• Zalo

NSND Tường Vi: 'Huyền thoại' và sự thật tiếng chim hót trong 'Cô gái vót chông'

Sao ViệtChủ Nhật, 12/05/2024 20:01:05 +07:00Google News

Xoay quanh giọng hát và sự nghiệp của NSND Tường Vi có nhiều giai thoại hấp dẫn được kể đến nay.

NSND Tường Vi qua đời ngày 11/5, hưởng thọ 86 tuổi. Lễ viếng diễn ra vào 7h ngày 14/5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 17, TP Đà Nẵng. Lễ truy điệu lúc 12h cùng ngày, linh cữu được an táng tại Nghĩa trang Quân khu 5.

Tiếng hát chữa lành

NSND Tường Vi sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Những năm 1950 - 1951, hầu như tối nào bộ đội cũng sinh hoạt văn nghệ tại sân nhà bà ngoại Tường Vi. Nhờ đó, Tường Vi thuộc những bài hát cách mạng, nhạc trữ tình Văn Cao lúc nào không hay.

Sau đó, Pháp dội bom, bà ngoại mất do bị trúng đạn khiến Tường Vi xung phong lên đường nhập ngũ năm 16 tuổi với vai trò y tá tại Viện Quân y 108. Trong quá trình chăm sóc thương binh, bà hay cầm đàn guitar hát cho họ nghe nên được điều sang Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị hoạt động chuyên nghiệp.

Từ đó, bà trở thành thế hệ nghệ sĩ đầu tiên hát phục vụ các thương binh, giúp họ phần nào quên cơn đau và yên tâm chữa trị. 

NSND Tường Vi (phải) bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Tư liệu)

NSND Tường Vi (phải) bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Tư liệu)

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NSND Tường Vi hoạt động tại Đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Thường xuyên có dịp gặp và biểu diễn cho quân đội, bà vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ tên, quý mến. 

Những lần NSND Tường Vi đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp chơi thường được ông đề nghị đệm đàn cho hát. 

Cả đời hát phục vụ quân đội, Tường Vi là nghệ sĩ hiếm hoi có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam xuất bản năm 1996.

"Huyền thoại" về tiếng chim hót trong "Cô gái vót chông"

NSND Tường Vi sở hữu giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) khá hiếm gặp so với phần lớn giọng trữ tình cùng dòng nhạc. 

Tốt nghiệp khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và Nhạc viện Sofia (Bulgaria), bà có nền tảng chuyên môn vững chắc. Xuyên suốt sự nghiệp, bà thể hiện thành công đa dạng thể loại từ bán cổ điển, cách mạng tới trữ tình, dân ca.

'Cô gái vót chông' - NSND Tường Vi.

"Cô gái vót chông" - NSND Tường Vi

Trong vô số bài hát gắn với tên mình như: Tiếng đàn Ta Lư, Em là hoa Pơ Lang, Người con gái sông La, Cánh chim báo tin vui, Người lái đò trên sông Pô Cô, Bóng cây Kơ-nia, Suối Lênin… Tường Vi được công nhận là người hát bài Cô gái vót chông hay nhất.

Đặc biệt, sau này ít khán giả biết đoạn người thể hiện giả tiếng chim hót là sáng tạo của cá nhân Tường Vi, không có trong bản gốc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Để tận dụng sở trường của giọng nữ cao màu sắc cũng như muốn thêm gam màu của núi rừng đại ngàn vào phần thể hiện, bà dùng kỹ thuật staccato (hát nẩy, hát tách) bằng giọng óc để giả tiếng chim vô cùng sinh động, ấn tượng. Nốt cao nhất trong chuỗi nốt staccato là Mi giáng quãng 6 - khẳng định trình độ kỹ thuật thanh nhạc của nữ nghệ sĩ. 

Sau này, nhiều thế hệ ca sĩ hát Cô gái vót chông gần như mặc định có phần giả tiếng chim hót. Tường Vi chưa bao giờ đính chính thông tin về đoạn staccato do mình sáng tạo vì cho đó là chuyện nhỏ nhặt.

Tấm lòng bác ái và mối quan hệ với con dâu ngôi sao

Ngày đến tuổi nghỉ hưu, NSND Tường Vi vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầm tay dặn dò: "Cựu chiến binh Việt Nam hưu nhưng không nghỉ" mà tiếp tục một hành trình khác trong sự nghiệp. 

NSND Tường Vi. (Ảnh: Fanpage nhân vật)

NSND Tường Vi. (Ảnh: Fanpage nhân vật)

Bà chuyên tâm vào công tác đào tạo, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Ngôi nhà trong ngõ nhỏ ở số nhà 24, B3 phố Mai Dịch, Hà Nội trở thành nơi vun vén tài năng cho nhiều nghệ sĩ thành danh sau này như: Thanh Lam, Khánh Thi, Giáng Son, Thái Thùy Linh, Hoài Phương, Hà Chương… 

Các học trò vẫn hay trìu mến gọi bà là "mẹ Vi". Tường Vi rất hãnh diện, hạnh phúc khi nhìn các học trò thành công, lấy đó làm động lực tiếp tục dìu dắt người trẻ trên con đường nghệ thuật.

Tường Vi thành lập Trung tâm Nghệ thuật Tình thương Bồi dưỡng tài năng trẻ trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại Hà Nội, sau đó là Đà Nẵng và Quảng Nam.

Bà cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giáo viên tâm huyết, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhận những em khó khăn, khuyết tật, thiếu may mắn có năng khiếu để nuôi dưỡng và dạy năng khiếu, ngoại ngữ.

Câu chuyện về cuộc đời NSND Tường Vi còn thêm màu sắc thú vị khi có con dâu là ngôi sao. Cụ thể, ca sĩ Ngọc Anh từng kết hôn với nhạc sĩ Trần Hùng - con trai duy nhất của bà với nhạc sĩ Trần Chương.  

Ca sĩ Ngọc Anh dẫn chồng  hiện tại về thăm NSND Tường Vi khi bà còn sống. (Ảnh: FBNV)

Ca sĩ Ngọc Anh dẫn chồng  hiện tại về thăm NSND Tường Vi khi bà còn sống. (Ảnh: FBNV)

Suốt thời gian dài, Tường Vi thường xuyên được báo chí hỏi về mối quan hệ với con dâu Ngọc Anh. Bà kể khi Ngọc Anh mới về làm dâu, đôi bên có nhiều khác biệt. Tường Vi là ca sĩ phục vụ trong quân đội nên trang phục, tác phong đều chỉn chu trong khi Ngọc Anh "quá hiện đại", gần như đối lập với mẹ chồng. 

Sau này, hai mẹ con ngày càng hiểu nhau, có thể chia sẻ nhiều điều. Khi định cư Mỹ, vợ chồng Trần Hùng - Ngọc Anh nhiều lần đề nghị đón Tường Vi sang ở cùng nhưng bà từ chối vì còn nhiều việc dang dở. Nhớ con, nữ nghệ sĩ chỉ có thể gọi video. 

Khi Trần Hùng và Ngọc Anh ly hôn, mối quan hệ giữa NSND Tường Vi và con dâu cũ vẫn tốt đẹp.

Nghe tin NSND Tường Vi mất, Ngọc Anh đã nhắn nhủ đầy thương yêu: "Con tạm biệt mẹ thân yêu. Cảm ơn mẹ đã luôn nhớ thương con và cháu nội. Chúng con không thể về kịp chia tay mẹ nhưng sẽ về viếng mẹ thường xuyên như con vẫn luôn thăm mẹ những tháng ngày qua mẹ nhé. Thương mẹ vô cùng".

Qua những chia sẻ đầy thương yêu của gia đình và đồng nghiệp, cuộc đời và sự nghiệp của NSND Tường Vi như hiện lên một cách đủ đầy, rực rỡ và viên mãn. 

(Nguồn: Vietnamnet)

Link: https://vietnamnet.vn/nsnd-tuong-vi-huyen-thoai-va-su-that-tieng-chim-hot-trong-co-gai-vot-chong-2279967.html

Bình luận
vtcnews.vn