• Zalo

NSƯT Chí Trung: Tôi và Vân Dung là... cái nhà tắm

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 02/08/2012 02:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - NSƯT Chí Trung trải lòng rằng diễn viên hài như anh và Vân Dung là bếp núp, cái nhà tắm và người nào cũng cần.

(VTC News) - NSƯT Chí Trung trải lòng rằng diễn viên hài như anh và Vân Dung là bếp núp, cái nhà tắm và người nào cũng cần.

NSƯT Chí Trung trải lòng về tình trạng khủng hoảng sân khấu 


Những trở trăn với nền sân khấu hài.

- Được biết nhà hát Tuổi trẻ mới dàn dựng vở kịch Đàn ông cũng khóc mà NSƯT Chí Trung là đạo diễn, lý do nào khiến anh mang một vở hài kịch đi dự Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, nơi mà thường chỉ có những vở chính kịch và những hình tượng nghiêm túc tỏa sáng ?


Tiền thân của vở hài kịch Đàn ông cũng khóc là vở Đàn ông có bầu của tác giả Lê Chí Trung, sau đó thì NSƯT Tuấn Hải ở nhà hát kịch anh viết lại, anh ấy dàn dựng theo phong vị người Bắc và đổi tên thành Đàn ông cũng khóc. Nhân dịp liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Huế lần này tôi mang vở hài kịch Đàn ông cũng khóc đi.

Thật ra tôi mang vở hài kịch này đến dự liên hoan hoàn toàn không có một chút áp lực nào cả, người ta đã đổi từ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc sang liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cũng là có lý do của nó. Liên hoan nó khác hội diễn chứ, liên hoan là người ta mang những vở hay có, dở có, vui có, buồn có để liên hoan.  Mỗi người mang đến góp một món ăn trong bữa cơm chung, có những món được mọi người nhiệt liệt khen, nhưng cũng có món mọi người bảo không ngon.

Nhà hát cũng không có sức ép gì cho chúng tôi, mọi người cứ đi thi tung tẩy, không đặt sức nặng thành tích, HCV, HCB gì, tất nhiên có thì rất tốt, rất cám ơn nhưng không mong gì cả.

Năm 1999 tôi đi thi trong hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP HCM tôi cũng mang một vở hài kịch đi, và đó là vợ hài kịch duy nhất của đợt đấy, và được HCB. Tôi đã rất ngạc nhiên khi tiêu chí hội diễn là những hình tượng người chiến sĩ, những hình tượng lịch sử...mà mình mang hài đi cũng được chấp nhận và được đánh giá khá cao, tôi rất cám ơn điều ấy.

Đến bây giờ tôi lại tiếp tục mang Đàn ông cũng khóc đi, với một suy nghĩ rất thoải mái, không hề đặt nặng chuyện giải thưởng hay để chứng minh điều gì cả, hoàn toàn không. Đơn giản là có một liên hoan và tôi mang một vở đến tham gia trong không khí vui vẻ đó.

- Anh là một trong số ít những nghệ sĩ tâm huyết với hài kịch, anh có trở trăn khi khá nhiều người có một cái nhìn không được lạc quan vào lắm vào sân khấu hài?


Cái nhìn không lạc quan đó là sự khủng hoảng của toàn bộ nền sân khấu chứ không phải chỉ có hài, nền sân khấu nói chung đang khủng hoảng. Nhà hát chúng tôi còn may mắn có được một tụ điểm diễn thường xuyên ở rạp Tuổi trẻ và sáng đèn ở cả rạp Thanh niên, chúng tôi bán vé trước vài ba tháng khách vẫn mua, và vẫn diễn đều.

Tôi là một trưởng đoàn, một đạo diễn được đào tạo chính quy nên tôi tâm huyết với nghệ thuật sân khấu thì đúng hơn là chỉ với sân khấu hài, trong đó có một món hàng tôi coi như sản phẩm văn hóa, đó là hài kịch, đơn giản là sản phẩm đó bán được trong thời điểm này. Đương nhiên tôi cũng rất ước mơ được dựng những vở vĩ đại, nhưng trong bối cảnh hiện nay, những con người vĩ nhân dựng những vở vĩ đại lại không có nhiều người xem.

Như hôm vừa rồi truyền hình chiếu vở Cát bụi ai xem cũng khen hay, nhưng để họ ra rạp mua vé vào xem thì không. Hóa ra họ ở nhà ngồi máy lạnh mặc áo may ô, quần đùi xem thì họ bảo hay, nhưng họ sẽ không ra rạp,  đây đang là thời kì khủng hoảng sân khấu.

Nhưng sân khấu và những vở có yếu tố hài vẫn được khán giả đón nhận, tại sao lại như vậy? Tôi là người rất để ý đến thị trường, tôi không có áp lực về huy chương, về danh hiệu, nhưng tôi lại có áp lực rằng, tôi không thể để diễn viên của tôi nghèo hay chết đói được, tôi phải nuôi khát vọng của các bạn ấy.

Tâm huyết của tôi là với nền nghệ thuật sân khấu, nên tôi rất mong sau này khán giả sẽ trở lại với những màn chính kịch, những vấn đề nghiêm túc, để được dựng những vở như thế.

NSƯT Chí Trung mong khán giả sẽ trở lại với những vấn đề nghiêm túc chứ không chỉ có hài kịch 

Trong mắt nhiều nhà phê bình, những vị học giả đáng kính, họ coi sân khấu hài là nhí nhố, nhưng trong cuộc sống thực tế người ta rất cần những cái nhí nhố như thế để giải tỏa những lớn lao áp lực đè lên mọi người.

Ngay cả tiểu thuyết bây giờ cũng phải có yếu tố sex, phải thành best seller, nhất là có vài ba cái cấm đoán thì càng tốt, thì sẽ tái bản liên tục, còn đôi khi sách của những nhà văn nổi tiếng, có treo lên giá hàng trăm năm có khi cũng chẳng ai để ý. Và chúng ta quay sang mua những truyện ngắn, thậm chí là cực ngắn.

Thế vì sao người ta không xem những vở kịch dài mà lại chỉ xem những vở kịch ngắn, nhiều người cho rằng tôi đang tầm thường hóa sân khấu, tôi đang đánh mất và làm nghiệp dư sân khấu, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là những góc nhìn thôi.

Họ cứ vĩ nhân, cứ dựng những vở vĩ đại, cứ làm những ngôn từ lớn lao nhưng bản thân vở diễn không sống được, linh hồn vở diễn không sống được 1, 2 đêm bằng chính nó, chỉ sống bằng giấy mời. Nhiều khi cứ nói vui mở cửa mời vào không thèm kiểm tra vé, nhưng bán vé ra thì lại thu được tiền bằng vạn lần bán vé vào (cười).
 

Vậy thì thời kì này hài kịch đang bán được, thì tôi làm hài kịch để nuôi những khát vọng và ước mơ lớn lao hơn, tầm cỡ hơn.

- Có vẻ như sống được với nghề không phải chuyện đơn giản?

Rất chật vật, bên tôi có khoảng 40 nghệ sĩ, thì chỉ có 1, 2 người gọi là giàu lên bằng nghệ thuật, còn lại phần lớn các em đều sống bằng đồng lương hơn 1 triệu. Những nghệ sĩ đã thành danh trên các sân khấu hài như Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Công Lý, chị Minh Vương... hay thấp nữa là tôi thì có thể sống được với nghề. Nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay, và cũng phải xoay xỏa bằng nhiều cách.

Tiếng cười có đang bị dễ dãi và dung tục?

- Nhiều người cho rằng, tiếng cười trên sân khấu hài đang bị làm cho dễ dãi đi rất nhiều, hình như những người viết kịch bản đang bị bí đề tài?

Trong mỗi con người nghệ sĩ, ai cũng biết là không thể chạy theo tiếng cười rẻ tiền mà đánh mất mình được. Có thể trong một thời điểm nào đó, đó là những sản phẩm bán được để họ tồn tại, nhưng trong thâm tâm họ vẫn mong những tác phẩm lớn. Tác phẩm lớn thì cần những nghệ sĩ lớn và cả những khán giả lớn. Bây giờ khán giả không còn quá quan tâm đến những vấn đề lớn.

Thời kì bao cấp tồn tại nhiều bất cập trong quá trình chuyển đổi thì mới nảy sinh ra được nhiều kịch. Nhưng bây giờ cuộc sống dân chủ đến tối đa, công khai đến chừng mực tất cả rồi, những giám đốc tham nhũng bị bỏ tù ngay, những lãnh đạo chính quyền mà dâm ô bị bắt ngay, có những vấn đề chưa kịp dựng lên kịch ngày hôm sau đã chuyển sang vấn đề khác, thông tin cập nhật rất nhanh, thậm chí cả tư tưởng cũng cập nhật và được giải tỏa bức xúc.

Hôm nay showbiz có một quả bán dâm 10 người, hôm sau lôi ra 20 người, chưa kịp tập trung xong Hồng Hà đã quay sang Mỹ Xuân rồi những diễn viên nọ người mẫu kia rồi...tất cả mọi thứ đều được giải quyết nhanh chóng trước khi mình đặt vấn đề đó lên sân khấu kịch.

Nhiều người vẫn đặt câu hỏi tại sao không có nghệ sĩ tâm huyết, không có những vở tâm huyết mà quên mất rằng không có khán giả tâm huyết. Tôi không trách khán giả, vì họ còn có quá nhiều việc phải lo, nhưng đó là suy nghĩ chung trong tình trạng hiện nay.

- Có thể khán giả nghĩ đơn thuần rằng nghệ sĩ hài chỉ là những người mua vui cho đời, và đã là mua vui, thì họ cũng không cần quá tâm huyết?

Tôi rất thích câu nói của anh Lê Hùng, ở đời phải biết mình là ai. Tôi nhìn rất rõ về tôi, tôi xác định bọn tôi là người làm vui cho đời, làm sao trong niềm vui ấy cái nhân sinh quan và trí tuệ của người nghệ sĩ đến đâu sẽ đưa ra cái món ăn như vậy. Tôi mong mang được món ăn ngon và tiếng cười trí tuệ đến khán giả.

Tôi cũng tâm sự thế này, ví dụ như Vân Dung và chị Lê Khanh là hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Tôi coi chị Khanh là ban thờ, những lúc vất vả nhất, những lúc mong mỏi điều gì nhất hay thậm chí vui nhất cũng đều đến ban thờ. Nhưng chỉ những lúc bị kích thích cao độ đó thôi, hay ngày rằm, mùng 1, thì ra ban thờ thắp hương, chứ mấy ai ngày năm, bảy lần ra ban thờ. Chị Khanh là ban thờ và nhà nào cũng có ban thờ.

Ngược lại tôi với chị Dung là bếp núc, là buồng tắm, là nơi ngày nào người ta cũng vào 5, 7 lần, thế thì cái nào cần hơn, tâm linh cũng cần và cuộc sống đời thường cũng cần. Thế thì thôi, chịu khó ngày rằm, mùng 1 chị Khanh lên ban thờ, còn 28 ngày còn lại thì vào bếp, vào buồng tắm, nhưng cuộc sống lại cần cả hai điều ấy, tiếng cười là mua vui nhưng trong ấy là cả sự tâm huyết của người nghệ sĩ.

Tiếng cười là tâm huyết của người nghệ sĩ 

- Nhân nói về tiếng cười trí tuệ trong hài kịch, hẳn nhiều người còn nhớ sự sâu sắc và thâm thúy trong mỗi vở hề chèo ngày xưa, nhưng hình như cuộc sống gấp gáp khiến người ta không còn thời gian để đến với cái thâm thúy sau tiếng cười nữa, nên đôi khi nó bị dễ dãi đi?


Việc phân tích những giá trị nghệ thuật cao đep ngày xưa để chứng minh rằng mình đúng là một điều vô lễ, bất kính. Tôi không hiểu lắm về hề chèo, nhưng tôi sẽ nói về Molie, một vua hài ngày xưa, chúng tôi đã thử dựng lại những vở hài kịch của ông và kết quả là không có khán giả, người ta không quan tâm đến những vấn đề  đó nữa.

Nhiều khi tiếng cười nó thay đổi theo thời đại, có những vấn đề ngày xưa người ta cười, nhưng khi mang ra dựng lại, các bạn vẫn diễn rất hay, nhưng bây giờ nó không còn gây cười nữa.

Phải chăng hình như chúng ta đang hoài niệm, khi chúng ta đang bị bí vấn đề gì đó chúng ta lại hay hoài niệm về ngày xưa.

Nói các nghệ sĩ trẻ bây giờ không còn khát vọng và say mê, cái đó đúng, nhưng hãy đặt mình vào hoàn cảnh và thời đại bây giờ. Nhiều khi các bạn trẻ bước ra mà đói mèm, vất vả cả ngày, khán giả lèo tèo vài người và quay lưng với nhau. Thế nên mỗi giá trị, mỗi thời kì nó có một cái lịch sử và niềm khát vọng riêng, nên không áp đặt quy chụp được.

Những vở lớn lao khán giả không quan tâm, không thích vì vấn đề nó trượt rồi. Không cẩn thận mình cứ hoài niệm, cứ là kỉ niệm. Mỗi thời kì xây dựng một giá trị riêng của thời kì đó.

- Thời gian gần đây dư luận đề cập rất nhiều đến sự dung tục và nhảm nhí trong việc mua tiếng cười của khán giả trên truyền hình, ở sân khấu hài kịch có gặp tình trạng này?

Thật ra sân khấu hài ít khi bị như vậy lắm, nếu mọi người mang hài truyền hình để so sánh với hài sân khấu thì sẽ không chính xác. Hài sân khấu miền Bắc khác hẳn, không phải là hay hoặc không hay, mà là nếu không hay chúng tôi sẽ chết ngay ở sân khấu.

Nếu như trên truyền hình bạn không muốn xem kênh nọ có thể chuyển kênh kia thì ở sân khấu, sự tương tác là rất lớn, nếu không hay sân khấu sẽ chết ngay. Để khán giả bỏ tiền ra mua vé đâu phải chuyện đơn giản.

Đôi khi tiếng cười trên truyền hình bị làm quá, bị phóng đại lên quá mức khiến cho nó thiếu đi vấn đề trung tâm và tư  tưởng, thậm chí là khai thác những vấn đề thiếu thẩm mỹ khiến nó trở nên dung tục.

- Khi những cái tên Vân Dung, Xuân Bắc, Tự Long, Chí Trung... khán giả đã thuộc nằm lòng, không ít người lại lo lắng về một thế hệ nghệ sĩ hài kế tiếp?

Khi bác Đoàn Dũng về già hay bác Đào Mộng Long mất đi mọi người đều lo lắng rằng ai sẽ là người kế cận. Nhưng đến bây giờ đa phần khán giả rất công nhận Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Vân Dung...và không hề thấy thiếu khi bác Đào Mộng Long mất đi, bác Đoàn Dũng về nghỉ hưu.

Mọi người cứ quá lo, con chị nó đi con dì nó lớn. Tôi không lo đâu, mỗi thời lại  có cách diễn khác, cách nhìn nhận khác, giang sơn nào anh hùng đó, tự nhiên nhu cầu cuộc sống nó sẽ sản sinh ra những nghệ sĩ hài.

Xin cảm ơn anh!

An Yên(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn