“Lời chào đi trước"
“Thượng đế Việt ngỡ ngàng trước ông chủ cây xăng Nhật”, “Từ văn hóa cúi chào của người Nhật ngẫm về cách làm dịch vụ xứ ta” là những dòng status (trạng thái) tràn ngập trên mạng xã hội những ngày vừa qua, khi cộng đồng truyền đi bức ảnh ông chủ cây xăng người Nhật cầm ô, cúi gập người dưới mưa đón và tiễn khách vào mua xăng tại một cây xăng mới mở ở Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội).
Cúi đầu chào khách – nét văn hóa quen thuộc của các doanh nghiệp Nhật Bản, khi sang đến Việt Nam lại bất ngờ được công chúng hồ hởi chào đón, cộng đồng xôn xao bình luận. Dĩ nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng đón nhận việc mình được cúi chào khi vào một cửa hàng, một siêu thị. Nhưng điều đơn sơ và giản dị nhất là một nụ cười niềm nở, nồng hậu cùng lời chào đón ngọt ngào, hẳn là điều mà ai cũng mong muốn và sẽ chạm sâu vào trái tim. Không như “bún mắng”, “cháo chửi” nổi tiếng trên CNN một thủa.
Đối với người làm du lịch, hình ảnh “một nụ cười chạm đến trái tim” càng có ý nghĩa sống còn để tạo dựng thương hiệu những khu du lịch văn minh, thân thiện. Điều chưa hẳn ai cũng biết, là từ rất lâu rồi, ở các khu du lịch Sun World (thương hiệu vui chơi, giải trí của Tập đoàn Sun Group) và tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn của Tập đoàn này, hình ảnh nhân viên thân thiện cúi người, nở nụ cười “xin chào” đã trở nên rất thân thuộc trong mắt du khách.
Có cả một quy trình chi tiết về văn hóa “Xin chào” được đào tạo tới từng vị trí nhân viên các khu du lịch Sun World Ba Na Hills, Sun World Danang Wonders, Sun World Fansipan Legend, Sun World Halong Complex. Bất kể ai, ở vị trí nào, trước tiên sẽ niềm nở nói “Xin chào” và mỉm cười cúi đầu chào khách trước khi đưa ra hướng dẫn quy trình tham quan hay đưa ra các chỉ dẫn du lịch.
Nói lời “Xin chào” sao cho đúng nơi đúng lúc, cúi người như thế nào là vừa phải, trân trọng người già ra sao, thân ái với trẻ nhỏ thế nào, chào khi khách đến, chào lúc khách đi tất cả đều được chuẩn hóa thành quy tắc ứng xử. Lời “Xin chào” mến khách thường trực trên môi từ nhân viên an ninh tới nhân viên hướng dẫn khách lên cáp treo.
Ở Sun World Ba Na Hills, những tấm biển “xin chào” thậm chí được thiết kế công phu, ngộ nghĩnh và đặt khắp chốn. Dòng chữ “Xin chào” với hình ảnh gần gũi biểu tượng cho khu du lịch như hoa đào chuông, cabin cáp treo, cổng thành... xuất hiện ở khu bán vé, các nhà ga hay bàn lễ tân thay nụ cười rạng ngời, tạo ấn tượng về một khu du lịch thân thiện, gần gũi.
Sun World Halong Complex (Quảng Ninh) còn xây dựng Nguyên tắc 86: Cười với khách hàng trong vòng 8 bước; chào trong vòng 6 bước.
Lời chào từ trái tim
Không chỉ khẩu hiệu “Xin chào”, văn hóa “Cảm ơn” và văn hóa “Xin lỗi” cũng được lan tỏa khắp các khu du lịch Sun World và các khu nghỉ dưỡng do Sun Group đầu tư. Đại diện Sun World Fansipan Legend chia sẻ: Dù khách hàng có sử dụng hay không sử dụng dịch vụ vẫn phải dành lời cảm ơn và phải luôn biết xin lỗi khách hàng trước tiên kể cả khi lỗi xuất phát từ phía khách.
Tại Hội thảo Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng du lịch cách đây chưa lâu, ông Hoàng Việt Cường Phó Tổng GĐ Tập đoàn Sun Group cho hay: “Chúng tôi chú trọng đến việc tạo dựng văn hóa, văn minh cho những điểm đến du lịch của Sun Group, nhằm tạo dựng đẳng cấp, chất lượng ngay từ ý thức làm du lịch, ý thức, thái độ phục vụ của từng cá nhân trong ngành du lịch. Văn hóa, văn minh không phải từ những gì cao siêu mà đơn giản ngay trong những nghi thức cúi mình xin chào khách từ lúc khách đến cho đến khi khách đi”.
Cùng với văn hóa “Xin chào”, nhiều quy tắc ứng xử văn minh khác như trả đồ thất lạc cho khách, giúp đỡ người khuyết tật, làm sạch môi trường… đã được thiết lập ở tất cả các khu du lịch Sun World. Tất cả đem đến cho du khách một cảm nhận đẹp, một dấu ấn đặc biệt, một lý do để thêm yêu và quay trở lại.
Nếu chưa tin, bạn có thể đến bất kỳ khu du lịch nào của Sun World, ở đâu bạn cũng tìm ra lối đi dành riêng cho người khuyết tật. Đội ngũ nhân viên mẫn cán, chuyên nghiệp luôn túc trực mọi nơi sẵn sàng hỗ trợ bất cứ người khuyết tật nào cần giúp đỡ. Xe lăn được đặt trong tất cả các nhà ga, giúp người khuyết tật dễ dàng tới được nơi mình muốn. Dù đón tiếp tới 2 triệu lượt khách/năm, nhưng mọi du khách lên tới Sun World Ba Na Hills đều được phục vụ, hỗ trợ tận tâm.
Còn tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Lào Cai), định kỳ mỗi tuần, đội kỹ thuật sẽ đu dây quanh đỉnh Fansipan để thu gom rác thải. Đội ngũ y tế và an ninh túc trực ở mọi nơi trên ga đến, để sẵn sàng cõng hoặc trợ giúp người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật.
Sự tận tâm và chuyên nghiệp ấy từ những người làm du lịch đã lan tỏa tự nhiên đến ứng xử của du khách. Hình ảnh “người Việt xấu xí” tại các điểm công cộng đã dần được thay bằng những hành vi văn minh như giữ gìn trật tự tại các điểm tham quan, không chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng, không mang đồ ăn hay vứt rác bừa bãi không đúng quy định.
Du lịch Việt đang khởi sắc mỗi ngày không chỉ bằng sự đầu tư chuyên nghiệp, bài bản, bằng những công trình ghi danh Việt Nam lên bản đồ thế giới mà sâu xa hơn, là từ tư duy làm du lịch văn minh, chuyên nghiệp, từ cái tâm của những người muốn góp sức cho hình ảnh đẹp của điểm đến Việt Nam.
Bình luận