• Zalo

Nữ sinh Đại học Ngoại thương và hành trình hơn một năm chiến đấu với ung thư

Tin tứcThứ Sáu, 12/02/2021 13:13:00 +07:00Google News
(VTC News) -

“Đến bây giờ, em vẫn nghĩ, hơn một năm qua quả là hành trình đầy cảm xúc, vui có, buồn có, u uất có, nhưng giờ thì thật bình an”.

Đó là chia sẻ của Đặng Trần Thuỷ Tiên (SN 2000, quê Hải Phòng), đang theo học chuyên ngành tiếng Anh Thương mại, Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) sau khi nhận "tấm bằng tốt nghiệp trường K" vào cuối năm 2020. Nữ sinh được biết đến là “người truyền cảm hứng cho giới trẻ” nhờ nghị lực phi thường chiến thắng bệnh ung thư vú.

Trở về cuộc sống bình thường, Thủy Tiên hạnh phúc khi tiếp tục được đi học, là sinh viên của trường Đại học Ngoại Thương. Hơn năm qua, cô gái trẻ trải qua nhiều cảm xúc, từ cú sốc ban đầu, những buổi đi điều trị từ Hải Phòng – Hà Nội và ngược lại, đến những mũi hoá chất mệt mỏi, rồi vấn đề tâm lý, tài chính. Nhưng giờ đây tất cả đã qua.

Hiện sức khỏe của em rất tốt. Thời điểm này, em cảm thấy rõ sự biến chuyển về thể trạng theo chiều hướng tích cực hơn nhiều so với trước. Được xuất viện, Tiên sẽ chỉ phải tái khám 3 tháng/lần.

Nữ sinh Đại học Ngoại thương và hành trình hơn một năm chiến đấu với ung thư  - 1

Mang trong mình căn bệnh ung thư, Thuỷ Tiên vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.

 

Một ngày của em bắt đầu từ 6h45, sau đó về nhà vào lúc 12h và tự nấu bữa trưa. Buổi chiều, em dành thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện, đến Bệnh viện K giúp đỡ, thăm hỏi các bệnh nhân hoặc tới dự các buổi toạ đàm về kỹ năng, kinh nghiệm sống. Sau đó, em về nhà, tập luyện thể dục thể thao, ăn uống và ngồi vào bàn học.

Gục ngã khi biết bị ung thư

Mùa hè tháng 6/2019, Tiên phát hiện trên ngực có khối u nhỏ bằng ngón tay cái. Từ Hải Phòng lên Hà Nội, Tiên tới Bệnh viện K thăm khám, xét nghiệm. Ngày nhận kết quả, em và mẹ cùng tới bệnh viện. Không trực tiếp gặp bác sĩ, nhưng nhìn thái độ của mẹ, em đoán điều chẳng lành.

“Ung thư à mẹ?”, Tiên hỏi. Mẹ em cúi mặt xuống, mắt đỏ hoe. Bà đưa cho Tiên tờ kết quả xét nghiệm.

“Ung thư? Tại sao chứ? Tại sao lại chọn tôi?”, Tiên gục xuống, oà khóc. Cô gái xinh đẹp với bao nhiêu khát vọng, hoài bão không tin đó là sự thật.

Từ giây phút đó, Tiên như người mất hồn, bao đêm khóc vì tuyệt vọng. Cả ngày chẳng làm được việc gì, trong đầu em luôn quanh quẩn với hàng vạn câu hỏi. “Cuộc đời mình sẽ kết thúc như vậy sao? Tại sao lại là tôi? Là tôi trong hơn 7 tỷ người?” Tiên cứ đặt câu hỏi rồi tự trả lời.

Sau khoảng thời gian trấn tĩnh lại, không muốn gia đình phải lo lắng vì mình, Thủy Tiên quyết định sẽ “sống khác”. Ban ngày, cô gái 19 tuổi vẫn năng động, hay cười và vui tính để che dấu tổn thương. Nhưng về đêm là lúc Tiên cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng nhất. Em lại khóc. Em từng nghĩ đến cái chết sớm hơn, muốn buông bỏ hết.

Nữ sinh Đại học Ngoại thương và hành trình hơn một năm chiến đấu với ung thư  - 2

Suốt thời gian điều trị, Thuỷ Tiên chưa một lần kêu than về hoàn cảnh, em luôn cố gắng để chiến thắng được ung thu, trở về bên gia đình.

Rũ bỏ thực tại

Ngày 1/7/2019, Tiên trải qua ca phẫu thuật lớn đầu tiên - cắt nửa ngực trái. Sau 20 ngày chờ đợi vết mổ ổn định, em được hóa trị lần đầu tiên. Cô gái nhỏ phải truyền tổng cộng 4 mũi hoá chất đỏ, 12 mũi hoá chất trắng, 18 mũi hoá chất đích, cùng với 25 mũi xạ trị.

Thời gian đầu, cứ 2 tuần em phải đi truyền hoá chất 1 lần, cách nhau 3-4 ngày. Có thời gian tuần nào cũng phải đi truyền, mỗi mũi cách nhau chỉ 1- 2 ngày. Thậm chí có đợt ngày nào em cũng phải ở viện để xạ trị.

Quá trình hóa trị liệu thực sự là thử thách lớn với cô bé mới 19 tuổi khi đó. Ngày đầu, thuốc khiến em luôn trong tình trạng mệt mỏi, nôn nao, móng tay móng chân đen, da sạm, bạch cầu thấp, thiếu máu và tóc bắt đầu rụng nhiều. Mỗi lần đứng trước gương, em không cầm được nước mắt nhưng cố gắng lạc quan, giữ vững tinh thần. Em hiểu “hóa chất đó giúp tiêu diệt tế bào ung thư”.

Hàng ngày, nếu không phải hóa trị, Tiên thường thức dậy từ 5h sáng để tập thể dục. Các món ăn khoái khẩu ngày trước của em như chiên, rán đều bị loại bỏ. Thời gian ngoài gặp bạn bè không nhiều, em xin phép mẹ được học thêm đàn guitar để giải tỏa tâm lý.

Thời điểm khó khăn nhất cũng đến, đó là lúc em phải truyền những mũi hoá chất đỏ. Tác dụng phụ khiến em nôn nao, say sóng. Giai đoạn này, em không ăn được gì, bởi cứ ăn vào là lại nôn ra.

Nữ sinh Đại học Ngoại thương và hành trình hơn một năm chiến đấu với ung thư  - 3

Nụ cười rạng rỡ của cô gái chiến thắng bệnh ung thư.

“Lúc đó là lúc khó khăn nhất với em. Nhưng nhìn xung quanh, thấy ánh mắt của bố mẹ đang dõi theo động viên, em lại nghĩ, tại sao những bệnh nhân khác, họ trải qua được mà mình thì không? Tương lai còn quá nhiều điều đang đợi mình. Em không muốn phải từ bỏ đi ước mơ của bản thân. Nghĩ vậy, em cố gắng gạt đi tất cả những đau đớn, đứng dậy để tiếp tục chiến đấu, quyết tâm điều trị”, Tiên nói.

Giữ vững tinh thần lạc quan, nên trong suốt quãng thời gian điều trị bệnh, Tiên luôn tự động viên mình mỗi ngày. Em có thể cho phép mình buồn, cho phép mình khóc, nhưng tuyệt đối không cho phép mình gục ngã. “Vì chỉ cần gục ngã là ung thư sẽ chiến thắng”.

Vượt qua đau đớn của bệnh tật, tháng 12/2019, cô sinh viên đăng ký tham gia chương trình “Duyên dáng Ngoại thương”. Dưới ánh đèn rực rỡ của sân khấu, Tiên tự tin bước ra trong bộ trang phục váy dạ hội với đầu trọc. Tiên nói, em muốn được là chính mình, chứ không muốn giấu giếm chuyện bản thân bị ung thư. Ung thư không có gì là xấu, nó chỉ là một thử thách trong cuộc đời mà em phải trải qua.

Qua cuộc thi, cô gái trẻ muốn truyền cảm hứng cho những bạn khác có ngoại hình khác biệt và có thể đang bị ung thư thêm phần dũng cảm để chiến đấu với bệnh tật. “Nếu không thể đi xa hơn, em chỉ coi đó là một phần không may mắn, nhưng vẫn tự hào vì mình đã cố gắng hết sức”, Tiên nói.

Đặng Trần Thủy Tiên được trao danh hiệu "Hoa khôi truyền cảm hứng". Đúng như những gì Tiên mong muốn, em đã và đang truyền cảm hứng cho những số phận không may khác có thêm nghị lực để thắng bệnh tật.

Nữ sinh Đại học Ngoại thương và hành trình hơn một năm chiến đấu với ung thư  - 4

Sau khi khỏi bệnh, Thuỷ Tiên tích cực tham gia các toạ đàm, hoạt động tình nguyện để lan toả thêm tình yêu thương cho mọi người.

Thủy Tiên thường xuyên tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Em cũng đồng hành cũng các y bác sĩ Bệnh viện K thăm hỏi, trao quà cho các bệnh nhân ung thư khác. Đi đến giường bệnh nào các bác, các cô cũng chúc mừng vì thấy em khỏe mạnh, năng động, trẻ trung và tràn đầy lạc quan.

Cùng với các chương trình thiện nguyện, em còn tham gia nhiều buổi tọa đàm chăm sóc sức khỏe, tư vấn cách phòng chống bệnh ung thư vú và tuyên truyền về tác hại của bệnh ung thư. Vừa phải hóa trị liệu căn bệnh ung thư, vừa làm “đại sứ truyền cảm hứng”, nhưng trên gương mặt em luôn chất chứa những nụ cười của hy vọng.

Chạm tay vào hạnh phúc

Tháng 11/2020, Thuỷ Tiên được thông báo khỏi bệnh và có thể xuất viện. Em khóc to vì sung sướng. Em lập tức gọi điện cho mẹ. Hai mẹ con cùng khóc.

Tốt nghiệp “trường K”, em cảm ơn các y bác sĩ của bệnh viện. Tiên vẫn còn nhớ bác sĩ Thuấn - người luôn âm thầm đồng hành, chia sẻ những khó khăn. Em cũng nhớ bác sĩ Yến, người trực tiếp điều trị hoá chất cho em, ân cần, chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ…Em cũng nhớ rất nhiều bác sĩ khác là động lực giúp em vượt qua bạo bệnh.

Tốt nghiệp trường K, Tiên muốn viết tiếp chuyện của tương lai. Nơi đó có những hoài bão, những ước mơ của tuổi trẻ. “Có thể sau này em sẽ tìm kiếm cho mình công việc phù hợp, nhưng việc song hành và giúp đỡ những bệnh nhân ung thư sẽ luôn trong em. Bởi hơn ai hết, chính người bệnh sẽ hiểu những người bệnh, hiểu cho những người có hoàn cảnh như mình”, Tiên nói.

Nữ sinh Đại học Ngoại thương và hành trình hơn một năm chiến đấu với ung thư  - 5

Thuỷ Tiên - cô gái trẻ trung, năng động và tràn đầy nhiệt huyết.

Hiện Tiên tiếp tục theo học và tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh thương mại của Đại học Ngoại thương. Em còn muốn học thêm văn bằng 2 chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Tiên còn mong muốn giành suất học bổng du học nước ngoài để học và tích luỹ thêm kinh nghiệm. Khi ra trường, Tiên mong được làm việc cho một tổ chức phi chính phủ để bảo vệ những người yếu thế và giúp đỡ những trường hợp khó khăn trong cộng đồng.

Tiên cảm thấy ung thư không còn đáng sợ nữa, mà thứ đáng sợ nhất chính là việc bản thân coi nó là dấu chấm hết. Ung thư dạy em biết trân trọng cuộc sống này. Em hiểu, cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp mình cần hướng đến. Em cố gắng giữ mãi tinh thần lạc quan để truyền cảm hứng cho nhiều người bệnh giống như em.

“Những gì đã qua chính là hành trình đầy cảm xúc. Đau buồn có, khóc lóc, u uất có. Còn bây giờ, em thực sự cảm thấy bình an. Trong chúng ta không ai biết trước được ngày mai, những hãy thật can đảm, sống hết mình cho hôm nay”, Thuỷ Tiên chia sẻ.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn