Sinh ra vào những năm 30 của thế kỷ trước, có một tuổi thơ đủ đầy, Phạm Bằng một thời từng là cậu ấm của đất Hà thành vì gia đình làm ăn phát đạt, thuộc hàng có của ăn của để khi ấy.
Nhưng sự đủ đầy về vật chất không lấp được nỗi thiếu thốn tình cảm, ông cụ thân sinh ra Phạm Bằng mất khi mẹ mới 24 tuổi, bà ở vậy một nách nuôi 3 đứa con nhỏ, lúc nào cũng tất bật những lo toan.
Sự tất bật làm ăn kinh tế để nuôi cả gia đình ấy đã là khởi nguồn cho những nỗi cô đơn của Phạm Bằng suốt thời thơ ấu và mãi về sau này, cả khi đã trưởng thành ông vẫn cảm nhận mơ hồ sự cô độc của chính mình.
Bởi sự cứng rắn và mạnh mẽ bươn chải, vừa làm cha, vừa làm mẹ của người phụ nữ trong xã hội cũ đã tạo nên tính hà khắc đến nghiệt ngã trong con người mẹ ông. Nghiêm khắc với các con chưa đủ, đến cả khi các con đã yên bề gia thất bà còn khắc nghiệt với cả con dâu, đến tận khi lìa xa cõi đời, bà vẫn giữ nguyên sự cố hữu đến bảo thủ trong con người mình.
Phạm Bằng vẫn nhớ, suốt những năm tháng theo đuổi con đường nghệ thuật, chưa một lần mẹ ông đến xem dù chỉ một vở kịch, hay một chương trình có con trai tham gia, bởi với bà, ‘nó chỉ là con hát đi mua vui cho thiên hạ’.
Quyết định lấy một cô gái như thế nào về sống với mình cả đời Phạm Bằng cũng phải lựa xem ai là người sống được với mẹ, nên ngay cả khi có gia đình riêng, Phạm Bằng vẫn có một nỗi cô đơn khó khỏa lấp.
Rồi cách đây hơn 10 năm, người vợ cũng bỏ Phạm Bằng ra đi, ông lại lầm lũi trên gác hai trong ngôi nhà cổ. Chẳng mấy người biết rằng, phía sau tiếng cười tưởng chừng vô tư lự trên sân khấu ấy, là một cuộc sống cô đơn và giản dị của người nghệ sỹ già.
NSƯT Phạm Bằng và vợ. |
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, NSƯT Phạm Bằng đã chắc như đinh đóng cột rằng nhất định mình phải làm nghề phi công chứ không phải bất cứ nghề gì khác.
Nghĩ là làm, Phạm Bằng đi thi tuyển vào trường đào tạo người lái máy bay, tự tin lắm, vượt qua hết các vòng thi gắt gao, vậy mà đến cuối cùng, kết quả gửi về lại làm Phạm Bằng hụt hẫng, mất ăn mất ngủ hàng năm trời.
NSƯT Phạm Bằng nói giá mà vì lý do gì to tát khiến ông bị loại thì đã không tiếc nuối nhiều đến thế, ai dè chỉ vì một cái răng sâu lãng xẹt mà không bao giờ ông còn được bước chân vào con đường làm phi công lái máy bay mà suốt thời niên thiếu cứ ao ước.
Thất vọng, hụt hẫng, Phạm Bằng thi tuyển vào nghệ thuật, ai ngờ cái nghề làm dâu trăm họ lại vận vào ông suốt cả cuộc đời.
Lúc mới bước chân vào nghệ thuật, Phạm Bằng cũng chỉ nghĩ làm chơi cho vui với anh em, bạn bè chứ không xác định theo đuổi lâu dài. Bởi từ khi còn đi học, NSƯT Phạm Bằng chưa bao giờ nghĩ ông sẽ theo nghề này. Mà cái thời của ông, người ta cũng chẳng gọi nghệ thuật là nghề, mà chỉ gọi chung với danh xưng đầy mai mỉa ‘xướng ca vô loài’.
Cũng chính vì lý do đó mà cụ bà thân sinh ra NSƯT Phạm Bằng cũng phản đối kịch liệt ông theo nghề này, mà bắt con trai phải làm ông giáo gõ đầu trẻ, vừa danh giá, vừa đỡ ‘chết đói’.
Nhưng ‘cứng’ mãi cũng chẳng ép uổng được, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, vì Phạm Bằng cũng chỉ đến với nghệ thuật sau khi trượt giấc mơ làm phi công, nên không có nhiều sự lựa chọn.
Đến nỗi khi đã đầu quân cho Đoàn văn công Hà Nội, Phạm Bằng còn lấn cấn sẽ dành ra 5 năm, nếu trong 5 năm ấy mà không phát triển được sẽ bỏ đi làm nghề khác, vì làm nghệ thuật mà không thành công được thì suốt đời cũng chỉ là anh chạy cờ đóng lính.
NSƯT Phạm Bằng trong một tiểu phẩm. |
Nói vất vả cũng chẳng ngoa, bởi ai làm nghề mới biết, cái ngày ấy theo nghề đã đủ khổ, buông nghề ra cũng là chết. Khi đất nước còn bom rơi đạn lạc, còn đói khổ thì làm nghề nào cũng chật vật chứ chẳng nói gì đến nghệ thuật. Trong lúc miếng cơm còn chưa đủ no, mà cứ lăn lưng ra làm nghệ thuật, người xem chẳng có, người làm nghề cũng thiếu thốn đủ đường.
Có những thời kỳ, tối làm vua chúa trên sân khấu, còn ban ngày làm anh kéo xe. Những việc mà người ta vẫn gọi là cửu vạn, như khuân vác đạo cụ, phông màn cho nhà hát, Phạm Bằng cũng giơ tay xin làm kiếm thêm thu nhập.
Mãi đến khi sân chơi Gặp nhau cuối tuần được mở ra, hình ảnh một ông sếp đầu hói nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, đời sống của người nghệ sỹ mới bớt chật vật đi ít nhiều.
Cũng từ đó, chiếc đầu hói thương hiệu và nụ cười không lẫn vào đâu được của Phạm Bằng đã trở nên quen thuộc với khán giả truyền hình. Hiếm có một chương trình hài kịch lớn nào, lại thiếu đi hình ảnh người nghệ sỹ già với nụ cười vô tư lự ấy, bên những Vân Dung, Tự Long, Quang Thắng…
Không chỉ nổi tiếng trên sân khấu, NSƯT Phạm Bằng còn có tiếng trong làng ẩm thực Hà thành với quán bánh trôi tàu giản dị trên phố Hàng Giầy, Phạm Bằng đã chia sẻ rất nhiều kỷ niệm, về quán bánh trôi và người vợ đã lặng thầm đứng sau lưng ông suốt nhiều năm tháng, để ông theo đuổi con đường nghệ thuật...
Còn nữa...
An Yên
Bình luận