Tuy nhiên, mọi việc chưa dừng lại, các bị hại vẫn tỏ ra vô cùng bức xúc vì họ cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ lọt vai trò đồng phạm của Nguyễn Trường Trung (chồng Hà). Hơn thế, tại tòa cũng chưa làm rõ được khoản tiền vợ chồng Hà - Trung lừa đảo chiếm đoạt hiện tẩu tán ở đâu?
Cặp “bài trùng” lừa đảo
Qua các tài liệu của bị hại cung cấp cho thấy, trong rất nhiều giấy vay nhận tiền mặt đều có sự xuất hiện tên cả hai vợ chồng Trần Thị Ngọc Hà và Nguyễn Trường Trung. Trung vốn là cán bộ Cty tư vấn cầu đường bộ Nghệ An lại có quan hệ họ hàng thân thích với chồng chị Lê Thị Hiệp (người cho vợ chồng Hà -Trung vay số tiền lớn nhất trong số 12 bị hại được TAND tỉnh Nghệ An xác nhận tính đến thời điểm kết thúc phiên xét xử sơ thẩm) nên đã lợi dụng tình cảm nhằm chiếm đoạt tài sản.
Nữ đại úy lừa đảo liêu xiêu bước ra xe đặc chủng trở về nhà lao. |
Đơn khiếu nại đề ngày 15.4.2013 của chị Lê Thị Hiệp gửi Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan phản ánh: Từ tháng 6.2011 đến tháng 10.2011, vợ chồng Trần Thị Ngọc Hà đến nhà chị Hiệp đặt vấn đề mượn tiền với lý do đảo vay ngân hàng vì đã đến hạn phải trả tiền mua thửa đất có giá trị kinh tế lớn tại đường Lê Nin, TP.Vinh.
Cụ thể, ngày 26.7.2011, cả hai vợ chồng Hà -Trung cùng nhau đến gặp gia đình chị Hiệp hỏi vay 3 tỉ đồng. Trước tình huống này, anh Lương Đình Diện (chồng chị Hiệp) hỏi Nguyễn Trường Trung rằng: “Vợ chồng cháu vay tiền để làm gì”? Nguyễn Trường Trung nói: “Hà và cháu mua đất đai làm ăn nghiêm chỉnh, chắc chắn, chú mự cứ yên tâm giúp bọn cháu”.
Nhận thấy sự hoài nghi của anh Diện, Trung khẳng định sẵn sàng thế chấp ủy quyền định đoạt hai thửa đất có trích lục mang số BB 800970 do UBND TP.Vinh cấp ngày 8.7.2000 và trích lục số BC 019459 do UBND thị xã Cửa Lò cấp ngày 14.7.2010. Từ sự quả quyết của Trung, vợ chồng chị Hiệp đồng ý cho “cặp đôi lừa đảo” rút khỏi két 3 tỉ đồng êm đẹp.
Chi tiết đáng chú ý trong phi vụ này đó là sau khi lấy được tiền từ gia đình chị Hiệp và đã ký giấy ủy quyền, nhưng Trung - Hà vẫn ngang nhiên mang sổ đỏ số BB800970 thế chấp cho một người khác (không thông qua gia đình chị Hiệp) để tiếp tục hành trình lừa đảo. Tương tự, với trích lục đất BC 019459, đứng tên Trung - Hà được đưa đến thế chấp ở Ngân hàng Chi nhánh SHB đóng trên đường Thái Phiên, TP.Vinh để “rút” thêm 700 triệu đồng.
Chị Lê Thị Hiệp phân tích: “Không phải riêng cá nhân tôi, mà còn có nhiều bị hại khác đều rất bức xúc trước kết luận của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An rằng: “Chưa đủ cơ sở để điều tra Nguyễn Trường Trung về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với lý do: Trung tin tưởng vợ nên có hành vi ký vào các hợp đồng vay tiền giữa Trần Thị Ngọc Hà và các bị hại. Nguyễn Trường Trung không biết trước Hà có ý thức chiếm đoạt tiền của người khác.
Tôi đã nghiên cứu kỹ, ngay trong hồ sơ vụ án cũng phản ánh, Nguyễn Trường Trung tham gia từ đầu đến cuối việc chuyển quyền sử dụng đất tại thị xã Cửa Lò cho chị Lê Thị Xuân. Trung cùng vợ ra gặp anh Lê Văn Tám - xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc đàm phán chuyển nhượng lô đất rộng 240m2 rồi chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng. Bởi vậy Nguyễn Trường Trung không thể vô can được”.
Cần làm rõ vai trò đồng phạm
Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Nguyễn Trọng Điệp - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An (người bảo vệ quyền lợi cho các bị hại) tỏ rõ quan điểm: Trong cáo trạng, Viện KSND tỉnh Nghệ An lập luận, Nguyễn Trường Trung không ý thức được hành vi lừa đảo của vợ nên Trung không phải là đồng phạm đã đi ngược lại với khoa học hình sự Việt Nam.
Hơn thế, trong hồ sơ vụ án đã có đầy đủ chứng cứ. Từ một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Trung - Hà mang đi thế chấp lừa đảo nhiều người chứng minh cho việc làm gian dối không thể chối cãi của Trung.
Theo lời khai của bị hại cũng như các chứng cứ cụ thể thì chồng của bị cáo Hà xuất hiện tới bảy lần trong việc xác lập thành công mục đích lừa đảo. Ngày 13.10.2011, chính Trung trực tiếp lái xe ôtô chở vợ đến nhà chị Lê Thị Hiệp ký giấy vay số tiền 520 triệu đồng.
Trong trường hợp này phải căn cứ theo lời khai của bị hại. Bởi có nhiều bị hại gửi đơn kèm theo giấy nhận nợ và bút tích của người làm chứng trong đơn, do đó nội dung tố cáo là có cơ sở. Vì vậy quan điểm của Viện KSND tỉnh Nghệ An cho rằng Nguyễn Trường Trung đứng ngoài cuộc là chưa khách quan.
“Phải hiểu rằng ở đây không cần ông vay tiền về rồi trực tiếp tiêu xài mới phạm tội lừa đảo. Xét về mặt vật chất thì Nguyễn Trường Trung đã có hành vi ký giấy vay tiền rõ như ban ngày. Hơn nữa, nếu không có sự xuất hiện của Trung đến hứa hẹn thì Trần Thị Ngọc Hà khó có thể lấy được niềm tin của các bị hại. Chính vì lẽ đó Nguyễn Trường Trung phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình gây ra. Việc không khởi tố Nguyễn Trường Trung là không đúng theo quy định của pháp luật” - luật sư Điệp nói.
Ngoài ra còn có dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo, đó là ngày 26.7.2011, hai vợ chồng bị cáo Hà làm thủ tục thế chấp thửa đất 659 tờ bản đồ số 06 thuộc địa bàn xã Nghi Thu, thị xã Cửa Lò để chị Lê Thị Hiệp giải ngân cho vay 1,9 tỉ đồng. Trung - Hà không giao sổ đỏ cho chị Hiệp mà mang giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất trên đến Ngân hàng SHB thế chấp vay tiếp 700 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Trọng Điệp phân tích thêm: “Dựa trên khoa học pháp lý và tình hình thực tế giữa bị cáo có quan hệ vợ chồng với Nguyễn Trường Trung với vai trò đồng chủ sở hữu lô đất, nếu không có sự tiếp tay của người đồng sở hữu thì không có cách gì rút được tiền của cá nhân và ngân hàng được”.
Tiền chiếm đoạt đang tẩu tán ở đâu?
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên mức phạt tù chung thân đối với bị cáo Trần Thị Ngọc Hà, buộc bị cáo phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự trả lại số tiền hơn 20 tỉ đồng cho các bị hại, trong đó có cả phần trách nhiệm của Nguyễn Trường Trung.
Tuy nhiên, điều lạ là trong cáo trạng, Trần Thị Ngọc Hà khai vay của người này để trả cho người kia, song cáo trạng không làm rõ được việc Hà dùng tiền vay trả cho những ai, trả bao nhiêu tiền? Trong khi trao đổi với PV Báo Lao Động, các bị hại đều khẳng định họ chưa hề nhận được Hà trả đồng nào, kể cả tiền gốc.
Bị hại Đậu Song Toàn, trú khối phố III, phường Trường Thi, TP.Vinh kể: Lợi dụng mối quan hệ quen biết với gia đình, Trần Thị Ngọc Hà nói cần vay tiền cho cơ quan để giải quyết công việc tập thể, do biết Hà làm việc tại PC64 Công an tỉnh Nghệ An nên gia đình anh Toàn tin tưởng cho Hà vay 500 triệu đồng trong thời gian một tháng 24.10-24.11.2011.
“Nhưng đến hạn tôi đòi tiền thì Hà trốn tránh không gặp mặt, gọi điện “kẻ lừa đảo” không nghe máy, cho tới khi Hà bị bắt mọi việc mới vỡ lở. Vợ chồng tôi đang sống trong cảnh không nhà cửa, kiệt quệ bởi hành vi lừa đảo của nữ đại úy công an Trần Thị Ngọc Hà” - anh Toàn nhắn nhủ.
Để đảm bảo việc thi hành án, các bị hại đề nghị cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ về số tiền hơn 20 tỉ đồng Trần Thị Ngọc Hà lừa đảo chiếm đoạt hiện đang được tẩu tán ở đâu?
Bình luận