"Không được đóng phim, buồn lắm!"
NSƯT Trần Hạnh giản dị, mộc mạc không chỉ trong các vai diễn, mà còn ngay cả đời thường. Gặp ông ở cửa hàng nhỏ bên cạnh Ga Hà Nội - nơi ông đang giúp con dâu bán giầy dép, quần áo - ông thật thà chia sẻ: "Tôi có chuyện gì để kể đâu?
Từ Tết tới giờ, tôi không nhận được kịch bản nào. Thỉnh thoảng, tôi gọi hỏi các đạo diễn nhưng chúng đều bảo: 'Bố ơi, các vai trong phim của con bây giờ đều dành cho diễn viên dưới 40 tuổi, bố không diễn được đâu'. Tôi nghe thế, buồn lắm".
Nói xong, ông lấy tách trà, từ từ rót đầy chén nhưng không uống. Ánh mắt ông buồn bã nhìn ra ngoài cửa: "Là diễn viên nhưng không được đóng phim, buồn lắm nhưng tới cỡ ông Thế Anh, Chánh Tín, bà Trà Giang... giờ cũng không tìm được vai diễn, nói chi tới mình". Ông cười xòa, kiểu như tự an ủi.
Buồn là thế, nhưng khi đươc hỏi về những vai diễn đã qua, ánh mắt của lão nông quen thuộc của màn ảnh Việt lấp lánh niềm vui. Ông kể: "Với sân khấu kịch, các vai diễn tôi ưng ý nhất là Nguyễn Trãi trong vở 'Lam Sơn tự nghĩa', Vũ Khiêm trong 'Tiền tuyến gọi' và Min -Lơ trong 'Âm mưu và tình yêu".
Còn với truyền hình, ông thật thà tâm sự, với vai diễn nào, dù lớn hay nhỏ, ông cũng nghiên cứu kịch bản rất kỹ, học thuộc thoại nhưng chưa có nhân vật nào ông thực sự tâm đắc.
Khi đóng phim, NSƯT Trần Hạnh có lối diễn mộc mạc, giản dị. Nó khác hẳn với cách diễn có phần khoa trương của sân khấu. Lý giải cho điều này, ông chỉ cười và cho rằng, vì "tôi may mắn". Ông "khoe": "Cát-xê đóng phim truyền hình của tôi trung bình khoảng 1 - 1,5 triệu/ngày. Như thế là cao lắm, hơn hẳn làm phim truyện nhiều. Làm phim truyện, lúc ký hợp đồng tưởng oai lắm, nhưng chẳng được mấy đồng".
NSƯT Trần Hạnh cho hay, bạn diễn ăn ý nhất của ông là diễn viên Ngọc Tảo. Cả hai đóng chung với nhau phim "Thời xa vắng". Còn diễn viên mà ông khâm phục nhất khi có dịp đóng chung là NSND Minh Châu. Ông kể: "Trong phim 'Cô gái trên sông', Minh Châu đóng vai chính. Tôi chỉ đóng vai quần chúng thôi. Minh Châu lao động hết mình vì vai diễn. Cô ấy không ngại bất cứ khó khăn gì.
Thời đó, diễn những cảnh tình cảm hay phải cởi bỏ trang phục là ghê gớm lắm. Minh Châu đã có chồng, người ấy lại là Phó đạo diễn của phim nên trước mỗi cảnh quay, cô ấy đều rất lo lắng. Một số cảnh táo bạo, đạo diễn nhờ người đóng thay nhưng cô ấy vẫn sợ và nói với đạo diễn: 'Có diễn viên đóng thế, nhưng khuôn mặt vẫn là của tôi, làm sao giấu được?'. Tuy vậy, cuối cùng Minh Châu vẫn hoàn thành tốt những yêu cầu của đạo diễn. Bây giờ, kiếm được diễn viên như thế, khó lắm".
"Vợ tôi ghen khủng khiếp"
NSƯT Trần Hạnh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cha ông làm việc tại nhà máy in Ngô Tử Hạ ở phố Nhà Thờ, mẹ ông là một thương gia nhỏ. Ông mồ côi cha từ năm 8 tuổi nên phải tự lập rất sớm. Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, Trần Hạnh làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền.
Vừa đóng giày, ông vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội). Trong câu lạc bộ có nhiều người bạn sau này đã trở thành những tên tuổi gạo cội trong làng kịch Việt Nam như: Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng...
NSƯT Trần Hạnh lấy vợ rất tình cờ. Khi ông đang đi làm việc xa thì nhận được điện khẩn cấp: Mẹ sắp mất, về nhà ngay. Ông vội vàng thu xếp công việc nhưng về tới nhà mới hay, bà nội muốn ông lấy vợ. Đó là một cô hàng xóm ở chung ngõ nhà ông. Thế là chỉ trong 3 ngày nghỉ phép ngắn ngủi, Trần Hạnh trở thành người có gia đình.
Vì muốn có tiền chăm lo cho bà, mẹ và vợ con, Trần Hạnh không theo các bạn trong câu lạc bộ Thanh Niên thi vào trường Sân khấu Điện ảnh mà đầu quân về Nhà hát Kịch Hà Nội. Ở đoàn kịch, ông được trả lương là 50 đồng/tháng.
Trần Hạnh kể, vì mải mê đi diễn kịch, đi đóng phim nên ông bị vợ con càm rám suốt. Những lúc ấy, ông chỉ im lặng. Ông tiết lộ, khi còn trẻ, vợ ông rất hay ghen: "Khi tập vở 'Lam Sơn tụ nghĩa', bạn bè thường trêu tôi với một diễn viên trong đoàn. Vợ tôi nghe được nên trước buổi vở kịch biểu diễn, bà mang dao lên tận đoàn kịch, đòi gặp cô diễn viên kia bằng được. Ông trưởng đoàn phải đứng ra xin: "Thôi, chị ạ có chuyện gì, vào trong văn phòng tôi giải quyết. Bây giờ phải cho anh em ra diễn, khán giả đang đợi. Bà ấy nghĩ một lúc rồi mới đồng ý".
- Thế lúc đó, ông và cô diễn viên kia có gì không?
- Không, xin thề - Lão nông quen thuộc của màn ảnh Việt cười rất tươi - Tôi đóng vai Nguyễn Trãi, cô ấy đóng vai lái đò. Cả hai có diễn chung với nhau nhiều đâu. Hơn nữa, nhân vật Nguyễn Trãi được xây dựng rất trang nghiêm, làm gì có chuyện vớ vẩn xảy ra.
- Vậy trong suốt bao nhiêu năm đóng phim, diễn kịch, ông có phút giây nào "ngoài vợ, ngoài chồng"?
- Không, không - Ông lại cười và xua tay - Tôi chỉ biết hoàn thành các vai diễn, không có ý gì khác. Vậy nên bà ấy có cằn nhằn, càm ràm gì, tôi cũng chỉ im lặng.
- Nhưng thưa ông thường thì khi các ông chồng im lặng, vợ càng nghi ngờ, vì họ cho rằng, phải có gì đó thì mới không giải thích?
- Thì đúng là thế thật - Ông cười.
Lát xong, ông nhẩn nha chia sẻ: "Bà nhà tôi chỉ có tật hay ghen thôi, chứ bà ấy sống hết lòng vì con, vì chồng. Không có bà ấy, làm sao tôi có thể theo đuổi niềm đam mê".
NSƯT Trần Hạnh nói xong rồi im lặng. Có lẽ, đó là lúc ông nhớ về người vợ quá cố. Gương mặt khắc khổ của ông trùng xuống. Đúng lúc đó, có người khách tới hỏi mua giầy, ông ra bán. Trong lúc khách lựa đôi ưng ý, ông nhẩn nha kể:
"Mỗi ngày, tôi đều ra trông hàng cho con dâu.Cũng chẳng giúp được nó nhiều đâu, chỉ chốc lát thôi. Nó vẫn khuyên tôi ở nhà nghỉ ngơi, nhưng tôi bảo, cứ để bố ra cho thư thái đầu óc. Ở nhà mãi cũng bí bách, nhất là lâu rồi lại không có đạo diễn nào mời đi đóng phim".
Bình luận