- Tình trạng bạo lực học đường hiện nay vẫn xảy ra ở một số địa phương vì vừa qua có rất nhiều trường hợp học sinh đánh nhau với mức độ khiến dư luận rất bức xúc. Thứ trưởng nghĩ gì về điều này?
Có thể nhận thấy tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các em đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ là các em học sinh nam đánh nhau, mà còn xảy ra khá nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, với những cử chỉ thô bạo, nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh thiếu ý thức, vô cảm trước những hành vi bạo lực, không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động để quay video clip và đưa lên mạng xã hội như một sự cổ súy cho những hành vi bạo lực này.
Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc bạo lực xảy ra ở trong và ngoài nhà trường là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh hiện nay.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa
Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc bạo lực xảy ra ở trong và ngoài nhà trường là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh hiện nay.
Những vụ việc đó đã và đang làm đau lòng những người làm giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.
Tình trạng bạo lực học đường làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục, môi trường xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì vậy chúng ta cần phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, hạn chế và tiến tới chấm dứt nó.
Video: Lời kể của gia đình nữ sinh bị bạn đánh, bắt liếm chân
- Nhiều ý kiến cho rằng nhà trường là chưa chú trọng tới giáo dục đạo đức học sinh; thiếu sự sâu sát của giáo viên chủ nhiệm. Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
Bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là các em học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống, chưa có đủ kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày.
Sự thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi, luôn muổn khẳng định mình, cũng có thể dẫn đến những hành vi lệch lạc, thiếu kiểm soát, thiếu kiềm chế.
Nguyên nhân từ giáo dục gia đình. Một số bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những diễn biến tâm lý, tình cảm của con cái để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, hướng con em theo một con đường tốt đẹp.
Nguyên nhân từ phía xã hội. Mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến tâm lý, tình cảm của học sinh, các em rất dễ bị cuốn theo lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu lành mạnh, hành vi bạo lực từ mạng internet, phim ảnh, game online.
Ở một số địa phương, chưa có sự phối hợp, chỉ đạo quyết liệt, huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc trong việc làm trong sạch môi trường xã hội, tấn công tội phạm, ngăn chặn hành vi bạo lực và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là từ giáo dục trong nhà trường. Nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và việc ứng xử với những tình huống cụ thể, phương pháp giảng dạy còn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh.
Phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa chưa phù hợp, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm để giúp học sinh nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, giá trị của sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân, nhận diện và lên án các hành vi bạo lực...
Vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong một số nhà trường chưa được phát huy, giáo viên chủ nhiệm chưa thực sự sâu sát với học trò, chưa thường xuyên liên hệ với gia đình để quản lý, giáo dục học sinh; một số thầy cô giáo cũng chưa thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Bạo lực học đường do nhiều nguyên nhân, diễn ra ở nhiều địa bàn, vì vậy rất cần có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của nhà trường, gia đình và xã hội.
- Sau mỗi sự việc trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo thế nào tới các địa phương có học sinh đánh nhau?
Ngay khi tiếp nhận được các thông tin liên quan đến học sinh đánh nhau, Bộ đã liên hệ trực tiếp và có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, đảm bảo đủ sức răn đe và giáo dục học sinh.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các cấp, các ngành xử lý nghiêm khắc các cán bộ, giáo viên thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý, giáo dục học sinh, để xảy ra các vụ việc học sinh đánh nhau.
Các địa phương cần tăng cường sự phối hợp liên ngành và phối hợp với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Tổ chức ổn định tình hình nhà trường, ổn định tâm lý cho học sinh, thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình tư tưởng, đạo đức học sinh, tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, có giải pháp ngăn chặn, không để tái diễn tình trạng bạo lực học sinh trên địa bàn và báo cáo kịp thời diễn biến vụ việc để chỉ đạo, xử lý.
Bình luận