NSND Thanh Hoa tham gia hoạt động nghệ thuật từ năm 16 tuổi. Gần 60 năm cống hiến, bà ghi được những dấu ấn riêng trong sự nghiệp. Ở tuổi 73, bà vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy tình yêu nghề với mong muốn truyền trao cho thế hệ sau thấu hiểu giá trị đích thực của từ “nghệ sĩ”.
Phấn đấu để xứng danh Nghệ sĩ
- Khi một nách hai con nhỏ, con út mới được 6 tháng, điều gì thôi thúc bà xung phong vào chiến trường?
Với mong muốn làm được điều gì đó cho đất nước, tôi xung phong vào chiến trường không chỉ vì trách nhiệm của một người công dân Việt Nam mà còn vì nghĩa, vì tình với đồng đội. Lúc bấy giờ, tôi là đơn ca chính của Đài Phát thanh Giải phóng.
Tôi hiểu, anh em đồng đội cần mình, chiến sĩ cần tiếng hát của mình. Khi tập thể đã cần, mình không thể vì lý do riêng mà thoái thác trách nhiệm với cái lớn, cái chung.
- Những năm tháng phục vụ chiến trường hẳn không thể nào quên, thưa bà?
Vào chiến trường, chúng tôi hát không có chương trình mà theo yêu cầu của các chiến sĩ ở từng đơn vị. Có đơn vị nhiều chiến sĩ quê ở Hà Tĩnh thì tôi hát Giận mà thương, đơn vị nhiều chiến sĩ ngoài Bắc thì tôi hát quan họ hoặc những bài dân ca mà họ yêu cầu.
Ngoài ra, chúng tôi cũng hát những khúc ca như: Cô gái Pa Kô, Nổi lửa lên em, Rừng xanh vang tiếng ta lư, Cô gái vót chông… để động viên tinh thần bộ đội.
Đi chiến trường mới thấy hết sự nghiệt ngã của chiến tranh. Thương lắm! Những anh bộ đội chân tay đầy vết thương, máu còn rỉ ra nhưng họ vẫn nén đau đớn thể xác lắng nghe chúng tôi hát. Hay khi đến các bệnh viện dã chiến, có chiến sĩ nắm lấy tay tôi khi tôi hát, nhưng ca khúc vừa hết, họ đã ra đi mãi mãi rồi…
Nhưng khốc liệt hơn cả cái chết là con người không được sống một cuộc sống bình thường. Có đơn vị tôi đến chỉ có 3 chiến sĩ, hàng chục năm không được nhìn thấy phụ nữ… Những lúc như thế, tôi càng thấy chuyến hành quân của mình có ý nghĩa. Tôi tự hào vì đã đóng góp một phần công sức vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Chiến tranh khốc liệt như vậy, chúng ta mới hiểu hòa bình thật đáng quý biết bao. Thế nhưng hiện nay, vẫn còn một bộ phận chưa hiểu được sự hy sinh vĩ đại của thế hệ đi trước, sống ích kỷ, nhất là các bạn trẻ. Văn hóa không phải chỉ là thơ ca nhạc họa mà còn là nhân cách. Dường như chúng ta đang xem nhẹ việc này.
- Có vẻ như, bà đang có những day dứt với thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay?
Tôi thấy nhiều nghệ sĩ hiện nay không có trách nhiệm với chính bản thân họ và xã hội. Một số người quan niệm rất lạ, hát được một bài đã tưởng mình là thiên tài, xuất chúng. Khi được vỗ tay, tán thưởng, họ ngộ nhận là mình đã tỏa sáng rồi, ở vị thế hơn mọi người rồi. Chính vì vậy, họ luôn tạo cho mình vẻ ngoài hào nhoáng, phong cách sống, suy nghĩ khác người.
Người nghệ sĩ phải hiểu rằng, khi bước lên sân khấu, họ đang làm một công việc bình thường như bao người khác. Hát là một nghề, nghệ sĩ là một người lao động. Chúng ta gọi thế nào là phục vụ, thế nào là cống hiến? Đi hát kiếm hàng trăm triệu, làm giàu, xe hơi nhà lầu thì có phải là cống hiến không?
- Điều gì đã khiến họ như vậy, thưa bà?
Thế nào là nghệ sĩ, thế nào là văn hóa trong xã hội? Sống trong một xã hội có kỷ cương, thượng tôn pháp luật, nhưng không ít người thiếu hiểu biết về luật pháp. Bây giờ, hỏi nghệ sĩ, mấy người nắm được luật? Trách nhiệm của họ là gì trong xã hội, ai trả lời được đúng? Hay họ chỉ nghĩ sau khi hát được hoan hô, tán thưởng thì đã là nghệ sĩ?
Bản thân tôi không phải là một nghệ sĩ long lanh, lấp lánh như các nghệ sĩ trên sân khấu. Tôi là một chiến sĩ văn hóa. Tôi luôn mong muốn những đồng nghiệp thế hệ sau hiểu được giá trị đích thực của từ “nghệ sĩ”.
- Và vì thế mà ở tuổi này bà vẫn hăng say với công việc?
Ở tuổi 73, tôi vẫn hăng hái, đam mê, truyền dạy những hiểu biết của mình cho thế hệ sau. Tôi muốn tập hợp lực lượng các nghệ sĩ biểu diễn, với các bạn trẻ là để giáo dục ý thức nghề nghiệp.
Bí quyết hạnh phúc của người nghệ sĩ
- Bên cạnh sự nghiệp thành công, khán giả ngưỡng mộ hôn nhân viên mãn của bà và nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi. Hai người gặp nhau thế nào?
Chúng tôi quen nhau buồn cười lắm, chỉ vì miếng dứa 200 đồng. Cùng đi biểu diễn, anh thấy tôi thích ăn dứa, ngày nào cũng ăn. Rồi một hôm, tôi ra mua thì cô bán hàng bảo anh trả tiền rồi. Sau lần mời miếng dứa đó, chúng tôi gần gũi nói chuyện nhiều hơn.
Anh bảo thích tôi vì ngày xưa tôi có duyên và nói chuyện hay. Còn tôi khi đó bị sự đẹp trai của anh ấy quyến rũ. Nhưng hơn cả, có lẽ tôi mê anh vì tài năng. Trong nghề nghiệp chúng tôi có sự trân trọng nhất định dành cho nhau.
- Gần 40 năm bên nhau, điều gì khiến NSND Thanh Hoa và chồng vẫn giữ được sự mặn nồng, hạnh phúc?
Điều này có lẽ phải hỏi chồng tôi, vì sao anh vẫn chiều tôi suốt từng ấy năm. Còn tôi chẳng có bí quyết gì với chồng con đâu. Tôi thật lắm, chẳng giấu được gì. Chồng tôi thì chẳng biết tại sao đến tuổi này vẫn say đắm, chăm chút tôi hàng ngày.
Tôi đanh đá, nhiều khi hay nói quá, con cái cũng khổ, nhưng tôi lại vì mọi người. Gia đình tôi hiểu điều đó. Chưa bao giờ về nhà tôi nghĩ mình là nghệ sĩ lớn, mà luôn làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ, người bà.
Chồng tôi là người Huế, rất hiền lành, luôn yêu chiều tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn xưng “em” với chồng dù anh kém tôi 6 tuổi. Anh ấy xưng “mình” thì tự tin hơn, chứ hiếm khi gọi “em” lắm.
Trong gia đình tôi hay gây sự, hay la làng. Nhưng tôi hay quên lắm. Tự dưng có việc gì là tôi quên mất đang cãi nhau với chồng. Có một lần giận nhau, xong tự nhiên mất điện. Tôi sợ bóng tối nên liền gọi chồng: “Anh ơi, anh ra lấy nến hay gì cho em đi!”. Thế rồi chẳng còn giận nữa. (cười)
- Xin cảm ơn NSND Thanh Hoa!
Bình luận