Chân dung

Nữ giáo sư dành gần 40 năm tìm lời giải bài toán nông sản Việt được mùa mất giá

Thứ Năm, 29/09/2022 12:06:22 +07:00

(VTC News) - Gần 40 năm miệt mài nghiên cứu về nông sản, tăng năng suất cây trồng, GS.TS Nguyễn Minh Thủy sở hữu 150 bài báo quốc tế, gần 50 công trình nghiên cứu.

GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy (SN 1961, quê Chợ Mới, An Giang) đang là giảng viên cao cấp, Phó khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ. 

Nữ giáo sư dành gần 40 năm tìm lời giải bài toán nông sản Việt được mùa mất giá - 1

Giáo sư Nguyễn Minh Thuỷ và sinh viên.

Nâng tầm nông sản Việt

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Chín Rồng - Đồng bằng sông Cửu Long, hơn ai hết, GS Thuỷ hiểu nơi đây được thiên nhiên ưu ái, đa dạng về nông sản thực phẩm, nhưng từ trước tới nay rất ít được nghiên cứu, thường xuyên xảy ra tình trạng nông sản được mùa lại rớt giá, hết cứu hành tím lại sang cứu thanh long, cứu dưa hấu rồi cứu bầy heo…

“Từ thực tế trên, tôi trăn trở làm sao giải quyết hiệu quả nguồn nguyên liệu này cho Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó là cả nước”, bà nói.

Thời điểm chín của nông sản không kéo dài, nếu để lâu sẽ hư hỏng hoặc giảm giá trị dinh dưỡng. Vấn đề đặt ra là phải tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu và bảo quản đạt chất lượng sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm đa dạng, phục vụ người tiêu dùng, tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Để làm được điều này phải đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Nếu không có công nghệ cao thì nông nghiệp vẫn là nông nghiệp, đời sống người nông dân không được cải thiện.

Những trăn trở này được bà nghiên cứu, học hỏi suốt 16 năm học thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài.

Năm 2007, sau khi hoàn thành tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm tại Vương quốc Bỉ, bà Thuỷ về nước và bắt tay vào việc chế biến nông sản đặc thù của từng tỉnh thành. Bà đặt ra bài toán chế biến cây mía ở Hậu Giang để mía đạt chữ đường (CCS) cao nhất, thời gian lưu trữ hợp lý, không bị mất chất lượng, người dân không bị thương lái ép giá.

Sau hai năm nghiên cứu, năm 2010 công trình của bà thành công. Người dân vùng mía Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ tỉnh Hậu Giang vui mừng khôn xiết.

Bà tiếp tục nghiên cứu với hàng loạt loại trái cây, rau củ ở các tỉnh khác, trong đó, tập trung khai thác sâu hơn về chất lượng nguyên liệu và sử dụng các nguồn đặc sản của địa phương, với hai hoạt động song song là bảo quản nguồn nguyên liệu cho sử dụng tươi và chế biến sản phẩm để mang lại giá trị cao hơn cho các nguồn đặc sản quý này.

Nữ giáo sư dành gần 40 năm tìm lời giải bài toán nông sản Việt được mùa mất giá - 2

GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy (thứ 3 từ trái qua) và các sinh viên học tập, nghiên cứu

Trước thực tế thị trường ngày càng nhiều sản phẩm không sạch, ngậm hóa chất, bà Thủy chuyển hướng nghiên cứu sản phẩm sạch, như cách lấy nước thốt nốt chất lượng sạch nhất, rượu vang thốt nốt, rượu vang khóm và các sản phẩm nước ép trái cây các loại: gấc, bí đỏ, đậu biếc, thanh long, sen, gạo, mướp đắng rừng, mãng cầu xiêm và ta, chùm ngây, thanh trà, thanh long, ổi ruột đỏ… Tất cả sản phẩm đều từ nguyên liệu thật, đảm bảo chất dinh dưỡng, không chất bảo quản, không chất tạo mùi, tạo vị, được thị trường đón nhận.

Công trình thành công nhất gần đây của GS Nguyễn Minh Thủy và nhóm nghiên cứu là trích ly các hợp chất màu tự nhiên/hợp chất sinh học/chất chống oxy hóa (phytonutrients) từ thực vật như hành tím, hoa đậu biếc, lá cẩm, thanh long ruột đỏ, quả dành dành, dâu tằm, vỏ chuối xanh... bằng các kỹ thuật mới.

Theo bà, hoạt động này giúp mọi người nhận thức đúng đắn, hiểu biết về công nghệ trích ly màu sắc tự nhiên vốn có từ nguồn thực phẩm đa dạng trong nước, hỗ trợ cho các hộ gia đình và cơ sở sản xuất ý thức tốt về sử dụng nguồn nguyên liệu an toàn trong chế biến sản phẩm thương mại. Kết quả của đề tài cũng lần đầu tiên công bố các hợp chất màu tự nhiên hiện diện trong hoa đậu biếc, giúp người sử dụng yên tâm với việc sử dụng chất tạo màu rất đẹp, hấp dẫn từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, dễ trồng và phát triển trong nước.

Các kỹ thuật áp dụng cũng thể hiện tính ưu việt trong nâng cao hiệu suất trích ly các hợp chất màu. Các biến đổi chất màu từ các kỹ thuật chế biến nhiệt một số sản phẩm bánh dân gian và thực phẩm phổ biến đã được kiểm soát rất thành công.

“Các nghiên cứu hiện nay của nhóm còn tập trung vào phát triển các công nghệ chế biến các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, người già và đối tượng khác trong cộng đồng. Các chất dinh dưỡng đa dạng trong sản phẩm động vật từ gà, cá tra, tôm.. và các loại rau củ quả phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long được kết hợp trong một công thức với mục đích hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và phòng chống bệnh tật. Sản phẩm tạo ra mang tính tiện dụng, phục vụ nhanh, đặc biệt trong các giai đoạn dịch bệnh COVID-19 kéo dài”, GS Nguyễn Minh Thủy cho biết.

Tính đến nay, GS Nguyễn Minh Thủy nghiên cứu thành công gần 100 sản phẩm công nghệ các loại, từ rau, củ quả, thủy sản và súc sản. Bà chuyển giao cho doanh nghiệp 20 công nghệ, trong đó 8 công nghệ được đăng ký thương hiệu chính thức. Hiện các sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn và bán rộng rãi trên thị trường.

“Chưa từng nghĩ sẽ ngừng nghiên cứu”

Gần 40 năm làm khoa học, đồng thời cũng là nhà giáo, GS.TS Nguyễn Minh Thủy nói vui rằng, tình yêu nghề của bà... đến muộn.

Ban đầu bà đến với nghề giáo là cơ duyên chứ chưa thực sự hiểu rõ nó, nhưng dần dà, khi bắt đầu đứng trên giảng đường, bà lại bị lôi cuốn bởi nguồn kiến thức mới phải giảng dạy, bởi những ánh mắt yêu thương của sinh viên từ các nơi về học cùng một mái trường.

Nữ giáo sư dành gần 40 năm tìm lời giải bài toán nông sản Việt được mùa mất giá - 3

 

“Khi ấy, tôi thấy cần phải hỗ trợ các em thật nhiều. Tôi khát khao đem những điều mình tìm hiểu, nghiên cứu để truyền dạy các em.

Niềm vui, hạnh phúc không phải là điều gì quá lớn lao và xa xôi, dần dần lớp học trở thành nơi mà cả cô trò chúng tôi muốn đến mỗi ngày. Tôi luôn tâm niệm , lớp học là nơi có tình yêu thương, sinh viên được tôn trọng và được là chính mình trong những buổi học tập, thảo luận hăng say. Cứ như vậy, lòng yêu khoa học hòa quyện trong tình yêu nghề giáo, trở thành một phần cuộc đời tôi”, Giáo sư nói.

Với bà, dù chọn nghề hay nghề chọn thì vẫn phải cống hiến nhiệt tâm. Nghiên cứu khoa học và nghề giáo là hai lĩnh vực không tách rời nhau, mà mang lại sự bổ trợ tuyệt vời. Những kết quả nghiên cứu thành công luôn được bà lồng ghép và truyền tải trong các buổi học, giúp sinh viên, học viên có thể tiếp cận các kiến thức mới nhất, áp dụng hiệu quả vào thực tế khi ra trường và hoạt động ở lĩnh vực chuyên môn có liên quan.

Công việc là vậy nhưng là nhiều lúc nữ giáo sư phải tính toán chi li từng phút để chăm sóc cho gia đình. Bà nói bản thân may mắn vì được gia đình ủng hộ, nhất là người bạn đời thấu hiểu và sẻ chia. Chồng bà đang công tác tại khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, luôn hỗ trợ, khuyến khích và đề xuất thêm các ý tưởng mới trong nghiên cứu của vợ.

“Ngoài tình yêu thương và động viên của gia đình, tôi còn được quan tâm và hỗ trợ rất lớn của nhà trường. Nếu không có hai điều này, tôi rất khó tập trung cho nghiên cứu”, GS Thủy chia sẻ.

Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, giữa tháng 5/2022, GS Nguyễn Minh Thuỷ là một trong hai nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học được Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam quyết định vinh danh vì thành tích xuất sắc trong trong hoạt động nghiên cứu, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. 

Nhìn lại chặng đường 38 năm nghiên cứu khoa học và giảng dạy, tôi thấy thật ý nghĩa vì đã đồng hành lâu dài với sự phát triển của nền khoa học Việt Nam và khẳng định vai trò của các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu và ứng dụng, góp phần mang lại các giá trị kinh tế cho đất nước. Tôi lại càng nhận thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác nghiên cứu, thấy cần phải hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, góp phần cùng cả nước nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ nữ trí thức, đặc biệt là ở vùng đất Chín Rồng, nơi mà tôi đã từng gắn bó...”, GS Thuỷ chia sẻ.

GS Nguyễn Minh Thuỷ có 28 công trình nghiên cứu khoa học được công bố ở các kỷ yếu trong nước và quốc tế; báo cáo 48 công trình/kết quả nghiên cứu tại các hội thảo khoa học chuyên ngành trong nước (16 công trình) và quốc tế (32 công trình). Bà từng được nhận bằng khen của Thủ tướng, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 10 bằng khen của Bộ GD&ĐT, 2 lần đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Giải thưởng “100 Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước”...

Các sinh viên nói giáo sư Thủy luôn cố gắng mang đến kiến thức thực tiễn từ kết quả nghiên cứu khoa học vào bài giảng, chọn phương pháp dạy học tích cực để học sinh nhanh hiểu bài và yêu thích môn học mình phụ trách.

PGS.TS. Nguyễn Công Hà, Trưởng Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ nhận xét: “GS Thuỷ là người sống chan hoà với đồng nghiệp và học trò, được mọi người quý mến. Với những cống hiến và thành tích đạt được, bà là niềm tự hào của Bộ môn Công nghệ thực phẩm nói riêng, trường Đại học Cần Thơ nói chung”.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn