Theo thông tin được đăng tải trên website của Hội khoa học Hoàng Gia Anh, giải thưởng Rosalind Franklin và Bài giảng 2019 (The Rosalind Franklin Award and Lecture 2019) được trao cho giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh.
Nữ giáo sư nhận giải thưởng vì những thành tựu của bà trong lĩnh vực vật liệu nghiên cứu các hạt nano, và đề xuất dự án có ảnh hưởng lớn đến xã hội tốt đẹp hơn.
Hạng mục “giải thưởng và bài giảng” của Hiệp hội khoa học Hoàng gia Rosalind Franklin trao cho một cá nhân có đóng góp nổi bật trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), từ đó hỗ trợ và thúc đẩy phụ nữ trong giáo dục STEM.
Giải thưởng được tổ chức bởi Bộ Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp (BEIS). Chúng được đặt theo tên của nhà sinh học Rosalind Franklin(1920-1958), người đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết về cấu trúc phân tử tốt của DNA.
Giải thưởng được phát động từ năm 2003, người chiến thắng giải sẽ nhận được một huy chương mạ bạc, trợ cấp 40.000 bảng Anh và quà tặng trị giá 1.000 bảng Anh. Hầu hết những người nhận giải thưởng dự kiến sẽ dành một phần số tiền thưởng để tài trợ cho các dự án nâng cao trình độ của phụ nữ trong giáo dục STEM.
Tại lễ trao thưởng, giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh có vinh dự trình bày bài giảng của mình về vật liệu nano plasmonic (hạt vàng hình cầu, trụ và sao) nằm trong dự án "Vật liệu nano từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh" (Nanomaterials from Bench to Bedside).
Giáo sư Thanh Nguyễn từng tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992. Sau đó bà giành học bổng nghiên cứu quốc tế ở Hà Lan và Anh Quốc. Bà đã hoàn thành chương trình nghiên cứu và lấy bằng tiến sĩ năm 1998.
Bắt đầu từ năm 2013, bà đảm nhận vị trí giáo sư giảng dạy và nghiên cứu chuyên ngành vật liệu nano tại Phòng thí nghiệm UCL Nanomaterials Laboratory, Đại học College London, Anh. Bà là giáo sư người Việt đầu tiên tại đây. Hiện bà hợp tác nghiên cứu với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản.
Ngoài ra, một dự án khác mà giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh đang theo đuổi là đề xuất tổ chức trại hè khoa học để truyền cảm hứng và thúc đẩy các em học sinh lớp 8 tham dự. Đối tượng dự án hướng đến chủ yếu là nữ giới, các gia đình nghèo ở London mong muốn theo học các môn khoa học tự nhiên.
Bình luận