NSƯT Chí Trung: Quốc ca là linh hồn dân tộc

Giáo dụcThứ Tư, 28/05/2014 06:58:00 +07:00

(VTC News) - Thường xuyên có mặt trên khán đài trong các trận đấu bóng đá, cùng cổ động viên hát vang Quốc ca, với NSƯT Chí Trung, bài hát là linh hồn dân tộc.

(VTC News) - Thường xuyên có mặt trên khán đài trong các trận đấu bóng đá, cùng cổ động viên hát vang Quốc ca, với NSƯT Chí Trung, bài hát là linh hồn dân tộc.

- Là người thường xuyên có mặt trên hàng ghế khán đài trong các trận đấu bóng đá, cùng cổ động viên hát vang bài Quốc ca, cảm xúc của anh khi cất lên những giai điệu ấy?

Với cá nhân tôi, Quốc ca là linh hồn của dân tộc. Nếu như mỗi gia đình người Việt coi bàn thờ tổ tiên là nơi tôn kính, trang nghiêm, để nhắc nhở truyền thống gia đình, dòng họ, nhắc nhở thế hệ sau những giá trị tốt đẹp cần gìn giữ, thì cũng như vậy, Quốc ca chính là chiếc bàn thờ, là linh hồn, mang ý nghĩa thiêng liêng với cả dân tộc.

Quốc ca không đơn thuần chỉ là một bài hát, mà là sợi dây âm nhạc buộc mọi người lại với nhau, xâu chuỗi tất cả quá khứ và hiện tại, lịch sử và tương lai.
quốc ca
Quốc ca là linh hồn dân tộc 
Mỗi lần được hát vang những giai điệu ấy, cảm giác dâng lên trong tôi là sự tự hào. Ca từ hào hùng vang lên, thấy như tái hiện lại khí thế vẻ vang về quá trình dựng nước và giữ nước của cả dân tộc.

Tôi còn nhớ khi đến Hàn Quốc, khi sang Thái Lan cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam, dù trên khán đài rất ít ỏi cổ động viên, nhưng khi bài hát của dân tộc vang lên, tất cả đều xích lại gần nhau, hát vang đầy khí thế.

Rồi những trận đấu ở sân vận động Mỹ Đình, giữa hàng chục ngàn người cùng đứng lên, nghiêm trang hát Quốc ca, tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy qua người, xúc động và đầy tự hào.

 

Quốc ca không phải bài hát dùng để giải trí, để thích thì hát, không thích thì thôi, mà là giai điệu chung của toàn dân tộc, bắt buộc phải thuộc và phải hát trong những dịp nghi lễ quan trọng.


 
- Giờ đây, trong những buổi chào cờ sáng thứ hai đầu tuần của học sinh, thay bằng việc tự hát vang những giai điệu ấy, các trường học chọn cách ‘hát bằng máy’, với suy nghĩ thiêng liêng và ý nghĩa về bài hát Quốc ca, anh nghĩ sao về cách làm này?


Không chỉ trong các trường học, mà thậm chí trong các cuộc họp Chi bộ tại các đơn vị, những cuộc họp quan trọng cũng không còn ai hát Quốc ca, tất cả đều dùng bản thu âm sẵn.

Tôi không đồng ý với cách làm này. Tôi không phải người giáo điều, mà là người cấp tiến, nhưng những gì thuộc về giá trị truyền thống của dân tộc thì cần phải gìn giữ.

Quốc ca không phải bài hát dùng để giải trí, để thích thì hát, không thích thì thôi, mà là giai điệu chung của toàn dân tộc, bắt buộc phải thuộc và phải hát trong những dịp nghi lễ quan trọng.
quốc ca
NSƯT Chí Trung cùng các cổ động viên trên khán đài. 
- Anh giáo dục các con của mình yêu Quốc ca như thế nào?

Trong gia đình tôi, có một nguyên tắc, là dù mọi người đang làm gì, bận rộn ra sao, hoặc ngay cả khi cùng chuẩn bị một bữa cơm cho gia đình, mà tivi tường thuật các trận đấu bóng đến phần Quốc ca, là cả nhà đều đứng nghiêm trang, cho đến khi giai điệu kết thúc.

Tự bản thân các cháu khi ý thức được ý nghĩa của bài hát này,  các cháu cũng cảm thấy yêu đất nước mỗi khi giai điệu Quốc ca cất lên.

- Anh nghĩ sao, khi cho rằng, Quốc ca là bài học vỡ lòng về lòng yêu nước?

Đó không đơn thuần là bài học vỡ lòng, còn là chiếc móng của một ngôi nhà, nhà muốn xây càng cao, móng càng phải cần phải chắc.

Những giai điệu của Quốc ca gieo vào lòng thế hệ trẻ ngày hôm nay lòng yêu nước, để từ đó biết mình phải làm gì cho Tổ quốc.
quốc ca
- Khi còn là một cậu học trò, anh có thường xuyên hát vang bài Quốc ca?

Thời của chúng tôi, vui sướng nhất là khi được hát Quốc ca, Đội ca, Đoàn ca, những bài hát về Bác Hồ và lòng yêu quê hương đất nước. Nó như một sợi dây vô hình gắn kết mọi người lại với nhau.

Mọi người hào hứng học thuộc những ca khúc đó, và hát vang bất cứ khi nào có dịp sinh hoạt tập thể, ngày lễ, ngày Tết.

Không ít người hoài nghi về lòng yêu nước của thế hệ trẻ ngày hôm nay, là bởi chính từ những điều nhỏ bé đó, họ không hát Quốc ca, họ không thích nghe nhiều những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, khiến cho cứ có gì đó chênh vênh, không vững chãi trong cái ‘móng’ mà chúng ta kỳ vọng rằng nó phải thật vững để xây thêm những ngôi nhà cao.

Và người lớn có trách nhiệm giáo dục con trẻ về truyền thống, đạo lý yêu nước, ngay từ việc học thuộc và hát bài Quốc ca mỗi sáng thứ hai đầu tuần.

Tài sản mất đi có thể kiếm lại được,  nhưng có những giá trị nếu để mất đi rồi thì sẽ không bao giờ có thể tìm lại được.

Xin cảm ơn anh!

An Yên (thực hiện)




Bình luận
vtcnews.vn