• Zalo

NSƯT Kim Tiến kể chuyện lần đầu thuyết minh Tây Du Ký

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 23/12/2010 12:50:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhân sự kiện Lục Tiểu Linh Đồng sắp sang VN, VTC News đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Kim Tiến - người đầu tiên thuyết minh bản phim Tây Du Ký 1986.

(VTC News) - Những ai từng mê mẩn Tây Du Ký phiên bản năm 1986, hẳn nhớ như in lời thuyết minh trầm ấm, biểu cảm của “giọng đọc vàng” Việt Nam, NSƯT Kim Tiến. Chị là một phát thanh viên tài năng, xinh đẹp nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ từ những năm 1980-90. 
 
Ngôi sao nổi tiếng Trung Quốc Lục Tiểu Linh Đồng (vai Tôn Ngộ Không trong bộ phim Tây Du Ký phiên bản 1986) sẽ đến Việt Nam tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá từ ngày 24 đến 30/12. Nhân sự kiện này, VTC News đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Kim Tiến - người đầu tiên thuyết minh Tây Du Ký về cảm xúc, kỷ niệm đáng nhớ xung quanh bộ phim. Chị cũng sẽ tham gia buổi giao lưu đặc biệt với diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng vào tối 25/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đã ngoại lục tuần, nhưng giọng nói của NSƯT Kim Tiến vẫn trầm ấm, tình cảm như hồi còn trẻ. Ảnh: Trịnh Mão.

- Hơn 20 năm trước, là người đầu tiên thuyết minh tiếng Việt bộ phim Tây Du Ký. Chị còn nhớ…

- Tôi nhớ chứ. Năm 1986, sau khi bộ phim Tây Du Ký hoàn thành, Đại sứ quán Trung Quốc tặng Đài truyền hình Việt Nam một bản phim. Ngày đó, Đài chưa có nhiều người dịch thành thạo tiếng Trung, nên phải nhờ một người bên Bộ Ngoại giao sang dịch hộ.

Mới biên dịch được một vài tập, vì một số lý do, Đài đã phát sóng bộ phim nên êkíp chúng tôi luôn phải làm việc căng như dây đàn. Cứ ngày hôm trước lồng tiếng xong một tập là hôm sau phát sóng ngay. Thế cho nên mới có chuyện 3 tập phim đầu, lời dịch không hoàn chỉnh lắm, có 4 câu chỉ dịch 2. Khi thuyết minh, tôi phải cố gắng rất nhiều, sao cho không bị trống câu trong đối thoại giữa các nhân vật. Nhưng tôi đã rất thích bộ phim, diễn viên của họ quá giỏi.

- Bản phim Tây Du Ký năm 1986, trong một vài tập cuối, người thuyết minh lại là Minh Trí. Nhiều khán giả vẫn băn khoăn chưa biết lý do sự thay đổi này?

- Đây là câu hỏi mà nhiều người từng hỏi tôi. Thực ra, sự thay đổi này liên quan đến vấn đề biên tập phim. Người biên tập muốn tạo ra sự thay đổi nho nhỏ nào đó cho bộ phim bằng chất giọng nam. Vào khoảng 7 năm sau, Đài truyền hình VN phát lại Tây Du Ký, Trung tâm Bản Quyền của Đài đã yêu cầu tôi đọc lại mấy tập cuối - trước kia do anh Minh Trí đọc, để có một sự nhất quán. Quả thật, sau 7 năm thuyết minh lại bộ phim, chất giọng của tôi trầm hơn một chút, cộng thêm cảm hứng từ trước, tôi đã hoàn thành rất tốt vai trò của mình.

- Để thuyết minh thành công nhân vật Tôn Ngộ Không - linh hồn bộ phim Tây Du Ký, chị có gặp nhiều khó khăn?

- Thuyết minh phim, ngoài yếu tố khớp đúng lời nhân vật, điều quan trọng hơn là sử dụng độ biểu cảm trong lời nói nhằm thể hiện tính cách, thái độ, nhân vật. Người thuyết minh không cần thiết phải diễn theo từng điệu bộ, cử chỉ nhân vật. Cái chính là để khán giả thưởng thức bộ phim bằng chính giọng nói của nhân vật, tiếng động, âm nhạc trong phim.

 "Giọng đọc vàng" Việt Nam luôn tất bật với công việc, dù đã nghỉ hưu từ lâu. Ảnh: Trịnh Mão.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, dù tránh diễn theo nhân vật, người thuyết minh vẫn phải đảm bảo truyền cảm xúc vào lời nói, nhấn nhả hợp lý để người xem hiểu rõ đâu là nhân vật chính diện, phản diện; cấp trên và cấp dưới; người lớn và trẻ con. Một tác phẩm có giá trị, nổi tiếng thế giới mà thuyết minh chỉ đọc với giọng điệu thờ ơ, mang tính chất phiên dịch sẽ làm mất giá trị tác phẩm.

Tôi thích nhất Tôn Ngộ Không là tiếng nói, sự thông minh và dí dỏm. Với nhân vật này, tôi nhập vai rồi say sưa hoá thân, sống cùng tâm trạng nhân vật ngay từ tập đầu tiên mà không thấy khó khăn gì cả. Tôi cũng thích Trư Bát Giới - một nhân vật lười nhác, nhát gan, thường kiêu ngạo, tự đắc sau lưng Tôn Ngộ Không. Thời điểm thuyết minh Tây Du Ký, tôi từng có kinh nghiệm hơn chục năm làm nghề rồi nên có thể phản ứng nhanh ở mọi tình huống, các loại tính cách khác nhau.

- Thời gian để chị hoàn thành công việc thuyết minh cho bộ phim là bao lâu?

- Cái này tuỳ thuộc phản xạ của mỗi người thuyết minh. May mắn, tôi rèn cho mình được khả năng cắt cúp lời nói nhân vật nhanh ngay trong đầu mà không cần vạch ra giấy. Do vậy, nếu lời dịch chuẩn, thì 1 tập phim 45 phút, tôi chỉ đọc lố ra 5 phút là xong.

- Tối 25/12 tới, chị tham gia buổi giao lưu đặc biệt với diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng tại Nhà hát lớn Hà Nội. Điều chị muốn hỏi “Tề Thiên Đại Thánh” nhất là gì?

- Tôi muốn hỏi: Ông mất bao nhiêu thời gian và trăn trở như thế nào để hoàn thành vai diễn hay như thế? Bên cạnh đó, tôi muốn chia sẻ sự cảm phục đối với ông. Tôi tin sẽ không có ai đóng Tôn Ngộ Không hay bằng Lục Tiểu Linh Đồng. Tôi xem đi xem lại bộ phim này nhiều lần và luôn nghĩ, Tôn Ngộ Không trong phim đích thực là một chú khỉ bắt chước điệu bộ của người, chứ không phải do diễn viên đóng nữa.

 Diễn viên nổi tiếng Lục Tiểu Linh Đồng sẽ có buổi giao lưu với "giọng đọc vàng" Kim Tiến vào ngày 25/12 tại Hà Nội.

- Và chắc hẳn, buổi giao lưu đó sẽ không thể thiếu những ấn tượng sâu sắc của chị về vai diễn mà Lục Tiểu Linh Đồng đã thành công, cũng như về bộ phim này? 
 
- Tôi thực sự rất thương Tôn Ngộ Không và oán trách Đường Tăng trong tập phim Ngộ Không bị đuổi về Hoa Quả Sơn. Trong phòng thu, đến đoạn Ngộ Không bị sư phụ đuổi, tôi đã tức tối kêu lên với nhân viên xử lý âm thanh rằng: “Ông Đường Tăng thật chẳng thông minh tý nào cả”. Tôi yêu, cảm phục lòng trung thành của Tôn Ngộ Không. Bị đuổi mà vẫn một lòng, một dạ phò tá sư phụ đi lấy kinh.

Tôi cũng sẽ nói với diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng rằng, sau mỗi buổi thuyết minh từ phòng thu ra, tinh thần tôi rất thoải mái, vui vẻ. Bởi vì, mỗi tập phim là một hành trình mà cái thiện chiến thắng điều ác. Một bộ phim nhẹ nhàng, dí dỏm, mang tính giáo dục cao, kết thúc có hậu.

- Sau thành công rực rỡ của Tây Du Ký phiên bản năm 1986, bộ phim liên tục được các Đài truyền hình trong cả nước phát lại trong nhiều năm, với một số giọng thuyết minh khác nhau. Tuy nhiên, khó ai có thể quên lời thuyết minh quá sâu đậm của “giọng đọc vàng” Kim Tiến. Nếu có một sự so sánh, chị thấy mình thành công hơn thế hệ sau ở điều gì?

- Việc đánh giá, nhìn nhận nên dành cho khán giả. Với tôi, việc sau nhiều năm người ta nhắc tới Tây Du Ký là nhớ Kim Tiến, chính là hạnh phúc to lớn rồi! Tôi tự hào về điều đó. Mới cách đây mấy hôm, đi ăn sáng, một ông ở Toà án huyện Từ Liêm (Hà Nội) bảo: “Tôi  vẫn nhớ chị từng đọc Tây Du Ký đấy nhé! Chị này hay thật đấy, đọc được cả tâm lý, dã sử, chính luận”. Thực sự, tôi vui lắm.

- Thời gian làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam, công việc chính của chị là dẫn các chương trình thời sự, phim tài liệu. Thế mà khán giả lại nhớ nhiều đến “giọng đọc vàng” Việt Nam trong vai trò thuyết minh phim. Điều đó khiến chị suy nghĩ không?

- Tôi yêu điện ảnh và mê xem phim. Dù khán giả không nhớ tôi từng dẫn thời sự mà đa số chỉ nhớ tới vai trò thuyết minh phimthôi, tôi vẫn thấy rất vui.

- Năm 2011 tới, bộ phim Tây Du Ký phiên bản mới chính thức ra mắt khán giả. Khi bộ phim được phát sóng tại Việt Nam, nếu có lời mời chị thuyết minh, chị có đồng ý?

- Sẵn sàng thôi! Tất nhiên, tôi không dám khẳng định bản thân đọc tốt như hồi còn trẻ. Nhưng có lẽ, tôi vẫn khai thác được tính cách của các nhân vật chính trong phim.

- Nghe nói, sau khi về hưu, công việc của chị còn nhiều hơn cả thời chị còn công tác tại Đài?

- Về hưu rồi, tôi không bị ai quản lý cả. Biết tôi không bận bịu chuyện gì, mọi người thường mời đọc phim tài liệu, phóng sự, phim truyện. Nói là vất vả, chứ tôi có thể điều phối được thời gian làm việc, không bị nhiều áp lực như hồi còn làm thời sự. Ngày trước làm truyền hình, quen lối sống gấp gáp, tất bật, nên giờ mà nhàn nhã, khó chịu lắm. Hơn nữa, tôi là con người thích làm việc, không có việc để làm, tôi sẽ ốm mất.

Văn Trinh (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn