• 6
  • Zalo

Nữ công nhân dằn lòng cắt bớt bữa ăn giữa tâm dịch Gò Vấp

Đời sốngThứ Bảy, 05/06/2021 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Giữa tâm dịch Gò Vấp, cuộc sống của những nữ công nhân vốn đã khó nay càng khó hơn, có những ngày phải cắt bớt bữa ăn để mong cầm cự nổi qua cơn đại dịch.

Một buổi chiều đầu tháng 6, trời Sài Gòn nắng vàng sau những cơn mưa bất chợt, chúng tôi tìm tới khu trọ của những công nhân ở tâm dịch Gò Vấp mà lòng hơi chùng xuống, lo vì khó tiếp xúc do dịch bệnh, phần nhiều lại lo vì họ đã bỏ phố về quê do chẳng còn cầm cự nổi nơi phố thị. 

Nữ công nhân dằn lòng cắt bớt bữa ăn giữa tâm dịch Gò Vấp - 1

Những đứa trẻ vui chơi trong không gian chật hẹp tại khu trọ phường 14, quận Gò Vấp.

Men theo con lộ lớn, mãi phóng viên mới tìm thấy con hẻm nhỏ 22/13 đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp. Con hẻm bé tẹo này là nơi sinh sống của mấy chục cặp vợ chồng là công nhân, họ giờ đây chính là những người yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất ngay giữa tâm dịch của Sài Gòn.

Dằn lòng cắt bớt bữa ăn vì chẳng còn lại mấy đồng

Thấy người lạ xuất hiện trong khu trọ khi mà cả quận đang giãn cách xã hội, chị Kha Bảo Ngọc (28 tuổi, quê Nghệ An) hơi rụt rè, ngại tiếp xúc. Phải mất gần 30 phút thuyết phục chị mới thoải mái trò chuyện với chúng tôi.

Trong cái nắng chiều Sài Gòn buồn rười rượi, chị Ngọc từ từ kể về đời mình, theo như cách chị nói là "buồn vô hạn" nhất là lúc dịch bệnh thế này.

Là công nhân may ở phường 13, quận Gò Vấp, nhưng là diện công nhân thời vụ, dịch bệnh công ty tạm đóng cửa khiến chị chẳng có việc làm, cũng không được hỗ trợ gì, giờ chị phải quanh quẩn ở nhà chờ chồng đang làm shipper giao hàng cho một ứng dụng về mới bớt lo.

"Buồn lắm chú ơi, từ khi dịch bệnh phải phong toả, tôi chỉ loanh quanh trong căn phòng trọ hơn 10m2 này, chẳng biết làm gì, chỉ biết ngóng chồng về và theo dõi tin tức thôi. COVID kinh khủng quá, để chồng ra ngoài làm lúc này cũng chẳng yên tâm, nhưng còn cách nào khác đâu", nói xong 2 vai chị buông thõng, mắt nhìn xa xôi. 

Suốt cuộc trò chuyện gần tiếng đồng hồ, người phụ nữ gốc miền Trung ấy tỏ ra buồn rầu, sợ hãi khi nghĩ về tương lai trong tâm dịch này. Cuối cùng chỉ mong dịch bệnh sớm qua.

Nữ công nhân dằn lòng cắt bớt bữa ăn giữa tâm dịch Gò Vấp - 2

Chị Kha Bảo Ngọc đang chuẩn bị bữa tối chờ chồng về.

Chị kể tiếp, trước khi tạm nghỉ chị được công ty chi trả 7 triệu đồng cho tháng lương gần nhất. Dùng số tiền đó, chị đi mua 1 thùng mỳ tôm, 1 thùng phở, gạo và vật dụng khác.

"Số tiền còn lại, tôi hạ quyết tâm giữ càng lâu càng tốt để "chiến đấu" với viễn cảnh cuộc sống ngặt nghèo. Lúc trước đi làm có thu nhập nên ngày ăn 3 bữa. Bây giờ ở nhà tiền không có, phải tự cắt bữa trưa. Dịch dã không làm được gì rồi nên tiết kiệm chút nào hay chút ấy", nữ công nhân vừa nói vừa liên tay chuẩn bị cơm tối chờ chồng về.

Trong tâm trí người phụ nữ này, giờ chỉ còn 2 từ "về quê", mong lắm nhưng quận Gò Vấp đang thực hiện giãn cách, giờ có muốn cũng không về được. 

"Lại gắng thôi chú ạ, gắng mà ở lại Sài Gòn, bám trụ chờ tiền chạy giao hàng của anh thôi, tôi chỉ mong chủ trọ có thể giảm bớt tiền phòng để vợ chồng có thể vượt qua thời gian khó khăn", chị Ngọc nói, rồi tất cả làm cơm tối cho chồng.

"Hôm phong toả, tôi chỉ dám mua 10 gói phở, 10 gói mỳ"

Đối diện nơi vợ chồng chị Ngọc sống là căn phòng trọ vỏn vẹn 15m2 của chị Nguyễn Thị Bình (27 tuổi, quê Thừa - Thiên Huế). Chồng chị Bình là thợ hồ, còn chị từng làm công nhân may ở một cơ sở tư nhân. Hai vợ chồng chị có 3 người con, gái lớn 9 tuổi, gái thứ hai 7 tuổi và trai út 3 tháng tuổi.

Cuộc sống ở quê khó khăn, hai vợ chồng rời quê lên TP.HCM để lập nghiệp hơn 3 năm thì gần một nửa thời gian đối mặt với dịch COVID-19. Tiền làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, không để dành được đồng nào. 

Nữ công nhân dằn lòng cắt bớt bữa ăn giữa tâm dịch Gò Vấp - 3

Mẹ con chị Bình ở nhà chăm nhau giữa tâm dịch Gò Vấp.

Chị Bình đã nghỉ sinh được 3 tháng, giờ đây cả 5 miệng ăn trong nhà chỉ biết trông chờ vào người chồng. 

"Chẳng dám tiêu gì, giờ chi ra một đồng cũng đứt ruột", chị Bình nhẹ nhàng nói với phóng viên bằng giọng Huế không lẫn đâu được. 

"Hôm biết lệnh phong tỏa, tôi chỉ dám mua 10 gói mỳ và 10 gói phở. Mỗi ngày cả gia đình chỉ bỏ 30.000 - 40.000 tiền thức ăn, mua con cá, miếng thịt về kho và ít rau về nấu canh thôi. Chứ dịch còn dài nữa thì lấy tiền đâu mà hoang phí, phải tiết kiệm lại", chị Bình kể tiếp.

Trong cái không khí ẩm đạm giữa tâm dịch, người ta muốn vui cũng không vui được. Đến nỗi, người phụ nữ 27 tuổi ấy chưa một lần cười trong suốt buổi trò chuyện với phóng viên. Bây giờ, chị chỉ biết chăm con, xem tin tức mỗi ngày và chờ chồng về.

"Chỉ mong các con bình an, khôn lớn, mong dịch qua mau cả chúng tôi không biết xoay xở thế nào", vừa xót xa nói, chị vừa lấy bình sữa mới pha đút cho đứa nhỏ.

Nữ công nhân dằn lòng cắt bớt bữa ăn giữa tâm dịch Gò Vấp - 4

Gia đình chị Bình phải thắt chặt chi tiêu để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Người mẹ 3 con cho hay, dịch mấy hôm vừa rồi diễn biến phức tạp, dù rất sợ chồng ra ngoài không an toàn song vì miếng cơm manh áo, chị chỉ còn biết cách dặn dò anh cẩn thận hơn.

"Khổ lắm chú à, chồng đi làm thợ hồ, tiền mang về không đủ để trang trải cuộc sống. Mỗi ngày mở mắt ra đã mất 100.000 tiền trọ rồi, rồi tiền học, tiền sữa của con, nhiều khoản phải lo nữa. Để chồng đi làm trong mùa dịch này thì sợ anh có chuyện gì, mà anh ấy ở nhà thì...", người phụ nữ thở dài, lại bỏ lửng câu nói.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM thông tin, từ 26/5 đến nay, thành phố ghi nhận 293 trường hợp nhiễm mới có liên quan đến chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục Hưng và đã lấy 323.204 mẫu xét nghiệm, trong đó 4.835 tiếp xúc gần, 318.369 tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm.

Kết quả trong 4.835 mẫu tiếp xúc gần đã có 4.322 mẫu có kết quả âm tính, 513 đang chờ kết quả. Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm đã có 120.183 mẫu có kết quả âm tính, 198.186 mẫu đang chờ kết quả.

Hoàng Thọ

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ
Bình luận (6)
vtcnews.vn
vtcnews.vn

Đề nghị hội thánh tin lành và truyền giáo phục hưng đến thăm và hỗ trợ cho họ!

4 năm trướcPhản hồi
vtcnews.vn

Dịch bệnh đã khổ, người mưu sinh qua ngày còn khổ sở hơn. Mong sao cho dịch sớm qua đi để người dân còn trở lại cuộc sống bình thường.

4 năm trướcPhản hồi
vtcnews.vn

Cho mình hỏi có thể xin thông tin của 2 gia đình này không ạ ? mình muốn giúp đỡ 1 phần nhỏ cho họ.

4 năm trướcPhản hồi
vtcnews.vn

Bạn có thể liên hệ qua sdt mình (tác giả bài viết) để gửi thông tin. 0979479601

4 năm trước Phản hồi
vtcnews.vn

Tôi cũng mong có thông tin

4 năm trước Phản hồi
Cùng chuyên mục
Tin mới