê-kíp xác định mục tiêu tối quan trọng là phải bảo toàn hệ thống tuần hoàn bàng hệ này bằng điều trị nội khoa.

“Trong cái rủi có cái may, bệnh nhân này có 1 cái rủi và 2 cái may: rủi vì bị đột quỵ nhồi máu não, may vì mạch máu nuôi não có cơ chế tự bù trừ rất tốt, và may vì căn nguyên đã được tự chữa khỏi tự nhiên, thoát khỏi viễn cảnh phải trải qua một cuộc phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch phức tạp và tốn kém xử lý một túi phình động mạch não giữa kích thước lớn trong lòng đang chứa đầy huyết khối”, bác sĩ Khoa chia sẻ.

Một trong những chi tiết mà ê-kíp y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 trực tiếp tham gia chẩn trị ca bệnh khá tâm đắc là chất lượng chẩn đoán, đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh học, đối với một dạng bệnh lý khó và hiếm gặp, nhờ đó thiết lập được chiến lược điều trị chính xác, hiệu quả.

Chỉ trong vòng hơn 24h kể từ thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã được thực hiện gần như đầy đủ loạt xét nghiệm tầm soát dành cho đột quỵ người trẻ như bilan đông máu toàn bộ, siêu âm tim, siêu âm mạch máu hệ thống, siêu âm xuyên sọ (test bọt khí), X-quang ngực, Holter ECG, định lượng protein đông máu di truyền, marker viêm, bilan lipid máu…, đặc biệt là các xét nghiệm hình ảnh học sọ não bao gồm CT/CTA/CTP, MRI/MRA và cả “tiêu chuẩn vàng” chẩn đoán bệnh lý mạch máu não là DSA.

Trịnh Trang
Bình luận
vtcnews.vn