• Zalo

Nữ cán bộ đoàn bị đuổi việc oan: 'Tôi muốn lấy lại danh dự chứ không cần một công việc bố thí'

Thời sựThứ Hai, 07/08/2017 07:28:00 +07:00Google News

Dù đã được đi làm trở lại sau hơn 1 năm bị đuổi việc oan, nhưng nữ cán bộ huyện đoàn ở Nghệ An luôn sống trong cảnh ấm ức vì bị điều chuyển công tác, mất hết danh dự và bị coi thường.

Đó là câu chuyện của chị Trần Thái Hằng (SN 1985, trú tại khối 6, huyện Đô Lương, Nghệ An), nguyên Uỷ viên thường vụ Huyện đoàn Đô Lương.

Chị Hằng vốn là một cán bộ đoàn xuất sắc nhưng bị đuổi việc oan ức với những lý do không chính đáng. Sau hơn 1 năm đi tìm công lý, chị Hằng được trở lại làm việc, nhưng chị được sắp xếp làm ở một vị trí khác, khiến chị luôn cảm thấy tủi hổ vì bị coi thường và mất hết danh dự.

Video: Chị Trần Thái Hằng bức xúc phản ánh sự việc

Từ một cán bộ đoàn xuất sắc  

Chị Trần Thái Hằng kể lại câu chuyện của mình trong nước mắt, cuối năm 2009, sau khi tốt nghiệp khoa Lịch sử Trường Đại học dân lập Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế), chị nộp hồ sơ thi tuyển công chức của Huyện ủy Đô Lương, Nghệ An. Hồi đó kết quả điểm thi của chị đạt 401,1 điểm/4 môn.

Với kết quả này, chị Hằng được Hội đồng tuyển dụng công chức của Huyện ủy Đô Lương xét đủ điều kiện tuyển dụng theo quyết định số 1051 QĐ/TU ngày 30/10/2008 của Tỉnh ủy Nghệ An (có nghĩa là trúng tuyển).

img_9213-1039418 7

Chị Trần Thái Hằng đau đớn, tủi hổ khi bị đuổi việc oan ức.

Sau đó, đến ngày 17/12/2010, chị Trần Thái Hằng được Huyện ủy Đô Lương ra quyết định số 136 về tuyển dụng cán bộ, bố trí chị công tác  tại cơ quan Huyện đoàn Đô Lương, hưởng lương tập sự 85%.

Ngày 9/3/2012, Huyện ủy Đô Lương đã ra quyết định bổ nhiệm ngạch công chức cho chị (loại A1, mã ngạch 01003, bậc 1/9, hệ số 2,34).

Không lâu sau đó (tháng 11/2012), tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Đô Lương khóa XIX, nhiệm kỳ 2012 - 2017, chị Trần Thái Hằng được bầu vào Ủy viên Ban thường vụ Huyện đoàn. Tháng 10/2013, Huyện ủy Đô Lương đã ký quyết định cho chị Hằng được hưởng phụ cấp chức lãnh đạo 0,15.

Theo nhận xét của Ban thường vụ Huyện đoàn Đô Lương, từ năm 2011 đến 2014, chị Hằng luôn được đánh giá chấp hành tốt các quy chế, quy định của cơ quan; phẩm chất đạo đức tốt, lối sống giản dị, hòa đồng với mọi người, thẳng thắn, trung thực, giữ gìn đoàn kết trong cơ quan.

Trong công việc có năng lực, nhiệt tình và ý thức trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tại địa bàn cư trú luôn gương mẫu, đoàn kết, gần gũi với xóm làng. Từ năm 2011 - 2014, chị Trần Thái Hằng không vi phạm kỷ luật Đảng, nhà nước cũng như vi phạm điều lệ đoàn Thanh niên".

Bỗng dưng bị đuổi việc

Chị Trần Thái Hằng kể lại, sáng 19/3/2015, vừa bước chân đến cơ quan thì bất ngờ nhận được quyết định cho thôi việc với một lý do "trên trời rơi xuống": có bố đi tù, hai anh trai chết vì nghiện ma túy.

Chị Hằng bị sốc nặng vì không biết căn cứ vào đâu mà người ta lại vu oan cho chị một sự việc động trời như vậy.

img_9207-1042156 5

4 năm liền được bầu là cán bộ đoàn xuất sắc nhưng chị Hằng bỗng nhiên bị đuổi việc bởi một lý do phi lý.

Chị Hằng cho biết, Huyện ủy Đô Lương đã căn cứ vào thông báo kết luận số 161-TB/UBKTTU ngày 23/10/2014 của Uỷ ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Nghệ An, kết luận kiểm tra có dấu hiệu vi phạm, tuyển dụng trái quy định của huyện ủy Đô Lương.

Chị Hằng bức xúc: "Không biết người ta căn cứ ở đâu mà trong kết luận số 161 của UBKT tỉnh ủy Nghệ An lại nêu: Trường hợp Trần Thái Hằng được tuyển dụng công chức là con của người buôn bán ma túy đi tù về và em của hai người anh nghiện ma túy, trong đó có người đã chết. Hồ sơ tuyển dụng công chức Trần Thái Hằng kê khai thiếu trung thực, sau khi thẩm tra, xác minh công chức Trần Thái Hằng chưa kê khai lại hoặc bổ sung vào hồ sơ.

Ngoài ra, đồng chí Trần Thái Hằng là cán bộ thiếu trung thực khi khai lý lịch để thi tuyển. Gia đình có tiền sử không có lợi cho công tác vận động quần chúng phòng chống tệ nạn xã hội. Vì vậy phải hủy bỏ quyết định tuyển dụng công chức đối với với Trần Thái Hằng”.

Hành trình đi tìm công lý

Sau khi bị đuổi việc một cách oan ức, từ một Thường vụ huyện đoàn, chị Trần Thái Hằng phải về nhà rửa xe thuê với chồng để kiếm sống. Lúc này, chị Hằng đang phải nuôi hai con nhỏ, một cháu chưa đầy 3 tuổi và một cháu mới 13 tháng tuổi.

Không ít lần chị gửi đơn "cầu cứu" đến các cơ quan chức năng để mong chứng minh lý lịch trong sạch của bản thân, gia đình cũng như làm rõ sự khuất tất trong việc hủy quyết định tuyển dụng cán bộ của Huyện ủy Đô Lương.

wp_20160324_11_20_43_pro-1-3-1042560 8

Đơn thư "cầu cứu" của chị Hằng gửi Bí thư Tỉnh ủy mong được xử lý sự việc. 

Chị Hằng cho biết thêm, bố chị chưa bao giờ bị đi tù. Anh trai chị một người bị chết do bạo bệnh, một anh chết do bị tai nạn giao thông, không hề có chuyện chết do nghiện ma túy như kết luận của UBKT Tỉnh ủy Nghệ An.

Để minh oan cho bố, chị Hằng và anh em trong gia đình nhiều lần đi gõ cửa từng cơ quan chức năng để xin xác nhận.

Sau đó, ngày 9/7/2015, Phòng Hồ sơ Nghiệp vụ (PV27) Công an tỉnh Nghệ An đã có thông báo số 6745 về kết quả tra cứu hồ sơ xác minh lý lịch tư pháp của ông Trần Thái Phương (SN 1946, bố đẻ chị Hằng). Kết quả cho thấy bố đẻ chị Hằng chưa bao giờ phải đi tù. 

Còn trong giấy chứng tử của hai người anh, một người chết do ốm đau, và một người chết tại Hà Nội do tai nạn giao thông chứ không có chuyện chết vì nghiện ma túy.

Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, gia đình chị Trần Thái Hằng có truyền thống hiếu học, đạo đức. Trong 8 anh chị em thì có 3 đảng viên (1 anh trai là tiến sỹ đang dạy Đại học Vinh, 2 chị gái dạy bậc THPT (1 chị là thạc sỹ), 1 anh trai là thạc sỹ lâm nghiệp, 1 anh lao động tự do và 2 anh đã mất).

Một cán bộ huyện ủy Đô Lương cho biết thêm, trước khi đưa ra quyết định buộc chị Trần Thái Hằng nghỉ việc, Huyện ủy Đô Lương đã có văn bản giải trình, trực tiếp trao đổi và kiến nghị đoàn kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An xem xét lại trường hợp tuyển dụng chị Trần Thái Hằng nhưng không được đoàn kiểm tra chấp nhận.

Vì vậy, Huyện ủy Đô Lương phải chấp hành thông báo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Nghệ An và ban hành Quyết định số 1283 để hủy quyết định tuyển dụng công chức trước đó.

img_9210-4-10435510 6

Chị Trần Thái Hằng bức xúc vì vừa mất việc vừa bị mất danh dự. 

Sau khi nhận được đơn thư khiếu nại của chị Trần Thái Hằng, Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An đã có công văn gửi Huyện ủy Đô Lương xem xét, giải quyết. Qua kết quả thẩm tra, xác minh, Huyện ủy Đô Lương kết luận: “Từ khi bà Trần Thái Hằng được tuyển dụng vào công tác tại cơ quan Huyện đoàn Đô Lương cho đến nay không vi phạm kỷ luật. Vì vậy, Huyện ủy Đô Lương đã đề nghị Tỉnh ủy Nghệ An đồng ý để Huyện ủy Đô Lương bố trí lại công việc phù hợp cho bà Trần Thái Hằng".

Ngày 4/4/2016, Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An đã có Công văn chỉ đạo Huyện ủy, UBND huyện Đô Lương sắp xếp lại công việc cho chị Trần Thái Hằng. Đến ngày 21/4/2016 chị được trở lại công tác tại Huyện đoàn Đô Lương.

Chị Hằng phản ánh, mặc dù trở lại công tác sau hơn 1 năm bị đuổi oan, nhưng chị không được ngồi lại vị trí cũ nữa. Ngày 10/5/2017, Huyện ủy Đô Lương đã quyết định luân chuyển chị đến công tác tại Hội Nông dân huyện này từ 12/5/2017. Tại đây chị Hằng được phân công chủ yếu làm công việc văn phòng.

"Có thể nhiều người nghĩ rằng, một khi đã được đi làm trở lại thì nên im lặng, và chấp nhận, cam chịu để nhận đồng lương đó. Nhưng ai ở trong hoàn cảnh của tôi thì mới hiểu được sự khổ tâm khi bị coi thường. Tôi muốn lấy lại danh dự chứ không cần một công việc bố thí...", chị Hằng tâm sự trong nước mắt.

Chị Hằng cho biết, thời gian vừa qua chị đã tiếp tục đi "gõ cửa" hết cơ quan này đến cơ quan khác mong sự việc được giải quyết thỏa đáng và để lấy lại danh dự cho gia đình, bản thân.

PHAN SÁNG
Bình luận
vtcnews.vn