Bà là người phụ nữ đầu tiên tham gia vào đoàn cảm tử quân chèo những chiếc thuyền gỗ vượt qua mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong những ngày tháng ác liệt nhất.
Trong một chuyến đi như thế, thuyền của bà được giao mật lệnh: “Mang món quà của cấp trên tặng những bộ đội chiến đấu trên đảo”.
Mãi đến năm 2007, trong một lần gặp lại những người tham gia chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ bà mới biết món quà đó là chiếc đài cassette mà lãnh tụ Hồ Chí Minh tặng, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội tham gia bảo vệ đảo.
Người mà chúng tôi đang nói đến là bà Võ Thị Lý, đang sinh sống tại thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Truy điệu sống mỗi lần vượt "con đường máu"
Nhà bà Lý là một ngôi nhà nhỏ nằm nép trong con ngõ khá sâu, sát với tuyến đường chính của thị trấn Cửa Tùng. Cũng như bao gia đình khác ở thị trấn ven biển này, nhà bà cũng sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt hải sản gần bờ.
Khi chúng tôi đến, bà Lý đang rảo tay tranh thủ phụ giúp người con dâu đan lại tấm lưới rách để tối đến con trai bà ra biển đánh cá.
Bà Lý khá trầm tính, nhưng khi biết chúng tôi đến để viết về những chuyến tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ những năm 1964 – 1968 thì bà Lý lại ánh lên sự tự hào. Dường như bao ký ức bi hùng về những người cảm tử quân lại hiện về trong mắt người phụ nữ năm nay đã ngoài 70 tuổi.
Theo lời bà Lý, bà là một trong 3 phụ nữ đầu tiên tham gia vào những đoàn cảm tử quân vận chuyển hàng hóa tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong những năm Mỹ điên cuồng bắn phá hòng san phẳng, chiếm hòn đảo.
Theo dòng hồi ức, bà Lý đưa chúng tôi quay trở lại vùng đất kiên cường Vĩnh Linh (Quảng Trị) những năm 1964 – 1968. Qua lời kể của người nữ cảm tử quân này, chúng tôi như được hòa mình vào để chứng kiến sự ác liệt, sự hy sinh của những bậc cha ông xưa đã đổ biết bao xương máu để bảo vệ đảo Cồn Cỏ - nơi được ví như viên ngọc xanh giữa lòng biển khơi của tỉnh Quảng Trị.
Sinh năm 1947 trong một gia đình 4 anh em ở xã Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng). Do là dân miền biển nên từ lúc 15 tuổi cô bé nhỏ con Võ Thị Lý đã lẽo đẽo theo cha lênh đênh trên những ngư trường ở ven đảo Cồn Cỏ để câu mực, bắt cá.
Hai năm sau, khi đã trở thành cô thiếu nữ 17 tuổi, cô bé Lý ngày nào lại tình nguyện đăng ký tham gia vào lực lượng dân quân tại địa phương để canh gác dọc sông Bến Hải.
Cũng trong những ngày tháng này, Mỹ bắt đầu nhăm nhe đánh chiếm đảo Cồn Cỏ vì đây là hòn đảo có vị trí địa lý quan trọng được coi như là tiền đồn của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Sau cái cớ mang tên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá đảo Cồn Cỏ bằng những máy bay và chiến hạm hiện đại.
Những ngày tháng này thực sự là quãng thời gian khó khăn với trung đoàn bộ đội của ta đang sinh sống và chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ do Mỹ liên tục dội bom hòng chặn con đường tiếp tế đạn dược, vũ khí và thực phẩm... ra đảo.
Mặc dù khi ấy, khoảng cách giữa đất liền là huyện Vĩnh Linh với đảo Cồn Cỏ chỉ dài chừng 30km nhưng con đường tiếp tế ra đảo thật sự trở thành "con đường máu" khi những trận mưa bom, bão đạn luôn rình rập.
Trước tình hình hính đó, khu vực Vĩnh Linh được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ trực tiếp “mở đường máu trên biển” để chi viện cho đảo Cồn Cỏ.
Cuối tháng 2/1965, tình hình về đảo Cồn Cỏ rất nguy cấp, Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh ra nghị quyết, hạ quyết tâm: “Tất cả vì Cồn Cỏ thân yêu”, “Đất liền còn, Cồn Cỏ còn”.
Đầu năm 1965, Tư lệnh Trung đoàn 270 (Khu vực Vĩnh Linh) quyết định thành lập Đại đội 22 làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Lực lượng bổ sung cho đại đội là dân quân trực chiến thuộc 4 xã vùng biển: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang, Vĩnh Kim.
Trước nhu cầu bức thiết của chiến trường, chị Lý là một trong những nữ dân quân đầu tiên ở các xã vùng biển xung phong lên thuyền đưa hàng hóa ra tiếp tế cho đảo.
“Để có một chuyến hàng trên đảo thì mọi việc tập kết hàng hóa lên thuyền phải được chuẩn bị từ 17h hàng ngày. Đến khoảng 19h thì thuyền bắt đầu xuất phát để lợi dụng trời tối tránh bị địch phát hiện.
Những chiếc thuyền dùng để vận chuyển hàng hóa là những chiếc thuyền bằng gỗ, chèo bằng tay. Đi trên thuyền có khoảng 5 – 6 người và mỗi thuyền chở được khoảng hơn 1 tấn hàng hóa, vũ khí...”, bà Lý nhớ lại.
Vốn được mệnh danh là “con đường máu trên biển” nên mức độ nguy hiểm trên những chuyến thuyền chi viện ra Cồn Cỏ rất cao. Theo thống kế trong cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh), trong những năm tháng ác liệt nhất thì cứ 10 người ra đội cảm tử quân tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ thì có đến 5 – 6 người hy sinh, mất tích.
3 lần lên thuyền ra đảo thì cả 3 lần tôi và đồng đội của mình phải làm lễ truy điệu trước
Bà Võ Thị Lý
Bản thân bà Lý khi đăng ký tình nguyện tham gia vào đoàn cảm tử quân chi viện cho Cồn Cỏ thì cũng xác định ra đi sẽ không có ngày trở về. Tổng cộng bà Lý có 3 lần tham gia tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.
Mỗi lần như vậy, bà và những đồng đội đều được làm lễ truy điệu sống trước khi lên đường. May mắn là cả 3 lần bà Lý đều quay trở lại đất liền an toàn. Tuy nhiên, hàng trăm đồng đội của bà không được may mắn như vậy, có người bị Mỹ bắt làm tù binh, có người hy sinh và mãi mãi nằm lại biển khơi.
“3 lần lên thuyền ra đảo thì cả 3 lần tôi và đồng đội của mình phải làm lễ truy điệu trước. Trong tâm thế ra đi của chúng tôi khi ấy là đi dễ khó về. Tuy nhiên, vì độc lập dân tộc, chúng tôi quyết hy sinh thân mình”, bà Lý nói với giọng rất đỗi tự hào.
42 năm mới biết vinh dự của "nhiệm vụ đặc biệt"
Trong số 3 lần bà tham gia tiếp tế ra đảo Cồn Cò thì có 2 lần đoàn thuyền bà tham gia ra và về an toàn. Trong số 2 lần ra và về an toàn đó, thuyền của bà Lý được cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt với mật lệnh: “Mang bằng được món quà của một cấp trên tặng bộ đội chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ”.
Theo trí nhớ của bà Lý thì lần được cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt ấy là chuyến thứ 2 bà tham gia đoàn cảm tử quân chở hàng hóa tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ. Chuyến đi đó diễn ra đêm 29/6/1965, trên tàu khi ấy có tổng cộng 5 người và do ông Hồ Văn Triêm làm thuyền trưởng.
“Khi ấy chúng tôi chỉ nhận được mật lệnh là đi chuyến hàng đặc biệt và phải mang bằng được món quà của cấp trên gửi tặng đảo Cồn Cỏ. Đó là tất cả những điều chúng tôi biết khi ấy, còn không hề biết món quà ấy là gì và do ai tặng”, bà Lý nói.
Mãi đến năm 2007, khi những người tham gia tiếp tế, chiến đấu để bảo vệ đảo Cồn Cỏ quay lại đảo thăm lại chiến trường xưa. Tại buổi gặp mặt, ai cũng rưng rưng nước mắt và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm bi hùng.
Trong buổi nói chuyện ấy, bà Lý mới được Đại tá Trần Văn Thà, Đảo trưởng Đảo Cồn Cỏ giai đoạn 1965 – 1968 tiết lộ món quà đặc biệt mà thuyền của bà vận chuyển ra đảo chính là chiếc đài cassette mang nhãn hiệu Sony do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng để động viên tinh thần bộ đội tham gia chiến đấu trên đảo.
“Đúng 42 năm tôi mới biết mình là người vinh dự tham gia vận chuyển món quà đặc biệt của Bác Hồ gửi tặng Cồn Cỏ. Khi được anh Thà cho biết tin ấy, tôi mừng, xúc động và tự hào lắm”, bà Võ Thị Lý nói.
Trong 3 lần tham gia chi viện ra đảo Cồn Cỏ thì có một lần bà Lý cũng suýt mất mạng trên biển. Đó cũng là chuyến cuối cùng bà Lý tham gia tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ.
Khi ấy, như thường lệ bà Lý cùng đồng đội chuẩn bị vận chuyển hàng tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Các nhu yếu phẩm như lương thực, đạn dược, nước uống đã được tập kết sẵn sàng và khi màn đêm buông xuống, đoàn thuyền bắt đầu xuất phát. Trời hôm ấy không trăng, tối om như mực, gió nhẹ thổi chiếc thuyền từ từ rời đất liền hướng đến đảo Cồn Cỏ.
Tuy nhiên, khi đoàn thuyền xuất phát đến vị trí cách bờ chừng vài hải lý thì bị tàu của Mỹ phát hiện. Ngay lập tức pháo sáng được quân Mỹ bắn lên sáng rực cả một bầu trời, các tàu của Mỹ được huy động bao vây đoàn thuyền của ta.
Do hỏa lực mạnh, quân Mỹ dùng pháo, súng bắn phá liên tiếp về phía ta, cuộc chiến không cân sức diễn ra chừng vài giờ đồng hồ và làm nhiều thuyền của ta bị phá hủy, hàng chục người cảm tử quân thiệt mạng mãi mãi nằm lại biển khơi.
Bản thân bà Lý khi ấy cũng bị thương nên cùng với 2 người khác lao xuống biến và bám được vào một tấm gỗ rồi cố gắng bơi vào bờ.
“Khi ấy, tôi không nghĩ là mình sẽ sống nhưng vì bản năng sinh tồn, tôi cố sức bám vào bất cứ thứ gì có thể giúp mình nổi trên biển. Rất may, lúc tôi chuẩn bị đuối sức thì được một thuyền chài đi đánh cá cứu sống và đưa vào bờ băng bó vết thương”, bà Lý kể.
Sau lần bị thương, suýt mất mạng ấy, sức khỏe giảm sút, bà Lý không tiếp tục tham gia các chuyến tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Tuy nhiên, bà vẫn xin cấp trên giao cho nhiệm vụ ở lại quê hương, tham gia lực lượng dân quân canh gác, bảo vệ vùng trời, bờ biển. Mãi đến khi hòa bình lập lại, bà Lý mới lập gia đình và sinh được 3 người con (1 trai, 2 gái).
Người con trai duy nhất của bà hiện đang làm nghề đánh bắt hải sản trên ngư trường mà cách đây 54 năm mẹ anh đã từng tham gia đoàn cảm tử quân chi viện cho Cồn Cỏ.
Đảo Cồn Cỏ nằm chếch về phía Bắc vỹ tuyến 17, cách cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) khoảng 15 hải lý, cao hơn mặt biển 63,4 mét. Trên Đảo có rừng cây, đất đỏ bazan, núi đá, bãi cát...
Sau hiệp định Geneve (1954), một thời gian dài trên đảo không có quân đội phía nào lưu trú. Mùa Thu năm 1959, biết trước chính quyền Ngô Đình Diệm lăm le chiếm đảo, ngày 8/8/1959 quân đội ta nhanh chóng cử một đơn vị bộ đội lên giữ đảo.
Những năm 1964 đến 1968, máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi héc-ta đất trên đảo chịu 22,6 tấn bom đạn.
Bình luận