• Zalo

Nữ giáo sư Toán học thứ 2 của Việt Nam: ‘Với Toán, tôi như con nghiện vậy’

Giáo dụcThứ Sáu, 23/10/2015 04:56:00 +07:00Google News

GS Lê Thị Thanh Nhàn: Nữ giáo sư Toán học thứ 2 của Việt Nam từng chia sẻ về niềm đam mê Toán học của mình một cách rất hài hước.

(VTC News) – Nữ giáo sư Toán học thứ 2 của Việt Nam từng chia sẻ về niềm đam mê Toán học của mình một cách rất hài hước.

PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên vừa được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước ký quyết định phong tặng chức danh Giáo sư năm 2015.

TS Lê Thị Thanh Nhàn sinh ngày 23/3/1970. Khi được phong giáo sư, TS Lê Thị Thanh Nhàn mới có 45 tuổi. Như vậy, sau giáo sư Hoàng Xuân Sính, GS Lê Thị Thanh Nhàn là người phụ nữ thứ hai trong ngành Toán được phong hàm giáo sư.
GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn - người phụ nữ thứ 2 ở ngành toán được phong hàm giáo sư
GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn - người phụ nữ thứ 2 ở ngành toán được phong hàm giáo sư  
Năm 2007, chị Nhàn nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được trao Giải thưởng khoa học Viện Toán học vì cụm công trình trong lĩnh vực đại số giao hoán. Ðây là giải thưởng khoa học uy tín được trao hai năm một lần cho không quá hai nhà toán học Việt Nam dưới 40 tuổi.

Năm 2011, chị tiếp tục được nhận giải thưởng Kovalevskaia lần thứ 26. Từ năm 2009 đến nay, chị Nhàn đảm nhiệm chức Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên).

Chia sẻ trên báo chí, GS Lê Thị Thanh Nhàn tâm sự: “Tôi thích toán, thích những con số bởi đó là sự chính xác và đầy những bất ngờ”.

Kể về cơ duyên đến với Toán học, nữ giáo sư này chia sẻ: “Chuyện làm Toán của tôi cũng giống như mọi chuyện khác vậy, có cả những niềm vui lẫn cả nỗi buồn, những khó khăn và thuận lợi. Bố tôi là bộ đội, đi chiến trường B, C rồi bị bệnh và mất sớm. Mẹ, một giáo viên cấp I, phải lo toan cuộc sống hàng ngày cho cả gia đình.

 Năm 1985, mới học lớp 9, mẹ của chị đã phải bán nhà và ứng trước nhiều tháng gạo bao cấp của cả nhà để có tiền cùng các em về Huế chăm bố ốm. Chị ở lại Thái Nguyên trong căn nhà đã bán, bắt cua, cất vó, kiếm củi, trồng rau, mót lúa... để tự mưu sinh.

Năm 16 tuổi, chị Nhàn trở thành nữ sinh của Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc. Biết được hoàn cảnh khi cha mất ở Huế không có tiền về, kì nghỉ hè năm học thứ nhất, bạn bè cùng lớp dành cho chị một chiếc vé xe lửa để về thăm mộ cha.

“Hồi đó, gia đình tôi sống rất vất vả, thường xuyên phải nhịn ăn. Từ nhỏ, khi còn học ở trường Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên tôi chỉ mong muốn làm sao có thể thoát khỏi cảnh nghèo, và thêm mơ ước nhỏ là được trở thành cô giáo dạy Toán”, chị Nhàn chia sẻ.

Sau đó, chị Nhàn cũng thực hiện được niềm đam mê, mơ ước cháy bỏng của mình. Sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, chị Nhàn được giữ lại làm giáo viên.

“Lúc đó, tôi lại có mơ ước cao hơn, muốn đi nghiên cứu sinh để thoả mãn lòng say mê học Toán của mình. Với Toán, tôi như con “nghiện” vậy. Hiểu được điều đó, chồng tôi (từng là thầy giáo dạy tiếng Anh của mình) ủng hộ rất nhiệt thành”, GS Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ.

“Khi tôi đến xin làm nghiên cứu sinh với GS-TSKH Nguyễn Tự Cường -Viện Toán học Hà Nội, thầy ngại vì sợ sinh viên miền núi như tôi không thể nào làm được. Chồng tôi đã nói với thầy: “Nhàn yêu Toán và em yêu Nhàn, mong thầy nhận Nhàn là học trò”.

Rồi tôi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với 6/7 phiếu suất sắc, được thầy khen là học trò giỏi nhất khiến cho tôi cảm thấy rất tự hào”, nữ giáo sư Toán học thứ hai của Việt Nam nhớ lại.
GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn (ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2011. Ảnh: TNU
GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn (ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2011. Ảnh: TNU  
Có được thành công ngày hôm nay, ngoài lòng say mê học Toán, chị Nhàn luôn tự nhận mình là người vô cùng may mắn vì có chồng và con trai luôn ủng hộ và hết lòng thương yêu . Bên cạnh đó, chị Nhàn cũng cảm thấy rất vui vì gặp được người thầy hướng dẫn giỏi, tâm huyết với nghề.

“Gia đình và chuyên môn là hai thứ quan trọng nhất của tôi. Hiện tại, tôi quá bận rộn với những việc như quản lí, họp hành, giảng dạy... Tôi chỉ muốn có nhiều thời gian để làm toán, dạy con học và … để ngủ cho thoải mái! Từ năm 2000 đến nay, năm nào tôi cũng cố gắng bố trí đi nghiên cứu, báo cáo kết quả, tham dự hội nghị 3-4 tháng ở nước ngoài như Pháp, Italia, Đài Loan, Trung Quốc để cập nhật và tích luỹ kiến thức”, GS Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ.

Chị Nhàn từng tâm sự: “Tôi làm khoa học bằng tất cả niềm đam mê, trách nhiệm cống hiến, sự dấn thân, không băn khoăn so đo gì cả”.

Điều chị trăn trở nhất hiện nay, cũng là một trong những đề xuất của chị là tạo thêm nhiều cơ hội cho những nhà khoa học ở vùng cao.

“Chúng tôi còn gặp khá nhiều “rào cản” mang tính đặc thù trong công tác nghiên cứu khoa học khi làm việc ở vùng cao như: ít có điều kiện được sống trong môi trường khoa học, ít được tiếp xúc với các nhà khoa học uy tín.

Đặc biệt cơ hội được chủ trì, tham gia các công trình khoa học đến với chúng tôi chưa phải là nhiều…", chị Nhàn kiến nghị.

Nhận xét về người thầy của mình, TS. Nguyễn Thị Kiều Nga, giảng viên trường ĐH Sư phạm Xuân Hòa – một trong số nghiên cứu sinh do cô giáo Lê Thị Thanh Nhàn hướng dẫn: “Trước đây, tôi luôn tự hỏi: “Không hiểu Cô làm thế nào để có thể làm ngần ấy việc cùng một lúc: Vừa là một Phó Hiệu trưởng có năng lực của một trường Đại học, vừa là một nhà khoa học xuất sắc với 16 công trình nghiên cứu Toán học được công bố trên các Tạp chí toán quốc tế, trong đó có 7 công trình công bố trên Journal of Algebra – Tạp chí quốc tế uy tín trong chuyên ngành Đại số, vừa là vợ hiền, người mẹ của hai con ngoan và học giỏi...

Được làm việc với Cô, tôi đã tìm được câu trả lời: Đó là lòng say mê khoa học, sự tâm huyết với nghề và tấm lòng nhân hậu. Tất cả những điều đó đã cho Cô nghị lực phi thường để làm mọi việc”.


Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn