• Zalo

NSƯT Phạm Bằng: Đến giờ vẫn nuối tiếc nghề phi công

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 30/04/2013 12:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - NSƯT Phạm Bằng bắt đầu câu chuyện bằng cái chép miệng tiếc nuối nghề phi công, cái nghề mà đến bây giờ vẫn còn tiếc vì không theo được.

(VTC News) - NSƯT Phạm Bằng bắt đầu câu chuyện bằng cái chép miệng tiếc nuối nghề phi công, cái nghề mà theo ông là cho đến bây giờ, khi đã ở cái tuổi 82, tuổi xưa nay hiếm vẫn còn tiếc lắm.

"Phi công ở đây không phải phi công trẻ như giới trẻ bây giờ hay tếu táo đâu, mà là nghề phi công ấy. Cả đời tôi ao ước được làm nghề lái máy bay, thế mà chỉ vì một cái răng sâu tôi đã bị loại, tôi nuối tiếc đến mức mất ăn mất ngủ hàng năm trời" - Phạm Bằng nói.

- Nghe người ta kể nhiều về NSƯT Phạm Bằng từng ao ước mãi được làm nghề phi công khi mới rời ghế nhà trường?

Ôi, ngày xưa tôi mê cái nghề phi công lắm. Ngay từ lúc còn đang đi học, sau khi nghe bài hát của nhạc sĩ Văn Cao viết về phi công, tôi đã rất mê, và trong đầu mình chỉ nghĩ đến việc nhất định sau này phải làm phi công chứ không làm bất cứ nghề gì khác.

Tính như bây giờ là khi học xong cấp ba, tôi cũng đi thi tuyển thật. Tôi vượt qua hết các vòng, từ thể lực, hình thể đến thần kinh, độ nhạy cảm, thông minh lanh lợi ứng phó với tình huống…cứ chắc mẩm rằng vậy là sắp chạm tới ước mơ.
phạm bằng
NSƯT Phạm Bằng và vợ thời trẻ 
Vậy mà chỉ vì một cái răng hàm sâu mà tôi đã bị loại, không được nhận vào. Mà ngày đó không có chuyện xin xỏ, chạy chọt và đút lót để nhận cái vé vớt đâu, bên nhà binh họ làm nghiêm lắm, tôi bị loại thẳng tay vì cái răng sâu ấy.

 

Tôi tiếc đến nỗi mất ăn mất ngủ phải đến hàng năm trời, ngơ ngẩn không làm gì được. Chính lúc bí bách đó, tôi mới đi vào con đường nghệ thuật, như một cách giải tỏa chứ nghệ thuật không phải nghề đầu tiên tôi chọn đâu.
 
Tôi tiếc đến nỗi mất ăn mất ngủ phải đến hàng năm trời, ngơ ngẩn không làm gì được. Chính lúc bí bách vì không thực hiện được ước mơ đó, tôi mới đi vào con đường nghệ thuật, như một cách giải tỏa chứ nghệ thuật không phải nghề đầu tiên tôi chọn đâu (cười).


Đến bây giờ, hơn 80 tuổi rồi vẫn còn tiếc nuối ấy chứ, nhưng mà thôi, cũng dần quên đi rồi, thỉnh thoảng mới thấy nhớ, mà nghệ thuật cũng bù đắp cho mình nhiều rồi, với lại có lẽ ước mơ của thời trai trẻ khi mới 19, 20 tuổi nó khác, nó lạ lắm, cứ đóng chốt đóng chốt vào trong suy nghĩ rằng mình nhất định phải làm được cái mà mình ao ước.

- Không phải sự lựa chọn đầu tiên, vậy mà cái nghề nó lại vận vào ông suốt những năm tháng sau này của cuộc đời, hình như đó cũng là cái duyên?

Nó là cái nghiệp rồi, đi theo nó đến suốt cả cuộc đời cũng có lý của nó. Lúc bấy giờ khi đi học tôi cũng có làm nghiệp dư chơi với anh em thôi, ví dụ cuối năm tập Lưu Bình, Dương Lễ chứ cũng chưa nghĩ đến việc sẽ theo nghề này để sống.

Sau này khi chế độ ta về thì tôi cũng thử vào đoàn văn công Hà Nội. Tôi cũng bảo vào đó thử trong 5 năm, trong 5 năm ấy, nếu mà tôi không phát triển được tôi ra làm nghề khác, vì làm nghề mà nó không ra nghề cũng khổ chứ không sướng, ngày xưa tôi gọi là cái anh chạy cờ với chuyên đóng lính đấy.
phạm bằng
NSƯT Phạm Bằng và nghệ sĩ Vượng Râu 
Ở đoàn văn công khoảng 4 năm thì tôi được đóng hai vai chính, mà là những vai hóc búa đấy, trong hai vở lớn của đài Hà Nội, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt, được các thầy khẳng định tương lai của em còn rộng mở lắm, khả năng còn phát triển hơn nữa nên tôi đã ở lại.

Đến lúc đó tôi mới yên tâm theo nghề. Mà thực ra là cũng phải yên tâm thôi, vì nếu mình cứ đứng núi này trông núi nọ thì cũng không tiến được. Còn một khi đã yên tâm rồi thì hết mình vì nghề nghiệp.

Ngày xưa đời sống của mình gắn chặt với nghề nghiệp, buông nghề ra là chết, mà buông trong hoàn cảnh nào cũng chết. Cái thứ hai là anh phải yêu nghề, thực sự yêu nghề thì mới làm được.

- Gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật, được biết cụ thân sinh ra ông cũng từng phản đối kịch liệt cái nghề mà theo cụ là “xướng ca vô loài” ấy, vậy mà ông vẫn gắn chặt với nó?


Lúc học cấp ba tôi không bao giờ nghĩ đến việc sau này sẽ làm nghề này cả. Những lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật người ta không gọi là nghề, mà người ta coi là xướng ca vô loài.

Đúng là chính bà cụ thân sinh ra tôi là người phản đối dữ dội nhất, bà muốn tôi theo nghề giáo của bố, làm một anh gõ đầu trẻ chứ nhất định không phải cái nghề xướng ca vô loài kia.

Nhưng biết làm sao được, tôi đến với nghệ thuật sau khi trượt giấc mơ làm phi công, và theo nó cho đến tận bây giờ.
NSƯT Phạm Bằng trước giờ lên sân khấu
- Làm nghệ thuật những năm tháng ấy, chắc hẳn không tránh khỏi những lúc chật vật sống dở chết dở với nghề, có khi nào ông nghĩ đến chuyện bỏ nghề làm theo lời cụ thân sinh mong muốn?

Có nhiều lúc chật vật với nghề lắm, những năm tháng cả đất nước đói nghèo khó khăn thì nghề nào cũng khó sống, nghệ thuật lại càng khó hơn nữa vì nó là đời sống tinh thần chứ không trực tiếp làm ra của cải vật chất.
Rồi với tính tôi, nhiều khi lãnh đạo phân biệt đối xử cũng không chịu nổi nên đã chật vật lại càng thêm chật vật.

Nhưng tâm huyết của tôi lúc bây giờ, giống như hầu hết thanh niên cùng thời, sống và phấn đấu vì lý tưởng, vì nghĩ đến đỉnh cao là Bác Hồ, nên cứ gắn chặt với nghề, cứ cống hiến, đôi lúc cũng chẳng hiểu vì sao mình lại đi qua được những năm tháng ấy mà không tính tới chuyện bỏ nghề, làm một anh giáo gõ đầu trẻ.

Tôi vẫn hay đùa, từ bỏ tất cả để dấn thân vào nghệ thuật, nếu như sau cả cuộc đời làm nghề, vẫn chưa có gì thì cũng hơi buồn, thì có lẽ vẫn luyến tiếc cái phi công hơn (cười).

Tôi còn nhớ mãi kỉ niệm trong cuộc đời làm nghề của mình, đó là chuyến đi Nga - người anh cả của chế độ Xã hội chủ nghĩa vào năm 1990.

Năm 1991 tôi đủ tuổi về hưu, nhưng lúc bấy giờ Trọng Khôi lên làm giám đốc có nói: giờ em lên mà các anh chị về thì nhà hát còn gì nữa. Em sẽ đề nghị với bộ giữ anh chị lại với em, nếu được chục năm thì tốt, không thì cố năm, bảy năm cũng được. Thế là tôi ở lại thêm một thời gian.

Đó cũng là khoảng thời gian Mỹ xóa lệnh cấm vận, và mình bắt đầu có những quan hệ với Mỹ. Năm 1998 lần đầu tiên chúng ta có giao lưu văn hóa với Mỹ, cũng lần đầu vở “Hồn Trương Ba ra hàng thịt” mang sang đó diễn. Và tôi vinh dự được góp mặt trong chuyến đi kéo dài 3 tháng ấy.

Đó là hai chuyến đi để lại những kỉ niệm không bao giờ quên trong tôi, mà sau này, dù có tiền của, thời gian cũng không thể có chuyến đi như thế lần nữa.

An My(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn