(VTC News) - NSƯT Minh Hằng vẫn tự gọi mình là người 'bán cháo phổi' khi suốt một thời gian dài kiếm sống bằng nghề lồng tiếng phim.
Sống bằng nghề ‘bán cháo phổi’NSƯT Minh Hằng vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ đến nghệ sỹ Văn Hiệp, người vừa qua đời cách đây không lâu vì bạo bệnh, bởi với chị, chú là một trong những người thầy đầu tiên đưa chị vào nghề lồng tiếng.
Minh Hằng rưng rưng, hôm đám ma của chú Văn Hiệp tôi không đến, mà chỉ viết mấy dòng chia sẻ trên trang cá nhân: ‘Chú ơi, vĩnh biệt chú! Nhớ ngày xưa hai chú cháu mình đi lồng tiếng với nhau, chú ngồi ngủ gật ở cầu thang đợi cháu khi cháu mới vào nghề, chú có nói với cháu rằng ‘tiếng nói khắc họa tính cách nhân vật, tiếng nói mang ngữ điệu âm nhạc’, đến bây giờ cháu vẫn nhớ.
Nhớ hôm nào chú cháu mình ngồi đánh tá lả với nhau, nhớ tiếng cười hiền mộc mạc, vĩnh biệt chú, cháu không muốn và cháu không thể đến nhìn chú đi trong cảnh đau đớn và túng thiếu.’
'Tôi được chú Văn Hiệp khen: cháu có chất giọng đẹp lắm, cháu không đi thu đài, không đi lồng tiếng phim thì quá phí. Sau đó chú và các anh như anh Tất Bình, anh Trọng Phan dẫn tôi vào công việc đi lồng tiếng cho hàng trăm bộ phim truyền hình và các phim truyện nhựa của Việt Nam.’
Không chỉ xuất hiện trên màn ảnh, Minh Hằng còn có một thời kiếm sống bằng nghề 'bán cháo phổi'. |
Đến những phim mang đi tham dự các kỳ liên hoan phim quốc tế như phim Trở về của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Cổ tích tuổi 17 của đạo diễn Xuân Sơn hay Lá ngọc cành vàng của đạo diễn Vũ Châu, tất cả các vai chính đều cần đến chất giọng đẹp của Minh Hằng.
Minh Hằng vẫn hay nói đùa, là người đẹp trên phim như thế nào thì khán giả đừng quên có một người chất giọng đẹp ở phía sau đấy nhé!
Tham gia vào nghề lồng tiếng, trưởng thành và kiếm sống được bằng nghề ấy nên đến giờ chị có thể tự hào dù quay lại chiến trường ấy, người như chị cũng không phải là nhiều.
Chẳng thế mà các đạo diễn, diễn viên của hãng phim cứ mỗi lần có vai khó cần đến người lồng tiếng là lại bốc máy lên gọi cho chị, mặc dù nghề lồng tiếng bây giờ là người ta nể nhau mà đi làm, bởi rất mệt. ‘Công Lý mà gọi là phải đi, Đỗ Thanh Hải gọi chị ơi chị cứu cho em vai này là phải đến, Oanh Cong gọi là phải có mặt, vui lắm, vẫn còn được bận rộn làm nghề.’
NSƯT Minh Hằng vẫn nhớ vai diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của chị đến bây giờ là trong Đứa con tôi, việc hóa thân thành một thằng bé lang thang bụi đời đã khiến chị phải buộc chặt vòng một từ trước ra sau cho phẳng lì, ‘thời ấy thì vòng một nó chưa ‘nẩy nở’ như bây giờ đâu’ – chị tếu táo.
Đến sau này thì NSƯT Minh Hằng lại thường được mời đóng những vai có ẩn ức, những vai hài có tiếng cười hàn lâm, cười thâm thúy, cười đấy mà khóc ngay được đấy vì chua chát, xót xa. Chị cũng tự nhận những cái cù thọc lét, cái cười từ cổ họng trở ra chị không làm được.
Hành trình âm thầm đi từ thiện
Minh Hằng vừa xin nghỉ ngơi một thời gian để ra nước ngoài phẫu thuật, bởi chị bị một căn bệnh ở tuyến giáp, nếu để lâu sẽ ung thư. Có lẽ ai gặp chị cũng sẽ ngạc nhiên, bởi tại sao với sức khỏe ấy, mà chị lại đủ sức kham nổi khối lượng công việc khổng lồ như thế.
Sức khỏe không cho phép, ốm đau liên miên, vậy mà Minh Hằng vẫn cứ như lên đồng, hết đi đóng phim, đóng kịch đến vai trò phó chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty liên doanh với nước ngoài chuyên sản xuất thuyền bơm hơi và xuồng cứu hộ cứu nạn xuất khẩu đi 50 nước trên thế giới, với cả hai trăm công nhân làm việc ngày đêm.
Là một người nghệ sỹ, chị cho phép mình giữ nếp thích gì làm nấy, theo cảm hứng, vậy mà khi lao ra làm kinh tế, chị nghiệm ra rằng, thương trường là chiến trường, và cần một cái đầu luôn tỉnh táo.
Đừng nghĩ chị sẽ mang con người nghệ thuật của mình vào trong công việc mà khi đặt bút ký hợp đồng, ngồi trước đối tác, trước mắt chị là hình ảnh của mấy trăm công nhân cần một đời sống được cải thiện từng ngày trong thời bão giá.
Mấy năm nay Minh Hằng âm thầm đi làm từ thiện. |
Chị vẫn nhớ như in lần đi từ thiện dọc miền Trung, 5h sáng đến Nghệ An, chị bật khóc khi nhìn bà lão chừng hơn 70 tuổi ngồi dưới trời mưa phùn, mặc áo tơi giữa cái rét cắt da cắt thịt, bà bán không nhiều thứ mà chỉ bán đúng một nải chuối xanh.
Chị hỏi con cháu cụ đâu mà cụ lại ngồi đây, rồi thảng thốt khi nghe cụ trả lời cụ không có con. Chị vội vàng xẻ nửa số tiền mang theo bên mình để biếu bà cụ, nhưng cụ không chịu cầm số tiền ấy, chị phải nói mãi bà cụ mới chịu cầm nhưng với điều kiện chị phải nhận của bà cụ nải chuối, chứ nhất định không lấy số tiền mà chị nói là ‘biếu’.
Người nghệ sỹ tưởng chừng đanh đá và chua ngoa trên phim, trên sân khấu ấy lại quan niệm rất cuộc đời: ‘Tôi vẫn thường nhìn cái sơ đồ đo điện tim, để thấy nếu cuộc sống chỉ là một đường thẳng thì có lẽ con người ta đã chết từ lâu rồi, cuộc sống phải như hình đo điện tim, có lên có xuống, lúc trầm lúc bổng, cứ sống hết mình cho hiện tại, để thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa.'
Chị hay nhắc đến câu nói trong tác phẩm Cánh buồm đỏ thắm: Trong cuộc sống cần phải có ước mơ, nếu không có ước mơ thì ta coi như đã chết, cho dù là ước mơ hão huyền còn hơn là không có ước mơ.’
Minh Hằng vốn dĩ là người không thích nói quá nhiều về gia đình, về những người thân bên cạnh, chị chỉ chia sẻ rằng, chị hài lòng với cuộc sống hiện tại, chị tự hào về dòng họ, về gia đình, khi các con các cháu đều giỏi giang, thành đạt, và thấy đủ đầy hạnh phúc khi có một người chồng luôn ở bên cạnh chị trong những bước thăng trầm của cuộc sống.
An Yên
Bình luận