• Zalo

NSƯT Trần Hạnh: Đừng thương hại tôi

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 03/04/2014 11:22:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người ta đổi danh dự lấy tiền bạc, còn Trần Hạnh thì ngược lại, ông đánh đổi cả cuộc đời nghèo khó để lấy danh dự của một đời làm nghề chân chính.

(VTC News) - Người ta đổi danh dự lấy tiền bạc, còn Trần Hạnh thì ngược lại, ông đánh đổi cả cuộc đời nghèo khó để lấy danh dự của một đời làm nghề chân chính.

Có hai gương mặt ‘khổ sở’ cứ ám ảnh người viết: Một của Chánh Tín khi sẵn sàng đánh đổi hết danh dự của một đời làm nghề lấy ngôi nhà bạc tỷ, và gương mặt kia, của người nghệ sỹ già Trần Hạnh khi day dứt mãi về một vai diễn nhỏ mà ‘nếu biết trước tôi đã không nhận’.
NSƯT Trần Hạnh
NSƯT Trần Hạnh 
Nhớ khi đài truyền hình có chiếu một tiểu phẩm hài bị phê phán là khá phản cảm, vô tình thế nào, NSƯT Trần Hạnh lại xuất hiện một đoạn trong ấy. Khi mang câu hỏi sao bác lại nhận lời đóng vai này đến gặp, người nghệ sỹ già cứ ân hận mãi:

Tôi có biết gì đâu, các anh đạo diễn bảo đi đóng cho các anh mấy cảnh, thế là tôi đi, tôi mà biết đấy là tiểu phẩm hài, khi lên sóng như thế thì đời nào tôi nhận. Một đời làm nghề, làm người nông dân hiền lành, gắn bó sâu nặng với nghiệp diễn, vậy mà đến khi về già lại đóng vai này.’


Nhìn NSƯT Trần Hạnh ra sức giải thích mà thấy tội, vai diễn vài phút, có đáng là bao, người ta nói là nói cái kịch bản hoàn chỉnh, chứ nói gì vài phân cảnh ngắn ngủi có sự tham gia của ông, vậy mà, ông cứ ám ảnh mãi.

Người ta đổi danh dự lấy tiền bạc, còn Trần Hạnh thì ngược lại, ông đánh đổi cả cuộc đời nghèo khó để lấy danh dự của một đời làm nghề chân chính. 

Mấy chục năm làm nghệ thuật, NSƯT Trần Hạnh giữ cho mình lòng tự trọng trước tất cả vật chất. Ông thanh bạch và say nghề đến nỗi, chưa bao giờ hỏi cát xê mình được bao nhiêu khi cầm kịch bản, họ trả bao nhiêu thì trả.

'Thế nên không ít lần người ta ‘quỵt’ cát xê mà chẳng biết đi gặp ai để đòi, phim lên sóng mà ngậm ngùi không được trả công. Mãi tới cách đây vài năm, sau một đời làm nghề, lần đầu tiên mới biết tới số tiền ‘khổng lồ’ khi đóng Vệt nắng cuối trời, nhà sản xuất trả tôi đến hơn 40 triệu’. – NSƯT Trần Hạnh vừa cười đôn hậu vừa kể.

Sau ngày nghệ sỹ Văn Hiệp mất, nhiều người lấy hoàn cảnh của NSƯT Trần Hạnh ra để so sánh, lấy sự khốn khó của ông ra để thương cảm. Nhưng ông thẳng thắn: 'Đừng thương hại tôi kiểu như vậy'.

Người nghệ sỹ già nói, nhiều khi người ta cứ so sánh chúng tôi với những ca sỹ, nghệ sỹ kiếm ra nhiều tiền bây giờ để mà thương hoàn cảnh nghèo khổ của tôi, nhưng mỗi thời nó mỗi khác, bao nhiêu năm làm nghề, được nhà nước đãi ngộ và phong tặng danh hiệu cao quý là mãn nguyện rồi.

'Hãy nhìn vào những bộ phim tôi đóng, những vở kịch có sự tham gia của tôi, chứ đừng nhìn vào sự giàu nghèo mà đánh giá. Giờ tôi vẫn sống thoải mái, vui vẻ, không phải nhờ cậy con cháu, có phim nào là lại lên đường đi đóng'.

Không ít người ngỏ lời muốn giúp đỡ khi biết gia cảnh của người nghệ sỹ già cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, nhưng lòng tự trọng không cho phép ông nhận những điều ấy, ông nói, đến giờ ông vẫn bán hàng giúp con dâu, vẫn có thể tự mình lái chiếc xe máy cũ, sáng đi chiều về để đóng phim, số tiền kiếm được không nhiều, nhưng đủ để ông nuôi sống bản thân mình và sống vui vẻ bên con cháu, vậy là đủ cho tuổi già.

Nhắc đến nghệ sỹ Trần Hạnh, người xem lại nhớ đến một gương mặt hiền từ khắc khổ luôn vào những vai người nông dân hiền lành chất phác. Ai cũng nói những vai diễn trong phim nó vận vào đời ông, nhưng ông lắc đầu bảo, đời tôi nó vận vào phim đấy, vì đời tôi còn khổ hơn trong phim ấy chứ.
NSƯT Trần Hạnh
NSƯT Trần Hạnh tâm sự, vợ chồng ông có cả thảy 7 người con (2 trai, 5 gái), nhưng giờ chỉ còn 4. Từ cách đây hơn chục năm, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau trận tai biến mạch máu não.

3 năm trước, vợ ông mất, từ bấy đến nay ông lại dồn tâm sức chăm cậu con trai út 47 tuổi bị ngớ ngẩn vì chấn thương sọ não, sau một tai nạn xe máy thảm khốc.

Cuộc đời của người nghệ sỹ già vất vả lận đận suốt bao năm tháng. Bước vào đời bằng nghiệp đánh giày trên phố Tràng Tiền năm 16 tuổi, rồi cơ duyên đưa NSƯT Trần Hạnh đến với nghiệp diễn, vậy mà, gắn bó tới tuổi 85, vẫn kì cạch chiếc xe cũ kỹ đi đóng từng tập phim rồi quay về với cửa hàng bán đồ lặt vặt gần ga Hàng Cỏ.

Những người sống cùng thời của NSƯT Trần Hạnh hẳn còn nhớ, thời hoàng kim của ông thuộc về cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỷ trước, khi vào vai Nguyễn Trãi trong nhiều vở kịch nổi tiếng như Lam Sơn tụ nghĩa, Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu…

Người nghệ sỹ già vẫn rưng rưng xúc động khi nhớ lại khi ấy, đích thân Tổng bí thư Trường Chinh đã gặp và khen ông đóng Âm mưu và tình yêu: Anh đóng hay lắm, tôi không biết dùng từ thế nào nhưng có thể nói là nó rất lãng mạn.

Rời sân khấu kịch, nghệ sỹ Trần Hạnh ghi dấu ấn trong lòng các thế hệ khán giả bằng những vai diễn trên truyền hình. Đó là Chiếc bình tiền kiếp, Tướng về hưu, Cuốn sổ ghi đời…Từ đó, hình ảnh người nông dân nghèo chất phác in sâu tâm trí người xem.

Lão nông Trần Hạnh cứ khắc khổ và hiền lành trong mỗi nhân vật. Đến nỗi, ở cái tuổi 85 ông vẫn tha thiết mong mỏi được đạo diễn giao cho đóng những vai phản diện.

Nhưng rồi ông cười, có lẽ cái mặt tôi sinh ra là để đóng những vai hiền lành, vai nông dân, vai khổ rồi, nên ‘Chẳng có đạo diễn nào lại dũng cảm đi mời tôi vào những vai phản diện, phản trắc cả’.

Làm nghệ sỹ cái sướng nhất là được mọi người nhận ra và yêu quý, nhớ tới những vai diễn mà mình từng hóa thân, chứ đừng mong giàu có hay nhà cao cửa rộng. Cái nhà tôi đang ở vây giờ là nhờ cả vào tay vợ đấy chứ.

Được sống chết cùng nghề diễn, được khán giả yêu mến, nhớ mặt, nhớ tên là đáng quý, đáng trân trọng rồi. Đóng góp cho cuộc đời như vậy cũng là vui, là đáng sống'.

An Yên

Bình luận
vtcnews.vn