• Zalo

Nữ nghiên cứu sinh 9X Hà Tĩnh đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Giáo dụcThứ Bảy, 04/03/2017 08:32:00 +07:00Google News

Đó là Phan Thị Hoa (SN 1990, ở xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh), cựu sinh viên Vật lý tiên tiến, hiện là nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu sinh quyển từ không gian (CESBIO), thành phố Toulouse, Cộng hòa Pháp.

Nữ sinh nghèo vượt khó và 2 tấm bằng thạc sỹ

Là con gái út trong gia đình có 3 anh em, bố mẹ làm công nhân, cuộc sống gặp không ít khó khăn, từ nhỏ, Hoa đã là tấm gương để nhiều lứa em trong làng, trong xã học tập bởi tính chịu thương chịu khó, nỗ lực phấn đấu. 12 năm liền, Hoa đều là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, tham gia nhiều kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đạt kết quả cao.

phan-thi-hoa

Nghiên cứu sinh Phan Thị Hoa trong một chuyến đi thực địa tại Tiệp Khắc 

Kết thúc 12 năm học phổ thông, với ước mơ trở thành một nhà khoa học, Hoa đã thi đỗ vào Trường Đại học Huế và theo học ngành Vật lý tiên tiến. Ngay sau khi tốt nghiệp, Hoa được nhận học bổng theo học thạc sĩ vũ trụ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt Pháp - USTH), một chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh theo tiến trình Bologna của châu Âu.

Tại đây, cô có cơ hội được thực tập tại cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản, được nhận học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo tiến sỹ về chương trình vật lý thiên văn ngay sau khi tốt nghiệp.

Xác định được niềm đam mê thực sự của mình với lĩnh vực viễn thám, Hoa từ bỏ học bổng ở Nhật, nộp hồ sơ tham gia Đề án 911 của Chính phủ Việt Nam về chương trình đào tạo tiến sỹ ở nước ngoài và tìm kiếm các học bổng khác ở Pháp. Không lâu sau đó, Hoa nhận tin vui trúng tuyển Đề án 911 và cùng lúc giành được học bổng CIFRE (học bổng kỹ sư lớn nhất nước Pháp).

Để thỏa chí đam mê, Phan Thị Hoa quyết định theo đuổi học bổng CIFRE và trở thành sinh viên ngoại quốc đầu tiên được nhận học bổng này. Không bỏ lỡ bất kỳ một quãng thời gian quý báu nào để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng; trong quá trình chờ làm hồ sơ, Hoa tiếp tục nộp hồ sơ và được nhận học bổng cho chương trình đào tạo thạc sĩ về phương pháp vật lý viễn thám tại Thủ đô Paris - Pháp trong vòng 1 năm.

Vậy là, chỉ trong 3 năm, ngay trước khi bước vào nghiên cứu sinh, Phan Thị Hoa đã xuất sắc có được 2 tấm bằng thạc sỹ của 2 trường đại học tại Pháp và đạt được 3 học bổng đào tạo tiến sỹ ở nước ngoài. Hiện nay, trong lúc làm nghiên cứu sinh, Hoa cũng trở thành kỹ sư nghiên cứu và phát triển của Công ty Telespazio - công ty quốc phòng và không gian vũ trụ của Pháp.

Hành trình đưa hình ảnh Việt Nam đến hội nghị lớn nhất hành tinh

Living Planet Symposium là hội nghị chuyên đề khoa học “Hành tinh sống”, được tổ chức 3 năm một lần bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Living Planet Symposium 2016 quy tụ hơn 3.500 nhà khoa học hàng đầu, nghiên cứu sinh và những người sử dụng các dữ liệu quan sát trái đất từ khắp nơi trên thế giới. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử của lĩnh vực khoa học Trái đất hiện nay.

phan-thi-hoa-ban-do-the-gioi

Phan Thị Hoa đã đưa bản đồ Việt Nam ra hội nghị thế giới 

Trong quá trình học tập tại Pháp, Phan Thị Hoa được tham gia một dự án lớn của ESA nghiên cứu về tình trạng nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án nghiên cứu sử dụng các dữ liệu mới nhất của vệ tinh Sentinel-1A của ESA (vệ tinh viễn thám tối tân của ESA vừa được phóng lên quỹ đạo năm 2014) để theo dõi sự suy giảm các vùng trồng lúa ở vựa lúa lớn nhất Việt Nam do ảnh hưởng của El Nino.

Kết quả của nghiên cứu mang tầm ảnh hưởng quan trọng đối với an ninh lương thực thế giới, vì thế đã được chọn trình bày trong cả 2 phần giới thiệu của Tổng Giám đốc Cơ quan không gian Châu Âu (ESA) và giám đốc chương trình khoa học trái đất ESA trong phần mở đầu hội nghị trước hơn 3.500 người.

Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, Hoa tâm sự: “Trước khi bắt đầu làm tiến sỹ, giáo sư đã cho lựa chọn 1 trong 2 đề tài, hoặc nghiên cứu đề tài ở châu Âu hoặc ở Việt Nam. Với ước muốn giới thiệu đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế và đóng góp chút gì đó cho quê hương, mình đã chọn Việt Nam, mặc dù biết nếu triển khai đề tài này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Rồi mỗi lần về Việt Nam làm thực địa, được gặp gỡ và trò chuyện với người nông dân, mình như được tiếp thêm động lực. Và hiện giờ, hằng ngày, mọi nghiên cứu của mình đều gắn liền với đất nước mang hình chữ S, quê hương vẫn gần gũi trong tim”.

Năm 2018, Hoa sẽ hoàn thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Pháp. Nói về dự định trong tương lai, cô cho biết: “Mình vẫn muốn tiếp tục được làm những đề tài về phát triển ngành khoa học viễn thám cho Việt Nam. Tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để sau này có thể làm những việc thiết thực nhất cho quê hương mình và để bạn bè quốc tế ngắm nhìn đất nước xinh đẹp của chúng ta”.

Video: Chân dung 5 nhà khoa học người Việt lọt top ảnh hưởng nhất thế giới

Hiện nay, song song với việc nghiên cứu, Phan Thị Hoa vừa đề cử và trúng tuyển 1 dự án cộng đồng về hỗ trợ và phát triển ngành khoa học cho các nữ sinh nghèo ở Việt Nam, Cambodia do Công ty THALES đứng đầu. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, cô khiêm tốn: “Mình không dám gọi đó là kinh nghiệm, chỉ biết rằng, nếu có sự chuẩn bị càng sớm thì cơ hội càng nhiều và hãy chủ động tìm kiếm cơ hội, tự tạo cơ hội cho bản thân bất kỳ lúc nào. Xác định rõ mục tiêu và đam mê, luôn nỗ lực hết mình, quyết tâm và kiên trì thì ta sẽ chạm đến thành công”.

(Nguồn: Báo Hà Tĩnh)
Bình luận
vtcnews.vn