Ruth Pfau (sinh 9/9/1929 tại Đức; mất 10/8/2017 tại Pakistan) là nữ bác sĩ người Đức gốc Pakistan. Bà được biết đến là người có đóng góp lớn trong việc kiểm soát được bệnh phong ở Pakistan năm 1996.
Sự nghiệp của Ruth Pfau bắt đầu từ năm 1950, khi bà theo học tại Đại học Mainz (Đức). Năm 1960, trong một lần tới thăm Pakistan, do gặp một số rắc rối về visa, bà bị mắc kẹt tại Karachi. Thời điểm này, bệnh phong ở Pakistan được coi là căn bệnh bị tẩy chay, kỳ thị rất lớn do những biến chứng làm biến dạng cơ thể người.
Chứng kiến những bất công và sự khinh miệt, cùng mong muốn được chữa bệnh cho con người và ước nguyện thay đổi nhận thức của người dân về căn bệnh này, năm 1965, bác sĩ Ruth Pfau chính thức bắt đầu khóa học kỹ thuật viên bệnh phong đầu tiên của Pakistan.
Trong suốt thời gian làm việc tại Phòng khám Marie Marie (Ruth Pfau, Pakistan), bác sĩ Ruth Pfau là người đã đứng ra gây quỹ để tân trang phòng khám, xây dựng mạng lưới hơn 150 trung tâm y tế hiện đại, bao gồm: các trung tâm vật lý trị liệu, xưởng sản xuất tay chân giả và nhà cho người khuyết tật.
Nhờ sự giúp đỡ của bà Ruth Pfau, từ khi thành lập năm 1956, Phòng khám Bệnh phong Marie Marie thời điểm đó đã thăm khám và điều trị cho khoảng 56.500 bệnh nhân phong tại 157 trung tâm trên khắp nơi trên Pakistan. Bà cũng được cấp quốc tịch Pakistan năm 1988.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà Ruth Pfau, năm 1996, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố kiểm soát được bệnh phong tại Pakistan. Nhờ tấm lòng cao thượng sẵn sàng vì người bệnh của mình, bà Ruth Pfau được nhân dân nhắc đến và gọi là “Mẹ Teresa ở Calcutta”. Bà cũng nhận được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế với những đóng góp to lớn của mình với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ngày 10/8/2017, bác sĩ Ruth Pfau qua đời tại Karachi. Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi tuyên bố, nhờ những đóng góp cho đất nước và người dân Pakistan, đám tang bà Ruth Pfau được tổ chức theo nghi lễ quốc tang.
Bình luận