Nhắc đến NSƯT Diệu Hương, khán giả sẽ nhớ ngay đến giọng hát ca Huế ngọt ngào, sâu lắng, da diết. Chị còn được khán giả yêu mến đến mức gắn cho biệt danh “Hương Huế”. Từ làn sóng phát thanh đến chương trình truyền hình, từ các sân khấu lớn nhỏ cho đến cả biên giới hải đảo, NSƯT Diệu Hương đã mang tiếng hát của mình đi nhiều nơi, với trách nhiệm của người nghệ sĩ, với sứ mạng mà chị tự đặt ra cho mình: Mang ca Huế lan tỏa đến với tất cả mọi người.
Bước rẽ đến với ca Huế
Nổi danh với ca Huế, nhưng không nhiều người biết, Diệu Hương lại khởi nghiệp với nhạc nhẹ. Sinh ra trong gia đình không có truyền thống âm nhạc nhưng lớn lên ở mảnh đất Quảng Trị đầy nắng gió, với những câu hò, điệu lý da diết đã hun đúc tâm hồn âm nhạc của Diệu Hương.
Năm 18 tuổi, Diệu Hương đã theo Đội Thông tin tuyên truyền văn hóa lưu động tỉnh Quảng Trị đi diễn ở khắp nơi. Từ năm 1995, chị hoạt động tại Đoàn nghệ thuật Quảng Trị. Trong 7 năm liền tham gia hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, nghệ sĩ Diệu Hương đoạt 4 HCV. Năm 2001, Diệu Hương từng đi thi Sao Mai và giành giải Ca sĩ trẻ triển vọng.
Nhìn vào “bảng thành tích” của Diệu Hương, ít ai ngờ, chị từng bỏ dở học cấp 3 để đi nhập ngũ. Nhưng như một cái duyên tiền định, nhờ niềm đam mê âm nhạc thôi thúc trong những lần đi diễn, chị đã quyết tâm học hành một cách bài bản. Diệu Hương tốt nghiệp cấp 3, sau đó học thêm 2 năm trung cấp ở trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Năm 2002, chị thi vào Đại học Âm nhạc Huế để nghiên cứu về âm nhạc dân gian. Năm 2010, Diệu Hương tiếp tục thi cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trong chặng đường học tập miệt mài, gian khổ ấy, Diệu Hương đã trải qua rất nhiều khó khăn, từ tài chính đến những rạn nứt gia đình, từ thời gian đến sức khỏe nhưng chưa một lần, người ta thấy Diệu Hương than vãn. Chị tự nhận là người mạnh mẽ, có lẽ những nắng gió miền Trung đã góp phần khiến con người chị kiên định, rắn rỏi. Ở Diệu Hương, người ta thấy được cả chất “lính”, cả khí chất kiên cường, hiên ngang của người miền Trung. Nhưng mỗi khi chị cất giọng hát, ai cũng bất giác như lắng lại vì sự dịu dàng, da diết, vì những tâm tình sâu nặng chuyển tải những lời chị ít khi nói ra thành lời qua những câu hát ấy.
Năm 2011, Nhà hát Đài TNVN thiếu người phụ trách mảng ca Huế và Diệu Hương có cơ hội thử sức. Dù không được đào tạo chuyên ngành ca Huế, nhưng khi chị tuôn ra những câu hát như ngấm từ trong máu thịt, ai cũng phải bất ngờ trước khả năng của một ca sĩ nhạc trẻ. Từ đó đến nay, Diệu Hương là người duy nhất phụ trách mảng ca Huế và dân ca, nhạc cổ miền Trung trên làn sóng Đài TNVN. Tiếng hát của chị dần lan xa, chinh phục được các khán thính giả qua nhiều điệu hát kinh điển như “Cổ bản”, “Lý tử vi”, “Phẩm tuyết”... Nhiều người còn nhầm tưởng, Diệu Hương là người xứ Huế bởi giọng hát quá đỗi ngọt ngào ấy.
Ca Huế đến với Diệu Hương như một bước rẽ bất ngờ, nhưng cuối cùng, Diệu Hương lại chọn ca Huế làm bến đỗ, cũng như làm điểm xuất phát để chị phát triển con đường âm nhạc của mình.
Diệu Hương tâm sự rằng: “Tuy bắt đầu con đường ca hát bằng nhạc nhẹ nhưng trong tôi luôn có tình yêu với ca Huế. Những câu hò ngân vang, dịu dàng với âm điệu ngọt ngào, sâu lắng đã thấm nhuần vào tâm hồn tôi. Có lẽ ca Huế đã “chọn tôi” chứ không phải tôi chọn ca Huế. Tôi cũng có nhiều thời gian trò chuyện, tìm hiểu và học hỏi cách hát từ nghệ nhân ca Huế nổi tiếng - Tuyết Tuyết. Từ đó, tôi quyết tâm lựa chọn dòng nhạc này là hướng đi chính của mình”.
Tháng 5/2012, Diệu Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật dân tộc, đặc biệt trong việc giữ gìn và quảng bá ca Huế.
"Đối thoại" giữa ca Huế và nhạc đương đại
Trên nền tảng là giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Huế, xuất phát điểm là ca sĩ dòng nhạc nhẹ, lại từng học Opera, NSƯT Diệu Hương đã có những cơ hội thuận lợi để thể nghiệm, để tìm ra sự "đối thoại” giữa dân ca Huế và nhạc đương đại.
Chị không gò bó ca Huế trong khuôn khổ những lời ca cổ, những giai điệu quen thuộc mà hát ca Huế với tâm thế cởi mở theo một cách riêng, với những thể nghiệm âm nhạc mới.
Diệu Hương chia sẻ: “Trong hơn 10 năm làm ở Đài TNVN, tôi đã hát vô số những bản ca Huế cổ, cũng hát những bản nhạc được viết lời mới. So với các thể loại âm nhạc khác như tuồng, chèo, cải lương... ca Huế khó nghe hơn vì nó thuộc loại nhạc cung đình, là thể loại âm nhạc bác học, xưa chỉ được hát trong cung vua, phủ chúa. Thế nên, dòng nhạc này rất kén người nghe. Trong một quãng thời gian dài, tôi luôn đau đáu, làm sao để phát triển ca Huế, để ca Huế đến gần hơn với khán giả. Tôi đã thử nghiệm và cuối cùng tìm ra cách kết hợp ca Huế với âm nhạc hiện đại”.
Trên thực tế, việc kết hợp âm nhạc dân gian với âm nhạc hiện đại đang là xu hướng mà nhiều nghệ sĩ trong nước, từ dòng nhạc truyền thống đến các ca sĩ nhạc trẻ theo đuổi vì nét quyến rũ, thú vị trong sự kết hợp lạ lẫm của nó.
Việc kết hợp này là “con dao hai lưỡi”, nếu làm tốt sẽ tạo ra sự phá cách, dấu ấn đặc biệt và thu hút được nhiều khán giả trẻ hơn. Thành công trong việc kết hợp này có thể kể đến như Hoàng Thùy Linh, Tân Nhàn, Hà Myo… Song, nếu như bất cẩn vượt qua ranh giới, đánh mất sự cân bằng thì gần như sẽ phá hủy toàn bộ tác phẩm. Đó là sự thất bại mà không ai mong muốn.
Bởi vậy, trước khi cho ra mắt sản phẩm, Diệu Hương đều rất cẩn thẩn, tỉ mỉ. Chị thử nghiệm rất nhiều làn điệu, nhiều bản ca Huế, từ những giai điệu thân thuộc đến cả những bản ca ít người biết. Mất một thời gian khá dài, mới đây, nữ ca sĩ đã cho ra mắt tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự kết hợp này, đó là bản mash up “Tình em bến đợi” - tổ khúc dân ca gồm 3 làn điệu nổi bật trong dân ca Bình Trị Thiên-Huế là chầu văn lời mới “Tình em bến đợi”, “Lý hoài nam (Lý qua đèo)” và “Lý ngựa ô”.
Trước đó, khán giả có thể đã nghe những tác phẩm xẩm, chèo, quan họ Bắc Ninh… kết hợp với nhạc hiện đại, nhưng cho đến giờ phút này, Diệu Hương là nghệ sĩ duy nhất hát ca Huế kết hợp với nhạc điện tử. “Tình em bến đợi” tạo ra sự khác biệt và lôi cuốn mạnh mẽ nhờ sự uyển chuyển giữa các điệu thức dân ca và nhạc điện tử, kết hợp với giọng hát biến hóa và kỹ thuật tinh tế của Diệu Hương.
Chính NSƯT Diệu Hương tự mình biên soạn và hướng dẫn phần hòa âm phối khí để làm sao không bị “vênh”. Điều đặc biệt ở bản mash up này ở chỗ, chị vẫn lấy âm nhạc dân tộc làm gốc, vẫn là đàn tranh, sáo, nhị, là văn bản cổ nhưng thêm vào những hòa thanh, biến tấu thành một bản world music khiến người nghe dễ hấp thu, dễ cảm nhận hơn.
Phần hình ảnh cũng được nữ ca sĩ đầu tư đầy tâm huyết với những cảnh quay đẹp mộng mơ ở đình Chèm với gốc đa, bến nước, sân đình… Diệu Hương tiết lộ, “Tình em bến đợi” là MV cuối cùng quay ở đình Chèm trước khi cây đa cổ bị chặt hạ. Nữ ca sĩ cảm thấy rất may mắn vì đã lưu giữ lại được những hình ảnh rất đẹp của gốc đa - biểu tưởng và là một phần lịch sử của đình Chèm trong MV.
Quá trình quay cũng gặp nhiều khó khăn khác vì dịch bệnh ảnh hưởng. Điển hình như chị phải thay nguyên đoàn múa do có một thành viên mắc COVID-19 ngay trước khi quay. Bởi vậy, khi nhận sản phẩm cuối cùng thành hình, chị đã rất mãn nguyện và hạnh phúc
Sau khi ra mắt, “Tình em bến đợi” đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ cả giới chuyên môn và khán giả. Việc lựa chọn những giai điệu quá quen thuộc như “Lý hoài nam”, “Lý ngựa ô” là cách làm thông minh để giúp người nghe đến gần hơn với ca Huế cũng như sự kết hợp giữa ca Huế và nhạc điện tử, đặc biệt là với khán giả trẻ.
Diệu Hương chia sẻ: “Tôi thực sự thấy rất hạnh phúc khi sản phẩm đã nhận được nhiều phản hồi tốt. Sản phẩm cũng được phủ sóng rộng hơn, không còn bó hẹp trong “tệp” khán giả thích nghe ca Huế nữa. “Tình em bến đợi” là sự khởi đầu thuận lợi để tôi có thể phát triển thêm cách làm này. Sắp tới, tôi sẽ cho mắt sản phẩm mới theo hướng âm nhạc dân tộc nhiều hơn với những sự đổi mới mà tôi tin khán giả sẽ bất ngờ”.
Sứ mệnh kéo khán giả đến với ca Huế
Khi được hỏi, liệu Diệu Hương có ý định làm một album theo phong cách ca Huế kết hợp với nhạc điện tử không? Nữ ca sĩ chỉ cười và nhẹ nhàng khẳng định bằng giọng chắc nịch: “Không!”.
Không là bởi, thay vì làm album 9-10 bài, chị muốn đầu tư cho từng sản phẩm, chăm chút cho từng sản phẩm và giới thiệu lần lượt đến khán giả. Cũng là bởi, việc sản xuất album rất tốn kém, và một nghệ sĩ dòng dân tộc như chị… không có tiền.
Nhiều người nghĩ, cứ là ca sĩ thì sẽ giàu có, đi diễn sô khắp nơi, nhận hợp đồng quảng cáo, rồi nhà lầu, xe hơi, quần áo sang chảnh… nhưng NSƯT Diệu Hương thật lòng chia sẻ rằng: “Ai có thể giàu, chứ ca sĩ thuộc dòng dân tộc như chúng tôi thì nghèo lắm. Hầu hết đều sống nhờ đồng lương phụ cấp. Nói ra thì lại bảo kể nghèo kể khổ, nhưng sống bằng nghề… vật vã lắm. Đi sô cũng không nhiều bởi sân khấu dành cho tuồng, chèo, cải lương, ca Huế… đâu có nhiều, cát-xê cũng không cao. Cũng có khi đi diễn lại trở về… hát nhạc trẻ. Dành dụm từng chút một, đôi khi hát “sạt cả giọng”, góp nhặt chỗ này chỗ kia, mới có đủ tiền làm sản phẩm”.
Bởi vậy, chị tự hào là người làm nhạc dân tộc hiếm hoi đầu tư làm được những sản phẩm chất lượng, có giá trị và có sức mạnh lan tỏa. Chị không làm vì tiền mà lấy sự yêu mến của khán thính giả làm lợi nhuận.
Chị tâm sự: “Khi còn học ở trường, thầy dạy nhạc của tôi có nói rằng: Người nghệ sĩ có trách nhiệm phải hướng khán giả đi theo con đường của mình, hướng họ nghe nhạc của mình, cho họ thấy mình đang làm gì, cho họ thấy được sự mới mẻ trong âm nhạc. Từ đó họ mới chú ý đến mình, yêu mến mình và dần yêu mến âm nhạc của mình. Tôi luôn tự nhắc nhở mình như vậy và cho rằng, đó là sứ mệnh của mình để lan tỏa ca Huế đến với tất cả mọi người”.
Khi hỏi, liệu chị có thấy thiệt thòi không trong khi rõ ràng có thể theo dòng nhạc trẻ, kinh tế sẽ khá hơn, có thể sắm sửa phục vụ nhu cầu bản thân, chăm sóc gia đình… chị chỉ cười xòa nói rằng: “Những người làm âm nhạc dân tộc rất khác biệt, để theo đuổi, chỉ có thể bằng niềm đam mê, bằng tình yêu. Tôi tự nhận mình hát các thể loại khác hay hơn ca Huế. Nhưng một khi đã theo đuổi, tôi phải có trách nhiệm với con đường mình đã chọn, phải làm đến cùng”.
NSƯT Diệu Hương khẳng định chắc nịch: “Dù có phải ăn mắm, ăn muối sống qua ngày, tôi vẫn theo đuổi ca Huế. Với những nỗ lực của mình, tôi hy vọng đến một ngày nào đó, ca Huế sẽ phổ biến rộng rãi và được mọi người không chỉ trong nước mà ở cả nước ngoài yêu mến”.
Bình luận