Sinh viên ở Afghanistan bắt đầu trở lại trường đại học lần đầu tiên kể từ sau khi Taliban trở lại nắm quyền. Trong một số trường hợp, nữ sinh viên phải được ngăn cách với các nam sinh viên bằng những tấm rèm hoặc những vách ngăn ở giữa lớp học.
Những gì xảy ra ở các trường học và các trường đại học trên khắp Afghanistan sẽ được dư luận theo dõi chặt chẽ, bởi các nước muốn Taliban tôn trọng quyền của phụ nữ để đổi lại sự hợp tác ngoại giao và viện trợ thiết yếu.
Khi Taliban cai trị Afghanistan giai đoạn 1996-2001, lực lượng này cấm trẻ em gái đến trường, phụ nữ không được học đại học và làm việc.
Bất chấp sự đảm bảo từ Taliban trong những tuần gần đây rằng quyền của phụ nữ sẽ được tôn trọng phù hợp với luật Hồi giáo, hiện vẫn chưa rõ cam kết này sẽ được thực hiện như thế nào.
Những tấm rèm phân cách là "không thể chấp nhận được"
Giảng viên và sinh viên các trường đại học tại các thành phố lớn của Afghanistan như Kabul, Kandahar và Herat cho biết, nữ sinh viên phải học trong lớp riêng, với giảng viên riêng hoặc bị hạn chế ở một số khu vực trong khuôn viên trường.
“Việc đặt những tấm rèm phân cách là không thể chấp nhận được. Tôi cảm thấy thật khủng khiếp khi bước vào lớp học. Chúng tôi đang dần trở lại 20 năm trước”, Anjila, một sinh viên 21 tuổi tại Đại học Kabul, chia sẻ với Reuters qua điện thoại.
Trước khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Anjila cho biết, các nữ sinh viên sẽ ngồi dãy riêng trong lớp học, không ngồi cùng với nam sinh viên. Nhưng lớp học không bị phân cách bằng những tấm rèm như hiện nay.
Văn bản hướng dẫn về việc mở lại lớp học tại các trường đại học tư nhân ở Afghanistan đã liệt kê những yêu cầu như bắt buộc mặc hijab và có lối đi riêng cho nữ sinh viên.
Văn bản cũng yêu cầu các trường phải thuê nữ giảng viên để giảng dạy cho nữ sinh viên. Nữ sinh viên phải học ở phòng học riêng, hoặc phải phân cách bằng rèm nếu cùng phòng học với nam sinh viên.
Taliban hiện chưa lên tiếng bình luận về văn bản quy định mới, các bức ảnh phân chia lớp học cũng như việc các trường đại học sẽ được điều hành như thế nào.
Taliban tuần trước nói rằng, việc giảng dạy được khôi phục nhưng nam giới và nữ giới phải được phân cách.
Một quan chức cấp cao Taliban nói với Reuters việc phân chia lớp học bằng những tấm rèm là “hoàn toàn có thể chấp nhận” và do “các nguồn lực và nhân lực hạn chế” của Afghanistan, đây là cách tốt nhất để có chung một giáo viên giảng dạy được cho cả 2 nửa của một lớp học.
Những bức ảnh do Đại học Avicenna tại Kabul chia sẻ, được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, cho thấy một tấm rèm màu xám chạy từ giữa đến cuối lớp, nữ sinh viên mặc áo choàng dài, che kín đầu nhưng vẫn để hở khuôn mặt.
Một số giảng viên nói rằng, họ không rõ sẽ có những quy định như thế nào được áp dụng dưới chế độ Taliban. Cho đến nay, lực lượng này vẫn chưa thành lập được chính phủ mới sau hơn 3 tuần tiếp quản Kabul.
Nhiều sinh viên không thể đến lớp
Sự trở lại của Taliban trở thành nỗi sợ của một số phụ nữ. Họ sợ sẽ mất các quyền mà họ đã đấu tranh với sự phản đối từ nhiều gia đình, quan chức ở quốc gia Hồi giáo bảo thủ này trong 2 thập kỷ qua.
Một giáo sư giảng dạy về báo chí tại Đại học Herat cho biết, ông quyết định phân chia lớp học kéo dài 1 giờ của ông thành 2 nửa, nửa thời gian đầu dạy cho nữ sinh viên, nửa sau dạy cho nam sinh viên.
Trong số 120 sinh viên tham gia khóa học của ông, chưa đến 1/4 lên lớp trong ngày 6/9. Một số sinh viên và giảng viên đã rời khỏi đất nước và số phận của lĩnh vực truyền thông tư nhân ở Afghanistan giờ đây cũng trở nên bấp bênh.
“Sinh viên hôm nay đều rất căng thẳng. Tôi đã nói với họ rằng, hãy cứ tiếp tục đến lớp và học tập. Trong những ngày tới, chính phủ mới sẽ đặt ra các quy định”, ông nói.
Sher Azam, một giảng viên 37 tuổi tại một trường đại học tư nhân ở Kabul cho biết, trường đã tạo điều kiện cho giảng viên tổ chức lớp học riêng cho nam và nữ, hoặc lớp học chung có rèm hay vách ngăn.
Tuy nhiên, ông lo ngại về việc nhiều sinh viên sẽ không thể quay lại lớp học, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.
“Tôi không biết có bao nhiêu sinh viên có thể trở lại trường, vì hiện nay nhiều người gặp phải khó khăn về tài chính, nhiều sinh viên xuất thân từ các gia đình giờ đây đã mất việc làm”, ông Azam nói.
Bình luận