• Zalo

Nữ sinh cấp 2 má hồng, chuốt mi, đeo lens giả

Giáo dụcThứ Tư, 07/12/2011 12:35:00 +07:00Google News

“Trong cặp em ngoài sách vở ra, lúc nào cũng phải có một bộ gương lược, đặc biệt son thì không thể quên”, Nguyễn Hồng Trang (THCS Nam Trung Yên, Hà Nội) chia sẻ

“Trong cặp em ngoài sách vở ra, lúc nào cũng phải có một bộ gương lược, đặc biệt son thì không thể quên”, Nguyễn Hồng Trang (trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội) hồn nhiên nói.

Trang không phải là trường hợp đặc biệt, thậm chí còn được coi là “giản dị” so với những cô bé học trò cấp 2 đã đánh má hồng, chuốt mi, đeo lens giả (kính áp tròng tạo cảm giác mắt to hơn)…

“Bạn em ai chẳng tô son, đánh má hồng cho tự tin khi đến lớp. Nhưng cũng chỉ nhẹ nhàng thôi. Ai chơi trội mới dám đeo lens, nhuộm tóc. Đương nhiên, đi chơi thì khác hoàn toàn”, Trang kể.

“Khác hoàn toàn” ở đây là những buổi sinh nhật, hội trường, các nữ sinh sẽ được lột xác với đôi mắt to như diễn viên Hàn Quốc, tóc uốn lọn bồng bềnh, xúng xính váy áo như những thiếu nữ trưởng thành thực thụ.

Tuổi “trăng náu” đẹp ở sự hồn nhiên, trong sáng, vốn không cần đến mỹ phẩm màu mè (Ảnh minh họa) 

Trốn phụ huynh trang điểm, nên các cô bé này tranh thủ đi học sớm, vào nhà vệ sinh của trường chải chuốt, tô son phấn. “Nhanh thôi ạ, mất tầm 5 phút là cùng. Có tý son phấn vào nhìn mặt sáng sủa, tự tin lên lớp hẳn”, Trang cười tít mắt nói.

Với những trường bán trú, thời gian nghỉ trưa dài được các cô học trò tận dụng mở khóa học tự dạy trang điểm cho nhau. Phấn son đủ loại từ không nhãn hiệu đến tầm trung như Oriflame, Essance, thậm chí có cả mỹ phẩm đắt tiền.

Tiền tiêu vặt, tiền ăn sáng những cô bé này đều tiết kiệm đầu tư mỹ phẩm, tuy nhiên không ít học sinh gia đình khá giả, bố mẹ suy nghĩ thoáng cho hẳn tiền riêng để mua.

Mất thời gian, tiền bạc đầu tư sớm cho nhan sắc, nhưng không phải nữ sinh nào cũng nhận được sự hưởng ứng từ bạn học khác giới. “Xinh thì xinh thật đấy nhưng học hơi kém. Theo em các bạn ấy cứ để mặt bình thường trông tự nhiên, dễ gần hơn. Một bạn nữ trường em đến lớp đánh phấn đậm bị đình chỉ học mấy ngày”, Nguyễn Hồng Sơn (THCS Mễ Trì, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.

Phạm Thị Huế (trường THCS Minh Khai, Hà Nội) thật thà nói: “Nhìn mọi người trang điểm em thấy xinh hơn bình thường. Em cũng muốn nhưng sợ bị phạt. Ở trường em, môi đỏ quá thì bị phạt đứng trước cột cờ, đánh đậm quá có thể bị đình chỉ học, lập biên bản cam kết lưu vào học bạ nữa”.

Chẳng phụ huynh nào muốn con mình già trước tuổi. “Tôi cũng hay kiểm tra cặp cháu lắm, bọn nó còn bé chưa gì đã phấn phấn son son dễ hỏng da mặt”, cô Đỗ Thị Kim Long (40 tuổi, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) quả quyết.

Tuy nhiên, khi được hỏi nếu các em đến trường mới trang điểm làm sao kiểm tra được, cô Long chỉ cười trừ: “lúc đó nhờ vào nhà trường thôi”!

“Ngay từ đầu năm, nhà trường đã đưa ra nội quy cam kết cho từng học sinh, thống nhất phương pháp giáo dục với phụ huynh. Nhiều khi học sinh tuổi mới lớn, dễ bị tác động lôi kéo a dua, có những học sinh nhiều lần nhắc nhở vẫn tái phạm thì phải kiên trì. Ngoài khuyên răn, nhà trường còn áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để uốn nắn các em. Có như vậy, học sinh mới phát triển đúng hướng được”, cô Đỗ Thị Ánh Tuyết (Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai, Hà Nội) cho biết.

“Tuổi “trăng náu” đẹp ở sự hồn nhiên, trong sáng, vốn không cần đến mỹ phẩm màu mè. Ngăn cấm đe nẹt chỉ là biện pháp tạm thời, các ông bố bà mẹ và thầy cô giáo cần giáo dục cho các em biết tự ý thức về vẻ đẹp của mình” - Tiến sĩ tâm lý Lã Thị Bưởi.

Theo Bee.net

Bình luận
vtcnews.vn