Ngoài thành tích được Cambridge vinh danh Điểm thi cao nhất Việt Nam môn "Quan điểm toàn cầu", An Khanh còn có được những dấu ấn nổi bật như: Điểm thi IELTS 8.0, điểm trung bình năm lớp 11 đạt 9,8 và học kì 1 lớp 12 là 9,9… Bên cạnh đó, An Khanh còn là Phó trưởng ban Tài chính - Từ thiện của Hội học sinh VAS Hanoi.
Môn “Quan điểm toàn cầu” được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nằm trong chương trình Quốc tế Cambridge. Với môn học này, học sinh có cơ hội ứng dụng hoạt động học tập vào bối cảnh thực tế ngoài đời. Môn học này được đánh giá là đầy thử thách và đòi hỏi nhiều kĩ năng của học sinh.
Mục tiêu của môn học không phải là định hướng suy nghĩ của người học giống nhau, mà khuyến khích tư duy rộng mở đối với sự phức tạp của thế giới, khuyến khích sự thấu cảm bằng những trải nghiệm đa dạng.
Vì môn học "quan điểm toàn cầu" nên học sinh cần tôn trọng và sàng lọc cả những ý kiến nhỏ của cộng đồng, đất nước... để có được quan điểm của riêng mình. Học sinh được tiếp cận các lĩnh vực, vấn đề "nóng" như chính trị, tôn giáo, văn hoá, luật pháp, biến đổi khí hậu…
Chia sẻ về môn “Quan điểm toàn cầu” An Khanh cho biết: "Điều em thấy thú vị ở môn học là em được học như tại một trường đại học thực thụ (bài thi viết, dự án, thuyết trình…), do đó lợi ích cho học sinh là được rèn luyện kĩ năng giải quyết vấn đề, sử dụng tiếng Anh thành thạo hơn và đặc biệt là nâng cao tư duy về các vấn đề toàn cầu theo góc nhìn đa chiều".
Để tham gia môn học, trước hết học sinh vẫn phải có nền tảng Tiếng Anh tốt. Không chỉ là Tiếng Anh, mà còn tích hợp với kiến thức xã hội nói chung như Lịch sử, Địa lý… của chương trình Việt Nam. Các môn học đều bổ trợ kiến thức cho nhau.
Trong quá trình học tập, cô gái này cũng thường xuyên rèn luyện tư duy phản biện và phân tích rõ ràng, đồng thời thể hiện được quan điểm, góc nhìn cá nhân thì sẽ dễ dàng đạt được kết quả tốt! Không chỉ từ sách vở, internet, việc tham gia hoạt động tại trường cũng nâng cao tư duy và kĩ năng cho mình. Đó là lí do dù đang trong năm cuối cấp, nhưng An Khanh vẫn ứng cử và trúng tuyển vị trí Phó trưởng ban Tài chính - Từ thiện của Hội học sinh VAS Hanoi. Công việc này giúp nữ sinh Hà thành thể hiện, bảo vệ các quan điểm, dự án, thuyết phục các thành viên và thầy cô...
"Theo em thì kết quả học tập là cả quá trình.Em may mắn vì được đồng hành cùng các thầy cô giáo người nước ngoài của VAS Hanoi trong cả quá trình học chứ không chỉ vì mục tiêu điểm số của kì thi. Khi đánh giá trình độ của một học sinh, người chấm thi sẽ xét cả quá trình học tập trên lớp và khả năng tự nghiên cứu, tìm tòi về đời sống xã hội qua bài luận cá nhân cũng như các dự án nhóm.
Nhờ vậy, dù không có điều kiện thi thuận lợi như mọi năm, em vẫn có thể đạt kết quả như mong muốn trong kì thi vừa rồi", An Khanh vừa cười vừa nói.
Ngoài môn “Quan điểm toàn cầu”, An Khanh và nhiều học sinh trung học của Việt - Úc Hà Nội cũng đạt kết quả ấn tượng toàn diện các môn của Chương trình Cambridge như Toán, Khoa học, Kinh doanh... Hiện có hơn 10.000 trường học tại 160 quốc gia trên thế giới áp dụng Chương trình Cambridge.
Bình luận