Một diễn đàn lớn dành cho giới trẻ mới đây đăng tải ảnh chụp nữ cảnh sát giao thông xinh đẹp khi làm nhiệm vụ, thu hút hơn 11.000 like (thích), 1.000 chia sẻ với lời bình: "Mời các cụ lên Yên Bái quê em, cảnh sát giao thông dễ thương lắm ạ!".
Khoảnh khắc xinh đẹp của nữ cảnh sát giao thông. Ảnh: Tây Bắc 24h. |
Phần lớn dân mạng bày tỏ sự khen ngợi trước ngoại hình nổi bật từ cô gái. Bức ảnh được chụp khá xa, nhưng người xem vẫn nhận ra gương mặt thanh tú, sống mũi thẳng, góc nhìn nghiêng dễ thương của nữ cảnh sát.
Thành viên Nguyễn Đức Hiếu hài hước bình luận: "Những ai vi phạm giao thông được gặp bạn này chắc cũng đỡ căng thẳng, vì cảnh sát xinh thế này mà".
Mạnh Hà nhận xét: "Lần đầu thấy cảnh sát giao thông ở đường là con gái đấy, mà lại còn xinh quá!".
Bên cạnh đó, không ít người lo lắng việc đứng quản lý giao thông giữa đường nắng nóng là quá sức với phái nữ.
"Mình đàn ông đứng lâu dưới nắng còn mệt. Mấy hôm 39-40 độ C, không biết bạn ấy phải làm thế nào? Khổ thân quá đi!", nickname Nguyễn Vũ An e ngại.
Ngọc Ánh đã khóa Facebook vì chịu áp lực từ dân mạng. Ảnh: FBNV. |
Không chỉ dành lời khen ngợi, dân mạng còn liên tục tìm kiếm những thông tin về nhân vật chính trong ảnh.
Theo đó, cô gái này là Trần Thị Ngọc Ánh. Cô là sinh viên mới tốt nghiệp, đang trong quá trình thực tập. Khoảnh khắc trên được chụp tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Sau khi bất ngờ nổi tiếng mạng, Facebook của Ngọc Ánh nhanh chóng bị "tấn công" bởi những lời mời kết bạn, bình luận trêu chọc, đùa cợt khiếm nhã.
Nhiều người chỉ trích công việc của nữ cảnh sát. Họ cho rằng, cô tự đưa ảnh lên Facebook để câu view, câu like, quy kết cô "chân dài, não ngắn". Một số lại nhận xét việc xõa tóc khi làm việc là sai quy định ngành... bằng lời lẽ thô tục.
Bạn bè của Ngọc Ánh đã phải lên tiếng giải thích, cho biết khoảnh khắc bị chụp lén là khi cô vừa bị đồng nghiệp làm gãy cặp tóc, đang tìm cách buộc gọn lại. Cô chỉ đang trong thời gian thực tập vì vừa ra trường.
Thế nhưng, những lời châm chọc, chỉ trích vô cớ vẫn liên tục đến từ những người không quen. Ngày hôm nay, nữ cảnh sát phải quyết định khóa trang cá nhân.
Những lời chỉ trích khiếm nhã và vô văn hóa đến từ những người không quen biết. Ảnh chụp màn hình. |
Ngọc Ánh không phải nạn nhân đầu tiên của thói thích "ném đá" trong cộng đồng mạng. Trước đó, trong kỳ thi Đánh giá năng lực - ĐHQG Hà Nội, điểm thi tại Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), nữ sinh Nguyễn My - học sinh trường THPT Trần Phú - từng lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia.
Từ một Facebook vô danh, cô gái nhanh chóng thu hút gần 10.000 người theo dõi, nhận vô số "bom" bình luận và yêu cầu kết bạn từ dân mạng. Ngay lập tức, My cũng phải khóa Facebook.
Kim Wonsuk - chàng sinh viên ĐH Hanseo, Hàn Quốc - chắc không ngờ được rằng, chỉ vì vài bức ảnh chụp trộm bị đưa lên mạng, Instagram của anh nhanh chóng bị "tấn công" bởi hàng loạt bình luận khiếm nhã. Không chỉ thế, bạn gái của chàng trai Hàn Quốc cũng bị mang ra chế giễu, đùa cợt.
Danh sách nạn nhân của dân mạng có thể là nữ sinh, sinh viên nước ngoài, chuyên viên ngoại giao, cảnh sát giao thông...
Chỉ vì một khoảnh khắc, một bức hình của họ được đăng lên mạng, các bạn trẻ sẵn sàng tìm ra mọi chi tiết trong đó để phán đoán, đào bới, phán xét cuộc sống của người khác. Họ không cần biết, nhân vật chính sẽ phải chịu sự tổn thương thế nào, cuộc sống bị xáo trộn ra sao.
Nữ cảnh sát kẹp cổ 3 nam thanh niên gây sốt
Bình luận