• Zalo

NSƯT Tự Long: Đã có lúc chật vật tới muốn bỏ nghề

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 04/07/2012 03:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Táo thoát nước Tự Long của Gặp nhau cuối năm chia sẻ, đã có những lúc chật vật nuôi niềm đam mê tới mức muốn bỏ nghề.

(VTC News) - Vừa vinh dự được nhận danh hiệu cao quý NSƯT cách đây ít ngày, "Táo thoát nước" Tự Long của Gặp nhau cuối năm chia sẻ những suy nghĩ của một người nghệ sĩ luôn trở trăn với nghề, và đã có những lúc, để nuôi niềm đam mê, anh đã phải chật vật tới mức muốn bỏ nghề.

NSƯT Tự Long thuộc biên chế của nhà hát chèo Quân đội 

- Sau từng ấy năm làm nghề, cảm xúc của anh khi nhận danh hiệu NSƯT như thế nào?

- Cảm xúc của một người nghệ sĩ khi được đích thân Chủ tịch nước trao tặng một danh hiệu rất cao quý có lẽ không chỉ là niềm vui, sự tự hào mà còn có cả trách nhiệm. Đây không chỉ là niềm tự hào của cá nhân người nghệ sĩ mà của cả cơ quan, đơn vị và những người nghệ sĩ trong nền nghệ thuật dân tộc mà tôi đang theo đuổi.

Đã có 7 lần nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT và NSND nhưng đây là lần đầu tiên mà Chủ tịch nước trao tặng cho tất cả nghệ sĩ, nó không chỉ trang trọng về mặt hình thức mà còn có ý nghĩa rất lớn. Với tôi thì niềm vui nó còn nhân lên gấp bội, đó là sự khẳng định được vị thế, thương hiệu, vai trò của mình trong một đơn vị nghệ thuật.

- Đã khi nào anh nghĩ mình làm nghề là để có được những danh hiệu đó, hay đơn thuần là sự cống hiến cho niềm đam mê?


- Hai cái đó nó song hành với nhau, vì mình sống đến ngày nay, cống hiến đến giờ phút này cũng phải do sự hăng say, say mê, sự nhiệt huyết và lòng yêu nghề của mình.

Nghệ thuật đòi hỏi sự đam mê, và khi dành một quãng đường lớn trong cuộc đời đau đớn trăn trở với nghề, thì danh hiệu dành cho người nghệ sĩ là một sự khích lệ họ đi trên con đường vốn dĩ đòi hỏi nhiều sự khổ luyện này.

Nhất là trong thời kì mở cửa, loại hình nghệ thuật chèo không được công chúng và giới trẻ yêu thích cho lắm, nên là yêu quý nó hay sống với nó, hay đắm đuối với nó là cả một vấn đề, đôi khi mình phải lấy cái chân phụ để nuôi cái chân chính, nhưng khi mà mình đã hết lòng với nó, sống với nó và được trả lại bằng những quả ngọt thì mình thấy rất vui.

Đôi khi phải lấy cái chân phụ để nuôi cái chân chính 

- Xuất thân từ một nghệ sĩ chèo, nhưng lại được khán giả biết đến nhiều hơn với những vai diễn hài, đã bao giờ anh so sánh mình ở những vai trò khác nhau chưa?

- Có chứ, việc đó là việc đương nhiên rồi. Bởi vì tôi xuất thân từ hát chèo nhưng mọi người lại biết đến nhiều hơn trong Gặp nhau cuối tuần hay Gặp nhau cuối năm. Nhưng tất cả mọi thứ đó đều là nghệ thuật, và nghệ thuật thì đều là để cống hiến cho khán giả. Khán giả của chèo, hài kịch hay sân khấu đều là khán giả, vấn đề quan trọng nhất là mình để lại gì trong lòng khán giả, họ đánh giá như thế nào về một Tự Long hết mình trong nghệ thuật.

Nếu để ý hẳn mọi người sẽ thấy tôi xuất hiện trên gặp nhau cuối tuần hay gặp nhau cuối năm lúc nào cũng phải hát, hát để làm gì, để họ thấy là có một Tự Long hát chèo như thế, có một Tự Long diễn hài kịch như vậy. Thông qua những vai diễn hài tôi muốn mọi người thấy có một Tự Long yêu hát chèo, say mê với hát chèo và rất muốn mọi người biết đến tiếng hát chèo của mình.

- Vậy  trong sự nghiệp của mình, anh ấn tượng nhất với vai diễn của mình trên sân khấu chèo hay sân khấu hài?

- Dù trên sân khấu chèo hay sân khấu hài, mỗi một vai diễn, một dấu ấn đã qua đều khiến tôi nhớ. Đặc biệt là những vai diễn được HCV trong các dịp hội diễn. Đó đều là những vai diễn đòi hỏi sự công phu tập luyện và là kết tinh của một quá trình nỗ lực rèn luyện không mệt mỏi.

Tôi diễn nhiều vai và trải nghiệm qua nhiều thể loại, ở mỗi thể loại tôi lại có một sự khẳng định khác nhau, bởi vậy tất cả những huy chương mà tôi đạt được đều để lại cho tôi nhiều ấn tượng.

Với chèo, tôi đã có vai diễn mà người ta vẫn gọi là vai diễn để đời. Đó là vai diễn đầu tiên khi bước chân từ trường ĐH Sân khấu trở về công tác tại đoàn Tổng cục hậu cần, tôi vào vai Khóa Còm trong một vở Trạng Lợn, đó là vai diễn để lại nhiều ấn tượng trong tôi.

Còn trên truyền hình thì có lẽ mọi người nhớ tới Tự Long nhiều hơn cả là một ông Táo thoát nước vào năm 2008, có lẽ họ nhớ đến trận lụt đó và mỗi lần Hà Nội có lụt họ lại nhớ tới bài hát đấy của Táo thoát nước.

Đấy là những cái mốc mà một nghệ sĩ làm nghề như tôi cần phải nhớ.

NS Tự Long trong vai diễn Táo quân 

- Nhiều người nói rằng nghệ thuật không phải một cuộc dạo chơi, và để có thể thành công trên con đường ấy không đơn giản, nhưng dường như nhiều nghệ sĩ trẻ bây giờ tự khoác lên mình cái danh xưng ấy dễ quá?

- Đúng là bây giờ dường như sự thành công đến với các bạn trẻ sớm quá, có những người chỉ cần qua một cuộc thi, một vai diễn, một CD hay thậm chí một scandal là trở thành nổi tiếng, và họ dễ dàng khoác lên mình những danh xưng đó.

Công nghệ lăng xê và chiêu trò trong nền công nghiệp showbiz cũng đã khác trước rất nhiều. Nhưng sự nổi tiếng nhanh thì sẽ chìm rất sâu, hiếm người nổi tiếng nhanh mà giữ được thương hiệu và tiếng vang của mình một cách lâu bền.

Nghệ thuật không phải trò chơi, để sống được bằng nó và tỏa sáng trên con đường ấy cần nhiều hơn mồ hôi và nước mắt. Có nhiều người để giữ được tình yêu với nghề phải lăn lộn mưu sinh bằng nhiều nghề phụ khác, nghệ sĩ tuồng, chèo, cải lương thì đi đóng phim hay tham gia nhiều chương trình.

Thậm chí tôi thấy thiệt thòi cho những người nghệ sĩ trong nhiều loại hình nghệ thuật mà người ta chỉ có thể bảo tồn và bảo trì thôi chứ không thể phát huy được. Để giữ được cái danh xưng ấy thực sự không phải đơn giản như nhiều bạn trẻ bây giờ nghĩ.

Đã có những lúc NS Tự Long muốn bỏ nghề 

- Đã có giai đoạn nào anh cảm thấy khó sống với nghề chưa?

- Lúc nào cũng thế, loại hình nghệ thuật dân tộc mà tôi đang theo đuổi không dễ để sống một cách thoải mái và dư dả.

Cái loại hình nghệ thuật này nó lôi người ta lại với những giá trị xưa cũ, mà xã hội thì cứ tiến lên, giới trẻ thì cứ chạy cho nhanh, người ta không thể hát chèo khi lên vũ trụ, khi có siêu nhân, khi có người nhện hay khi nhảy hip hop được, nó bị ngược chiều nhau, nên để tìm được tiếng nói chung không phải điều đơn giản.

- Sự chật vật đó có khi nào khiến anh muốn bỏ nghề chưa?

- Có chứ, đã có những lúc sự chật vật đó khiến mình suy nghĩ như vậy. Nhiều khi đi biểu diễn mà khán giả lại ít hơn diễn viên, mình rất hụt hẫng, cảm thấy bị coi thường và tự ái nghề nghiệp, nên rất buồn.

Đôi khi diễn hài kịch khán giả lên tới hàng nghìn người, nhưng khi đứng trên sân khấu diễn chèo người xem còn ít hơn cả diễn viên, đó cũng là cái tác động trực tiếp đến suy nghĩ của mình trong cách làm nghề.

- Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện.

Thùy Linh (thực hiện)

Bình luận