• Zalo

Nữ sinh An ninh giành giải nhất Quốc gia môn Sử chia sẻ bí quyết đạt điểm cao

Giáo dụcThứ Tư, 12/04/2017 07:20:00 +07:00Google News

Từng là một trong 6 thí sinh đạt giải nhất môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia 2016, Nguyễn Thị Thương đã có những chia sẻ thú vị về phương pháp ôn luyện và cách làm bài thi cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia 2016, Nguyễn Thị Thương (lớp chuyên Sử - THPT chuyên Tuyên Quang) là một trong 6 thí sinh đã xuất sắc đạt giải nhất môn Lịch sử với số điểm 17,5/20.

Cũng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Thương đạt điểm 3 môn khối C khá cao. Cụ thể, môn Ngữ văn: 8,5 điểm; Địa lý: 8,75 điểm và Lịch sử: 9,5. điểm.

Với số điểm 31,75 cả điểm cộng, cô bạn đã trở thành nữ học viên có số điểm cao nhất khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân.

Hinh anh Nu sinh gianh giai nhat Quoc gia mon Su chia se bi quyet on luyen dat diem cao

 Cô bạn Nguyễn Thị Thương có số điểm cao nhất khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân.

Không chỉ xinh đẹp, Thương còn rất tài năng. Cô từng giành huy chương Bạc và huy chương Đồng trại hè Hùng Vương, giải nhì cấp tỉnh môn Lịch sử và giải nhì liên môn năm lớp 11, giải nhất cấp tỉnh cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn, giải nhất môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2016 và nhiều giải thưởng khác.

Hiện tại, Nguyễn Thị Thương đang là học viên lớp B17D48, chuyên ngành Luật, Học viện An ninh nhân dân.

Hơn 2 tháng nữa là đến kỳ thi THPT Quốc gia 2017, nữ sinh rất hào hứng chia sẻ những bí kíp, kinh nghiệm về cách ôn luyện và làm bài 3 môn khối C để đạt điểm cao.

Video: Nữ thủ khoa Học viện Cảnh sát xinh đẹp trong ngày hội tư vấn tuyển sinh 2017

Soạn riêng một bộ tài liệu

Nữ sinh Nguyễn Thị Thương đã không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng và luôn có cách học hợp lý để đạt kết quả cao trong kỳ thi.

Thương cho rằng, còn hơn 2 tháng nữa là tới kỳ thi THPT Quốc gia, thời gian này, các sỹ tử nên sưu tầm và bổ sung cho mình một bộ tài liệu.

Thương chia sẻ: “Đặc thù của khối C là có lượng kiến thức rất dài, khó nhớ và dễ nhầm. Vì vậy, mỗi thí sinh cần soạn cho mình một bộ tài liệu chính thống. Sau đó, thí sinh có thể chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau thành một bộ tài liệu duy nhất để dễ học hơn”.

“Để làm được điều này, đòi hỏi thí sinh phải ghi chép, chú thích cẩn thận”, Thương nói.

Hinh anh Nu sinh gianh giai nhat Quoc gia mon Su chia se bi quyet on luyen dat diem cao

Cô bạn này khuyên thí sinh nên tìm thêm tài liệu và làm nhiều đề thi.

Theo đó, cô bạn đã đưa ra ví dụ cụ thể. Đối với môn Văn, thí sinh cần đọc nhiều tài liệu xung quanh tác phẩm đang ôn. Từ đó, thí sinh có thêm vốn từ hay có cách nhìn tổng quát và những nhận định, đánh giá sâu sắc về tác phẩm.

Hay môn Sử, khi đã học xong kiến thức nền, thí sinh cần có cái nhìn bao quát để hiểu rõ sự kiện hơn.

Thương vui vẻ nói: “Theo mình, càng gần đến ngày thi, các sỹ tử không nên học nhiều vì như vậy sẽ không vững kiến thức. Thay vào đó, thí sinh nên xem lại kiến thức đã học”.

Học thuộc kiến thức nền

Nguyễn Thị Thương chia sẻ: “Ban đầu, mình học thật chắc kiến thức nền. Sau đó, mình sẽ mở rộng và tìm hiểu sâu kiến thức bằng cách đọc tài liệu và làm nhiều đề thi về môn đó”.

“Khi cầm đề thi trong tay, mình đọc thật kỹ rồi lập dàn ý ra giấy nháp. Đặc biệt, mình sẽ chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Ngoài ra, mình còn theo dõi đồng hồ để điều chỉnh tiến độ làm bài”, cô bạn chia sẻ thêm.

Theo nữ sinh tài năng này, hình thức thi trắc nghiệm môn Sử và Địa đòi hỏi thí sinh phải có hiểu biết rộng, có kiến thức đa ngành để đáp ứng yêu cầu của đề thi.

Với môn Văn, thí sinh nên đọc thêm nhiều sách, vở, tài liệu. Như khi làm bài văn nghị luận, các thí sinh nên tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu nhằm mục đích mở rộng thêm vốn từ để có bài viết ấn tượng, độc đáo.

Hinh anh Nu sinh gianh giai nhat Quoc gia mon Su chia se bi quyet on luyen dat diem cao 3

 Nguyễn Thị Thương (trái) được biết đến nhiều là nữ sinh xinh đẹp, tài năng.

Trong 3 môn khối C Văn, Sử, Địa, cô gái Tuyên Quang này học tốt nhất môn Sử. Cô đưa ra lời khuyên với các sỹ tử: “Muốn học tốt môn Lịch sử, trước hết bạn phải yêu thích môn học này. Ngoài ra, cần tập trung, chú ý lắng nghe thầy cô giáo giảng bài trên lớp, điều này giúp nắm chắc và hiểu rõ kiến thức, đây cũng là bước quan trong tạo cơ sở để học tốt bài cũ khi về nhà”.

“Bên cạnh đó, sau khi nghe giảng các bạn phải học thuộc thật kỹ kiến thức nền. Sau khi nắm rõ kiến thức nền, nên tham khảo các câu hỏi và các dạng đề, điều này giúp mỗi bạn học sinh nắm vững và hiểu sâu vấn đề hơn”, cô bạn cho biết.

Thương khuyên các bạn nên tham khảo, sưu tầm sách và đề, học dưới nhiều hình thức như nghe, viết, đọc truyện Lịch sử nhằm mở rộng kiến thức.

Cô còn khuyên các bạn phải theo dõi thời sự, các vấn đề nóng nhất xảy ra. Đặc biệt, phải biết liên hệ, mở rộng giữa quá khứ - hiện tại và tương lai nhằm mục đích  làm tốt các dạng đề mở.

Học thuộc nhưng không phải học vẹt

Khối C đòi hỏi thí sinh học thuộc nhiều hơn các môn khác nhưng không phải học vẹt, mà học hiểu.

Nữ sinh xinh đẹp này chia sẻ: “Các bạn nên học thuộc bằng cách sử dụng sơ đồ tư duy sau mỗi bài học cũng như sau mỗi chuyên đề. Từ đó, sẽ hiểu tổng quát và nắm chắc kiến thức hơn. Ngoài ra, các hình thức như vấn đáp hay viết đề cũng giúp nắm chắc kiến thức hơn”.

Nữ sinh mong rằng, các bạn học sinh có một cách nhìn mới về môn Lịch sử, thêm yêu và tìm tòi môn này để học, bởi các bạn không nên máy móc học thuộc mà hãy yêu Sử, hiểu Sử, hiểu về cội nguồn dân tộc.

Năm nay, Bộ Gáo dục và Đào tạo đã đổi mới bằng hình thức thi trắc nghiệm, chỉ có môn Văn thi tự luận. Sự thay đổi này nhằm giúp các sỹ tử thay đổi cái nhìn về khối C là học thuộc lòng.

Như vậy, sỹ tử không phải học từng câu, từng từ mà cần hình thành phương pháp học khối C để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo kinh nghiệm của Thương, sỹ tử nên học theo ý. Cô cho rằng, cách học này nhanh, dễ nhớ và tạo cảm giác hứng thú khi học.

Hinh anh Nu sinh gianh giai nhat Quoc gia mon Su chia se bi quyet on luyen dat diem cao 4

 Cô bạn này dâng hương tại điện thờ Chu Văn An - Văn miếu Quốc Tử Giám. (Ảnh: Lưu Ly)

Đối với cô bạn, 2 yếu tố nên chuẩn bị trước mỗi kỳ thi là kiến thức và tâm lý.

Thương chia sẻ: “Kiến thức là điều quan trọng nhất mà bạn cần phải chuẩn bị. Để áp dụng vào đề thi, bạn cần đọc thật kỹ câu hỏi, để hiểu sâu và toàn diện hơn. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị kiến thức xã hội, thời sự, phục vụ cho việc làm đề mở”.

“Ngoài kiến thức đã có, bạn cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe, đây là nhân tố giúp các bạn thực hiện bước cuối cùng là bước vào làm bài thi”, nữ sinh nói.

Cũng theo Thương, đối với các môn khối C, điều quan trọng nhất khi bước vào phòng thi phải thật bình tĩnh. Tuy đây là bước cuối cùng nhưng là bước quyết định thành quả trong suốt thời gian ôn luyện.

Nữ sinh đạt giải nhất Quốc gia môn Sử đưa ra lời khuyên với các sỹ tử: “Để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017, thí sinh cần tự mình tìm ra cách ôn nào đem lại hiệu quả cho nhất, tránh tình trạng ‘đẽo cày giữa đường’, mất thời gian mà không hiệu quả. Không chỉ vậy, thí sinh cũng chuẩn bị một tâm lý thật tốt, khi đó mới ôn và thi đúng cách”.

“Thí sinh phải tạo cho mình thời gian biểu, phân công rõ yêu cầu học cho từng môn từng ngày để đảm bảo tiến độ ôn thi, tránh tình trạng dồn nén kiến thức gây tâm lý lo sợ”, Thương cho hay.

Video: Giáo dục công dân thành môn thi THPT Quốc gia 2017, học sinh hoang mang, giáo viên lo lắng

 > > > Đọc thêm: Bí quyết làm bài môn Toán đạt điểm cao thí sinh nào cũng phải biết

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn